Theo Đề án chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31, số tiền chi cho việc đăng cai đại hội thể thao Đông Nam Á là 1.608 tỷ đồng từ ngân sách trung ương. Ngoài ra, Hà Nội và các địa phương đăng cai sẽ chủ động bổ sung bằng các nguồn khác để đảm bảo công tác tổ chức.
Trong dự toán, sẽ có gần 600 tỷ đồng được cấp phục vụ công tác sửa chữa 4 công trình do ngành thể thao quản lý gồm sân vận động Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước, trường bắn Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn) và nhà thi đấu trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Tổng cục TDTT), ông Lê Quang Tùng cho biết hiện mới chỉ khoản tiền này được phân bổ cho ngành thể thao, lấy từ nguồn dự phòng của Bộ VH-TT&DL.
Về khoản ngân sách từ nguồn chi thường xuyên phục vụ công tác tổ chức khác, Tổng cục TDTT hiện vẫn chờ Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt. “Chúng tôi được thông báo là Bộ Tài chính đang trong quá trình thẩm định, báo cáo Chính phủ để phân bổ cho BTC phục vụ các công việc cấp thiết”-ông Lê Quang Tùng cho biết.
Một lãnh đạo Tổng cục TDTT chia sẻ, hiện công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 vẫn được triển khai. Mặc dù vậy, vị này cũng cho biết do không có kinh phí, nhiều công đoạn chuẩn bị từ truyền thông, thông tin, tài trợ…đều chưa thể tiến hành. “Trong điều kiện bình thường, các hoạt động này đã phải được làm từ sớm. Nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên công tác chuẩn bị trở nên khó khăn hơn. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn xác định công việc nào cần kíp sẽ phải chủ động lên kế hoạch để triển khai ngay khi có thể”-lãnh đạo Tổng cục TDTT trên cho biết.
Như Tiền Phong đã đưa tin, trong kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 31, ngành thể thao đã đưa ra các kịch bản khác nhau để ứng phó với diễn biến dịch COVID-19. Quan điểm xuyên suốt là việc tổ chức chỉ có thể diễn ra trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Với diễn biến dịch COVID-19 đang ngày càng phức tạp cả ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, việc tổ chức thành công SEA Games 31 trở nên thách thức rất lớn. Trưởng bộ môn Điền kinh (Tổng cục TDTT), ông Dương Đức Thủy hôm qua nói: “Ở Việt Nam, chúng ta mới chỉ tiêm vắc-xin COVID-19 cho các VĐV có nhiệm vụ quốc tế. Môn điền kinh vừa qua chỉ có 6 VĐV được tiêm, còn lại đang phải chờ chủ trương. Trong khu vực Đông Nam Á, nhiều nước đã tiêm vắc xin cho HLV và VĐV, có nước đã tiêm 2 mũi. Hiệu quả vắc-xin ra sao cũng như liệu chúng ta có cơ chế để VĐV các nước nhập cảnh không phải cách ly hay không hiện rất khó đoán. Nếu VĐV phải cách ly, tôi cho rằng rất khó đảm bảo chuyên môn”.
Một lãnh đạo Tổng cục TDTT chia sẻ, hiện công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 vẫn được triển khai. Mặc dù vậy, vị này cũng cho biết do không có kinh phí, nhiều công đoạn chuẩn bị từ truyền thông, thông tin, tài trợ… đều chưa thể tiến hành
Theo phân tích của một lãnh đạo Tổng cục TDTT, nếu dịch COVID-19 không được kiểm soát tốt, Việt Nam sẽ phải đứng trước nhiều bài toán khó. Đơn cử như việc BTC có thể bố trí để khoảng 10.000 người từ các quốc gia Đông Nam Á vào Việt Nam phải cách ly hay không, và nếu cách ly thì liệu có đáp ứng được cơ sở vật chất như khách sạn, chi phí cách ly… “Nếu hoãn đại hội, quỹ thời gian của chúng ta trong năm 2022 không nhiều do còn vướng nhiều hoạt động thể thao khác. Chưa kể SEA Games diễn ra 2 năm một lần chứ không phải 4 năm như Olympic. Nếu hoãn quá dài, thời gian sẽ rất sát với SEA Games 32”-lãnh đạo trên cho biết.
N.P