Sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới cùng với những thành tựu về chính trị - kinh tế - văn hoá xã hội, sự nghiệp TDTT nước ta đã có bước phát triển mới và thu được kết quả đáng ghi nhận cả về thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.
Hiện nay, phong trào TDTT phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc với nhiều thành phần tham gia, đó là thanh thiếu niên, người cao tuổi, người khuyết tật, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang... Số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt xấp xỉ 20% dân số cả nước. Thể thao thành tích cao có sự tiến bộ vượt bậc, Việt Nam luôn đứng ở tốp các quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, một số môn có trình độ đứng đầu Châu Á và thế giới như: Pencak Silat, Wushu, Taekwondo... Bên cạnh đó, những công tác khác như: tổ chức giải thi đấu, đào tạo VĐV, xây dựng mạng lưới cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu được chú trọng và ngày càng hoàn thiện. Đến nay, ngành TDTT đã xây dựng được hệ thống thi đấu quốc gia của khoảng 40 môn thể thao, hàng năm đào tạo tập trung khoảng trên 10.000 VĐV các môn thể thao từ địa phương tới trung ương; cơ chế quản lý ở một số môn thể thao chuyển dần sang chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp... Có thể khẳng định các hoạt động TDTT đã góp phần hiệu quả trong việc nâng cao sức khoẻ, thể lực, đời sống tinh thần, lòng tự hào dân tộc, phục vụ đường lối đối ngoại hoà bình, hữu nghị, hội nhập, hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước.
Đạt được những kết quả trên là do có sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành TDTT và sự đóng góp tích cực của các tổ chức sự nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TDTT. Trong đó, các tổ chức xã hội về TDTT được thành lập đã có những đóng góp nhất định trong tổ chức các hoạt động thi đấu TDTT, đào tạo, tập huấn VĐV, HLV, Trọng tài, vận động tài trợ... Tuy nhiên, do một số nguyên nhân nên nhiều liên đoàn, hiệp hội thể thao tổ chức còn lỏng lẻo, hoạt động vẫn mang tính hình thức, kém hiệu quả. Do đó, chưa phát huy tốt vai trò, vị trí là một tổ chức xã hội tự chủ, tự nguyện, mà vẫn mang nặng tư tưởng ỷ lại trông chờ vào bao cấp của nhà nước nên chưa thích ứng với sự phát triển của xã hội.
|
Các hoạt động tác nghiệp TDTT cần thiết chuyển cho các tổ chức xã hội (Ảnh: Thế Thiện) |
Trong xu hướng hiện nay, quá trình hội nhập trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, trong đó có TDTT với các nước trên thế giới đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Quản lý xã hội của đất nước ta đã chuyển mạnh từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc xã hội hoá lĩnh vực TDTT sẽ tạo điều kiện cho sự nghiệp TDTT phát triển mạnh mẽ hơn, đa dạng hơn và một số hoạt động sẽ phát triển theo hướng kinh doanh dịch vụ. Chính theo xu hướng phát triển tất yếu đó, nhà nước đã chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội về TDTT, góp phần đắc lực đưa sự nghiệp TDTT nước ta phát triển lên một tầm cao mới.
Điều đó cũng đã được khẳng định rất rõ tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X: "Đẩy mạnh các hoạt động TDTT cả về quy mô và chất lượng... Phân định rõ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các tổ chức liên đoàn, hiệp hội thể thao. Chuyển giao hoạt động tác nghiệp về thể thao cho các tổ chức xã hội và các cơ sở ngoài công lập thực hiện."
Để phục vụ sự nghiệp phát triển TDTT của đất nước theo xu hướng phát triển tất yếu đó đồng thời cũng là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngành TDTT cần có lộ trình để thực hiện nhiệm vụ này một cách bài bản, khoa học, có hệ thống. Tổng cục TDTT đang xây dựng dự thảo đề án chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội về TDTT đến năm 2015 cũng nhằm thực hiện nhiệm vụ đó.
Đề án được xây dựng gồm 5 phần: Thực trạng tổ chức hoạt động tác nghiệp TDTT ở nước ta và xu thế tổ chức hoạt động tác nghiệp TDTT trên thế giới; Quan điểm, mục tiêu chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội về TDTT; Nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện việc chuyển giao hoạt động tác nghiệp cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia; Các dự án ưu tiên để chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia; Tổ chức thực hiện.
Việc chuyển giao tổ chức các hoạt động tác nghiệp TDTT cho các tổ chức xã hội là nhằm huy động các nguồn lực của xã hội và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đó để giữ vững và phát triển phong trào cũng như nâng cao thành tích thể thao, đẩy mạnh phát triển sự nghiệp TDTT nước nhà. Việc chuyển giao này hoàn toàn không phải là giảm trách nhiệm, giảm sự đầu tư của nhà nước đối với lĩnh vực TDTT mà nhà nước tăng cường quản lý nhà nước, tăng cường đầu tư nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện việc chuyển giao sẽ kết hợp với quá trình kiện toàn sắp xếp lại bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức xã hội về TDTT. Trong đó, chỉ chuyển giao nhiệm vụ và các điều kiện đảm bảo cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao có đủ các điều kiện. Việc chuyển giao này cũng được xây dựng theo lộ trình cụ thể, căn cứ vào tình hình thực tế của các tổ chức xã hội TDTT, trước mắt tập trung nghiên cứu chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các liên đoàn thể thao quốc gia và có thí điểm, rút kinh nghiệm cũng như nhân rộng mô hình để tránh việc chuyển giao một cách hình thức.
Khi xây dựng đề án, sẽ thông qua nghiên cứu quá trình phát triển và thực trạng hoạt động của các tổ chức xã hội về TDTT trong những năm qua, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tiễn của đất nước nói chung và của TDTT nói riêng, đề án sẽ đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém, tạo ra cơ chế thuận lợi để phát triển các tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước.
Quang Vinh