Công tác chuẩn bị tham dự SEA Games 23 của Đoàn Thể thao Việt Nam (Đoàn TTVN):
Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 23 Philippines 2005, Đoàn TTVN đã giành được những thành tựu đáng phấn khởi trong quá trình lịch sử phát triển nền thể thao Việt Nam. Với tổng số 228 huy chương các loại ( 71 HCV, 68 HCB và 89 HCĐ), Đoàn TTVN là một trong ba nước có trình độ cao ở khu vực Đông Nam Á, thắng lợi này trước hết có sự chuẩn bị lâu dài và chu đáo của toàn ngành TDTT, xuất phát từ mục tiêu là vươn lên hàng đầu trở thành một nước có trình độ cao về thể thao ở Đông Nam Á. Đây là một chỉ tiêu rất khó khăn, đòi hỏi phải phấn đấu cao mới đạt được.
Ngay sau khi giành thắng lợi lớn tại SEA Games 22 Việt Nam năm 2003, hơn 1.000 VĐV cấp cao của 34 môn thể thao đã được tuyển chọn lại và biên chế thành các đội dự tuyển quốc gia tập huấn tại ba trung tâm HLTT Quốc gia của ba miền. Nhiều đội được cử đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài dài hạn, với hơn 50 HLV, chuyên gia giỏi của nước ngoài huấn luyện. Sau gần hai năm chuẩn bị, số lượng VĐV trẻ được bổ sung lên tuyến trên khá nhiều. Cho đến giai đoạn đăng ký cuối cùng (tháng 10 năm 2005), các đội tuyển quốc gia của 32 môn thể thao chỉ còn là 507 VĐV. Quá trình này đòi hỏi một sự tính toán rất kỹ lưỡng sự tương quan lực lượng các môn thể thao của 11 nước. Các chuyên gia của Uỷ ban Olympic Việt Nam và các vụ chức năng chịu trách nhiệm về chuyên môn đã tiến hành tìm hiểu lực lượng các Đoàn trong quá trình đăng ký theo điều lệ và luật SEA Games.
Ở giai đoạn 1 (trước 1 năm), Việt Nam đăng ký tham dự 34/41 môn với hơn 700 VĐV, giai đoạn 2 (trước 3 tháng) Đoàn Việt Nam đăng ký và làm thẻ, tổng số lên đến 950 (chưa kể phóng viên và nhà báo), giai đoạn 3 đăng ký chính thức cho toàn Đoàn (bao gồm cả cán bộ lãnh đạo, lãnh đội, HLV, trọng tài và quan sát viên). Do phối hợp chặt chẽ, với một đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên môn có kinh nghiệm tổ chức đăng ký SEA Games 22 ở Việt Nam, nên việc đăng ký cho Đoàn thể thao Việt Nam đúng luật và đúng thời gian, tạo điều kiện thuận lợi để VĐV hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các môn đăng ký. Tuy nhiên, tiểu ban đăng ký gặp nhiều khó khăn vất vả vì sự chuẩn bị của các đội, các cán bộ luôn thay đổi, thông tin đăng ký cá nhân không đầy đủ, hộ chiếu hết hạn. Tuy nhiên về mặt chuyên môn không một trường hợp nào bị sai sót, không được thi hoặc sai nội dung. Tóm lại, công tác chuẩn bị của Đoàn thể thao Việt Nam khá chu đáo, bài bản kể cả về mặt tâm lý, ngoại giao và chuyên môn. Đây là một bài học mà trong 10 lần tham dự SEA Games Việt Nam đã rút ra và thực hiện ngày càng tốt.
Những khó khăn gặp phải khi tham dự SEA Games 23:
Theo thông tin thu được từ các quốc gia tham dự về những khó khăn và bất lợi chung mà các Đoàn TT đều gặp phải là điều kiện về cơ sở vật chất như: ăn, ở (một số khách sạn thức ăn chưa ngon và chưa đáp ứng được nhu cầu của các VĐV, phòng ở xuống cấp, thậm chí có khách sạn không có cả nước nóng…); đi lại (xe ôtô bố trí cho các đoàn chưa hợp lý, thời gian điều xe chậm, tình trạng kẹt xe thường xuyên nên mất rất nhiều thời gian cho di chuyển…); Điều kiện về sân bãi tập luyện và thi đấu (sân bãi cũ, hầu như đều trong tình trạng không được nâng cấp…), việc bố trí lịch và địa điểm tập luyện cho các đoàn chưa hoàn toàn hợp lý hay việc BTC bố trí rất ít các trọng tài trung gian điều hành thi đấu.
Theo thông báo, BTC sẽ đáp ứng đầy đủ các thiết bị cần thiết để đảm bảo điều kiện làm việc cho phòng thư ký của các đoàn thể thao. Nhưng trong thực tế, khi Đại hội gần kết thúc thì phòng thư ký của các đoàn mới được trang bị đầy đủ các thiết bị làm việc. Tất cả những khó khăn trên đều đã được nêu ra rất nhiều trong các cuộc họp giao ban Trưởng đoàn hàng ngày và các đoàn đều nhận được lời xin lỗi cũng như lời hứa là sẽ đáp ứng dần những yêu cầu trên của các đoàn thể thao từ BTC.
Một vấn đề đáng lưu ý nữa là các tình nguyện viên, BTC có thông báo số lượng tình nguyện viên lên tới 15 ngàn người nhưng trong thực tế tình nguyện viên được bố trí không đều (thậm chí nhiều Phó Trưởng đoàn Thể thao không có tình nguyện viên đi kèm). Tình nguyện viên nhiệt tình nhưng tác phong chưa chuyên nghiệp, đôi khi không đáp ứng được các yêu cầu công việc…
Khó khăn nữa của Đoàn TTVN là thiếu cán bộ chuyên môn có trình độ ngoại ngữ tốt, dẫn đến tình trạng nhiều vấn đề phát sinh trong thi đấu như có khiếu nại hoặc bị xử ép không thể chủ động đứng ra giải quyết. Lực lượng trọng tài tiếng nói chưa có đủ trọng lượng để bênh vực VĐV trong thi đấu.
Những vấn đề cần lưu ý, rút kinh nghiệm sau SEA Games: Cần có đoàn tiền trạm đi sớm để khảo sát điều kiện thực tế của nước chủ nhà và tìm hiểu thông tin về các đoàn VĐV cũng như cần có nhiều phương án dự phòng để đáp ứng được các điều kiện phát sinh, tránh tình trạng bị động trong công tác. Đồng thời, cần nâng cao trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ chuyên môn, củng cố và xây dựng lực lượng trọng tài đủ mạnh để có thể tham gia được vào các kỳ Đại hội thể thao lớn, tránh tình trạng thiệt thòi cho VĐV.
Thục Quyên