Vượt qua khó khăn, thử thách về nguồn kinh phí và những thay đổi về cơ cấu tổ chức Bộ, ngành, thể thao thành tích cao của nước nhà trong năm qua tiếp tục gặt hái được những thành tích đáng biểu dương, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Năm 2007, các đội tuyển quốc gia đã tham gia thi đấu 116 giải thể thao quốc tế, giành tổng số 440 huy chương các loại trong đó có 182 HCV, 118 HCB và 140 HCĐ. Tiêu biểu cho những thành tích vang dội ấy phải kể đến sự đóng góp của các đội tuyển và những VĐV xuất sắc: đội Pencak Silat đã thi đấu xuất sắc tại giải Vô địch thế giới đạt 12 HCV; VĐV Hoàng Anh Tuấn - HCV giải Vô địch Cử tạ Châu Á; đội tuyển Điền kinh giành 1 HCV, 02 HCB tại giải Grand Pix Châu Á; đội tuyển Đá cầu đạt 5 HCV tại giải Vô địch thế giới; đội tuyển Bắn súng giành 13 HCV tại giải Vô địch ĐNA...
Đặc biệt, tại SEA Games 24 (Thái Lan), đoàn TTVN tham dự với tổng số 831 thành viên, trong đó có 600 VĐV tranh tài tại 368/474 nội dung của 32/45 môn thi đã đạt 204 huy chương (64 HCV, 58 HCB, 82 HCĐ) đạt chỉ tiêu xếp thứ 3 toàn đoàn, sau Thái Lan và Malaysia. Tiêu biểu cho các gương mặt Vàng là 3 VĐV đã phá 04 kỷ lục tại SEA Games 24 ở môn Điền kinh là Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện và Nguyễn Đình Cương. Tại Đại hội thể thao Châu Á trong nhà, đoàn TTVN cũng đã chứng tỏ vị thế bằng 02 HCV, 6 HCB và 11 HCĐ xếp hạng 13/45 toàn đoàn.
Có thể nói, thể thao thành tích cao trong năm qua đã từng bước khẳng định sự phát triển tại khu vực, châu lục. Để đạt thành tích đó, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của các VĐV, HLV còn có sự đóng góp, tham mưu của 2 Vụ - Thể thao thành tích cao I và II; sự quản lý và theo dõi, chỉ đạo của các bộ môn đối với các đội tuyển; những đề xuất các biện pháp, giải pháp với lãnh đạo ngành để đảm bảo kế hoạch huấn luyện, tập huấn chuẩn bị lực lượng trong điều kiện còn thiếu thốn.
Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn và thách thức trong giai đoạn mới - năm 2008 thể thao Việt Nam sẽ thực sự bận rộn với việc chuẩn bị cho ASIAN Indoor Games III (tại Việt Nam), Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc), SEA Games 25 (Lào)... cùng nhiều mục tiêu quan trọng như đào tạo gần 5.000 VĐV đạt đẳng cấp cao, hoàn thành một số dự án để đảm bảo hệ thống cơ sở vật chất đăng cai các giải thi đấu cấp Châu lục, thế giới và trước mắt là ASIAN Indoor Games III ..., ngành TDTT phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó việc phối hợp, liên kết giữa 3 ngành sau khi sáp nhập thành Bộ mới được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định.
Cụ thể, các hoạt động thể thao, văn hoá và du lịch sẽ được tổ chức lồng ghép gắn với mục tiêu quảng bá hành ảnh đất nước, con người Việt Nam. Mặc dù, năm 2009, ASIAN Indoor Games III mới diễn ra nhưng ngay từ bây giờ việc lựa chọn, ấn định địa điểm thi đấu của Đại hội cũng đã được tính đến, ngoài Thủ đô Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh sẽ là điểm đến của một vài môn thi đấu. Sở dĩ, các Nhà quản lý chọn Quảng Ninh không chỉ bởi đây là địa danh nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh mà hy vọng việc đăng cai Đại hội thể thao sẽ góp phần quảng bá di tích Vịnh Hạ Long (đang được bình chọn là một trong những kỳ quan thế giới). Hơn nữa, năm 2008, với mục tiêu có từ 15 đến 20 VĐV lọt qua vòng loại, giành quyền tham dự VCK và có huy chương tại Olympic, hàng loạt các sự kiện thể thao như: tuần lễ thể thao, văn hoá hưởng ứng ASIAN Indoor Games III, chạy bộ, cổ động... sẽ được diễn ra, góp phần quảng bá tới người dân về các hoạt động quan trọng mà thể thao Việt Nam đăng cai và tham dự...
Sự khác biệt trong một Bộ mới đa ngành là việc tổ chức các giải thi đấu lớn giờ đây sẽ phải tính đến yếu tố quảng bá du lịch, kinh tế và tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng tại địa điểm thi đấu. Đây được coi là bước đột phá lớn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói chung và lĩnh vực quản lý nhà nước nói riêng để đạt được hiệu quả công việc như mong muốn. Riêng ngành TDTT, trước mắt cần sớm hoàn thiện là kiện toàn, ổn định tổ chức nhân sự ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ và cơ cấu của Tổng cục TDTT. Về lĩnh vực quản lý nhà nước, song song với việc cải cách hành chính, ngành TDTT phải tạo ra bước đột phá trong phân cấp với các địa phương, các tổ chức xã hội và đơn vị sự nghiệp. Trong đó việc chuyển dần và tạo điều kiện cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao phát triển, gánh vác với nhiệm vụ chung của ngành là công việc cấp thiết...."
Xuân Nhi