|
TS Vũ Thái Hồng (Ảnh: MĐ) |
Ra đời tại Việt Nam không lâu, E – Sport đã nhanh chóng phát triển rộng khắp trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các thành phố lớn. E – Sport thực sự trở thành môn thể thao hấp dẫn và ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là lực lượng thanh thiếu niên. Đặc biệt, E – Sport được đưa vào nội dung thi đấu chính thức của Đại hội thể thao Châu Á trong nhà lần thứ III tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm nay. Tuy nhiên thực tế nhiều ý kiến cho rằng: E - Sport cũng chỉ như một Games online. Điều đó là chưa đúng bởi mặc dù có nhiều điểm tương đồng giữa E - Sport và E – Games. Song ở E - Sport luôn có những yếu tố thể thao trong đó và đây cũng chính là điểm phân biệt đối với E - Games. Bài viết của TS Vũ Thái Hồng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, Phó tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
E - Games (trò chơi điện tử) có từ những năm 50 của thế kỷ trước, được coi như phong trào. Còn E - Sport (thể thao điện tử) mới xuất hiện khoảng 15 - 20 năm nay và được coi như đỉnh cao của E - Games bởi nó mang những yếu tố thể thao. Sự khác biệt đó căn cứ vào nhiều tiêu chí cụ thể như: luật thi đấu, trình độ đẳng cấp VĐV, yêu cầu tổ chức...
Sự đáp ứng luật thi đấu thể thao
Những trò chơi điện tử đáp ứng hình thức của thi đấu thể thao, phân biệt thắng thua theo luật (hay quy tắc) được biên soạn một cách chặt chẽ, gọi là E – Sport (số này chiếm tỷ lệ rất ít). Còn đa số trò chơi điện tử không thể đáp ứng hình thức thi đấu thể thao, không thể phân biệt thắng, thua theo luật gọi là E- Games phong trào nói chung. Trên thế giới có hàng vạn trò chơi, nhưng chỉ có số ít trò chơi có thể biên soạn luật (quy tắc) thi đấu và có thể thi đấu theo luật để được thừa nhận là những môn thể thao Olympic (Bóng đá, Điền kinh …). Thông thường, nội dung thi đấu E - Sport được tổ chức E - Sport quốc tế hoặc quốc gia công nhận. Trong AIG III dự kiến chỉ có 6 nội dung thi đấu E - Sport, còn lại hơn 30 nội dung Games online đang thịnh hành ở nước ta đều là E - Games phong trào, không phải E - Sport.
Trình độ, đẳng cấp VĐV
VĐV E - Sport là những VĐV có trình độ, đẳng cấp cao, được thi đấu ở hạng riêng, giải riêng. Một số quốc gia xây dựng các đội E - Sport nhà nghề. Còn VĐV E - Games phong trào được chơi tự do, thi đấu giải trí tự do, nhưng không thể tham gia các giải của VĐV E - Sport. Có thể cùng chơi Games FIFA 09, nhưng VĐV E - Sport là đỉnh cao, còn người chơi FIFA 09 trình độ thấp chỉ là chơi giải trí phong trào. Cũng giống như môn Bóng đá ở nước ta, VĐV thi đấu giải Bóng đá A1 hoặc vô địch quốc gia là VĐV đỉnh cao, còn rất nhiều người thi đấu Bóng đá trên ruộng, trên đường phố chỉ là VĐV Bóng đá phong trào.
Yêu cầu tổ chức thi đấu
E - Sport yêu cầu quy chuẩn cao về địa điểm thi đấu, trang thiết bị thi đấu, phiên bản Games, có đội ngũ trọng tài, giám sát. Còn E - Games chơi và thi đấu tự do, không cần đội ngũ trọng tài, giám sát và quy chuẩn về cơ sở vật chất kỹ thuật. Chính vì yêu cầu cao, thi đấu công bằng, nên E - Sport thường thi đấu trên mạng LAN (tuy thi không chính thức cũng có hình thức thi đấu thông tin trên Internet).
Truyền thông, khán giả
Thi đấu E -Sport có nhiều khán giả, nhiều khi có truyền hình tại chỗ, có quảng cáo, tài trợ … Thi đấu E - Games trình độ thấp, tự do, tự phát nên không có những yếu tố trên, mặc dù người chơi rất đông. Sau khi thành lập Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam, nhiều công việc của Hội tiến hành trong năm 2009 - 2010 sẽ giúp chúng ta hiểu biết hơn về E - Sport.
Ngoài chuẩn bị đội tuyển quốc gia môn E – Sport tham dự AIG III và hỗ trợ VAIGOC tổ chức thi đấu môn E – Sport trong Đại hội thể thao này, Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam sẽ tập trung giải quyết một số công việc ngay trong năm 2009 để phát triển E – Sport: Báo cáo Tổng cục TDTT, Bộ Thông tin -Truyền thông công nhận chính thức danh mục các môn E – Sport tại nước ta, đương nhiên có tính đến các môn thi trong AIG III như một cơ hội thử nghiệm phát triển. Song song với các việc làm trên, Hội cũng biên soạn luật thi đấu và trình Tổng cục TDTT phê duyệt (đối với những môn chưa có luật); Ban hành Quy chế quản lý thi đấu E-Sport, tổ chức thi đấu E-Sport và cấp thẻ VĐV E-Sport đẳng cấp cao (khoảng 2000-3000 người); Tổ chức các Hội viên, các tụ điểm, các đội E-Sport; xây dựng và ban hành lịch thi đấu E-Sport trong năm 2009, chuẩn bị lịch thi đấu năm 2010; Tổ chức đào tạo bồi dưỡng huấn luyện viên, trọng tài E-Sport; Tiến hành nghiên cứu một số vấn đề chuẩn bị quy hoạch dài hạn phát triển E-Sport ở Việt Nam.
Hiện tại, Ngành TDTT cũng như Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam đang thực hiện các nhiệm vụ nhằm phát triển E-Sport một cách đúng hướng. Thông qua đó, giúp người dân hiểu đúng về môn thể thao này, đồng thời khuyến khích sự phát triển lành mạnh E-Games phong trào, từng bước có uy tín với xã hội và được xã hội ủng hộ.
TS. Vũ Thái Hồng