Một đội bóng có thể chơi kiên cường trong 90 phút, chơi tập trung trong 90 phút, đội bóng ấy thường được đền bù xứng đáng. Khánh Hòa đã được đền bù như vậy, dù so với Đồng Tháp họ bị coi là dưới cơ.
Giải U.21 Báo Thanh Niên năm nay chứng kiến không ít bất ngờ, nhưng bất ngờ nào cũng có nguyên nhân của nó. Nam Định vượt qua SLNA nhờ lối chơi hợp lý hơn, biết giữ sức và tung sức đúng lúc. Cũng như thế, Khánh Hòa không chỉ có sức mà còn biết sử dụng thể lực một cách hợp lý bằng lối chơi kiên quyết giữ cự ly và biết hỗ trợ nhau để thể lực của một người hợp với thể lực của một đội bóng. Không hốt hoảng trước những pha tấn công nhanh bằng sức càn lướt của những tiền vệ và tiền đạo Đồng Tháp, hàng phòng ngự Khánh Hòa mà điển hình là hậu vệ biên Tấn Điền đã chơi cực kỳ tỉnh táo, vừa hoàn thành trách nhiệm khu vực mình phụ trách vừa bọc lót tốt cho đồng đội để lúc nào cũng có cảm giác Khánh Hòa chơi hơn người trong những pha tranh chấp bóng.
Thực ra, Khánh Hòa không hề yếu thế hơn Đồng Tháp, họ chỉ yếu hơn trên danh nghĩa là đội bóng mới lần đầu lọt vào bán kết U.21, trong khi Đồng Tháp đã 5 lần chơi ở bán kết dù chưa một lần đăng quang vô địch. Kinh nghiệm của những Châu Phước Hòa, Quý Sửu, Thanh Bình... lẽ ra phải giúp được nhiều hơn cho Đồng Tháp. Đồng Tháp chơi coi được, nhưng họ không làm sao đưa được bóng vào lưới Khánh Hòa, đơn giản vì những pha tấn công của họ không có đột biến, những pha kết thúc của họ thiếu độ khó, và lối chơi của họ có phần thiếu máu lửa. Đó phải chăng là tâm lý của đội được coi là trên cơ ? Đội bóng yếu hơn bao giờ cũng chơi cần mẫn hơn, chăm chỉ hơn, chơi với tinh thần tập trung cao độ hơn, và trên hết, chơi kiên cường hơn. Lối chơi ấy sẽ biến những cầu thủ trung bình thành một mắt xích chắc chắn trong lối chơi toàn đội, và sẽ làm nền cho những pha đột biến. Pha đột biến ấy của Khánh Hòa đã xảy ra ở phút 72, khi Quang Hải được đồng đội hỗ trợ đã cầm bóng đột phá và thủ môn Văn Bước của Đồng Tháp hơi vội vàng và thiếu kinh nghiệm trong pha cản phá để phải chịu một quả phạt đền. Trung vệ Đào Văn Phong đã không để cho Văn Bước bất cứ cơ hội nào.
Phút 73 trong trận cầu ngang ngửa như thế mà bị dẫn bàn, coi như Đồng Tháp đã gần hết cơ hội. Dù những quyết định thay người hay những pha "tràn ngập lãnh thổ" của Đồng Tháp thì thời gian và lối chơi không đột biến đã không giúp gì cho họ. So với trận bán kết 1, trận này hai đội chơi cởi mở hơn nhiều. Khánh Hòa dù nhận kèo dưới nhưng đã chơi ăn miếng trả miếng chứ không chơi phản công "nhát gừng" như SĐNĐ. Lối chơi cố kết tập thể của Khánh Hòa đã giúp họ đứng vững và cách tăng giảm nhịp độ đầy chủ động đã khiến họ là đội chơi chủ động hơn, chứ không phải Đồng Tháp. Lối chơi này tương đồng với lối chơi của Hy Lạp ở EURO 04 vừa qua, nó chắc chắn và tỉnh táo trước những đối thủ trội hơn mình. Khánh Hòa đã thắng sít sao, như Hy Lạp đã thắng ở EURO vừa qua. Nhưng ở trận chung kết, khi gặp một đối thủ có lối chơi phản công khó chịu là SĐNĐ, bản lĩnh của Khánh Hòa mới được thử thách ở mức cao nhất. Lối đánh biên của Khánh Hòa sẽ gặp lối đánh biên của Nam Định, và hai hậu vệ biên của hai đội sẽ thử tài cao thấp. Đó sẽ là trận đấu đáng xem về mưu lược của hai HLV trong chiêu thức phản công biên.
Phát biểu sau trận đấu
HLV đội Khánh Hòa Trần Đắc Thành: Chúng tôi đã chiến thắng vì chúng tôi tin vào khả năng của mình. Ngoài ra chúng tôi cũng sung sức hơn đối thủ vì có hơn 1 ngày nghỉ. Đội Đồng Tháp trận này chơi không được tốt như các trận trước đơn giản vì họ chưa thích nghi với khí hậu cao nguyên, nên nhiều cầu thủ chơi không đúng phong độ.
HLV đội Đồng Tháp Phạm Công Lộc: Chúng tôi không ngờ mình lại bại trận. Chúng tôi thua vì đã không tận dụng tốt các cơ hội. Tuy nhiên chúng tôi cũng xin chúc mừng Khánh Hòa vì trận này họ chơi quá hay, xứng đáng vào chung kết.
|
Theo Thanh Niên