Xây dựng được một môi trường thể thao an toàn là việc làm mà tất cả quốc gia trên thế giới có nền thể thao phát triển đều hy vọng thực hiện được. Môi trường thể thao an toàn không chỉ đơn giản là trang bị đầy đủ những dụng cụ luyện tập, tổ chức thi đấu ở điều kiện tốt nhất cho VĐV… mà khái niệm này giờ đây cần được hiểu ở nghĩa rộng hơn.
Đấy là một môi trường thể thao trong sạch, lành mạnh, không có chất kích thích, không phân biệt đối xử, hay đôi khi là không tồn tại cả nạn bạo hành trong thể thao… Đối tượng mà môi trường thể thao an toàn bao trùm lúc này không đơn thuần chỉ là người chơi, người tham gia luyện tập, thi đấu trực tiếp, mà còn bao gồm cả đội ngũ trọng tài, nhà quản lý thể thao, CĐV và đôi khi là những người trong công tác tổ chức…
An toàn, theo khái niệm chung, được hiểu là trạng thái mà khả năng gây hại cho người hoặc hủy hoại tài sản được giảm thiểu và duy trì hoặc dưới mức độ chấp nhận được thông qua quá trình liên tục nhận dạng mối nguy hiểm và quản lý rủi ro.
Trong khi đấy, an toàn trong luyện tập, thi đấu và tổ chức hoạt động TDTT có thể nói là một trong những vấn đề luôn được các nhà quản lý thể thao đặt lên hàng đầu trong quá trình phát triển nền thể thao. Vấn đề an toàn ở đây không chỉ đơn thuần nói về việc đảm bảo an toàn cho riêng mình VĐV, mà đấy còn là sự an toàn cho đội ngũ HLV, CĐV, những nhà tổ chức và quản lý thể thao.
Đảm bảo an toàn trong luyện tập, thi đấu và tổ chức hoạt động TDTT không chỉ đơn thuần là chính sách, chiến lược phát triển của Chính phủ quốc gia, mà đây còn là sự kết hợp hành động của các tổ chức thể thao quốc tế và thể thao trong nước, của tổ chức hoạt động trong ngành TDTT và các tổ chức bên ngoài, của tổ chức chính phủ và tổ chức phi chính phủ, của tập thể và từng cá nhân… Chính phủ của một quốc gia nói chung, và cơ quan chủ quản trong lĩnh vực TDTT nói riêng chính là nhân tố giúp kết nối từng chương trình, hoạt động của các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên với mong muốn xây dựng được một môi trường an toàn trong luyện tập, thi đấu và tổ chức hoạt động TDTT.
Trong quá trình xây dựng môi trường an toàn khi luyện tập, thi đấu và tổ chức hoạt động TDTT, việc điều tiết nhân sự và điều tiết nguồn ngân sách tài chính rất quan trọng. Có thể lấy ví dụ cách Chính phủ Hà Lan triển khai “Chương trình hành động quốc gia vì một nền thể thao an toàn” để minh họa cho vấn đề này. Theo thống kê sơ bộ, Hà Lan hiện có hơn 18.000 các Liên đoàn, Hiệp hội, CLB thể thao đang hoạt động tích cực trên cả nước, trong đấy có hơn 70% nằm dưới sự điều hành và quản lý của Chính phủ. Hàng năm, Chính phủ chi một khoản ngân sách vào khoảng 7 triệu euro cho việc triển khai Chương trình hành động quốc gia về đảm bảo an toàn trong hoạt động TDTT.
Bên cạnh đấy, việc xây dựng các chương trình, chính sách và hoạt động cần dựa trên một yếu tố căn bản đầu tiên, đấy chính là bám sát vào quyền được sống, sinh hoạt và làm việc trong một môi trường an toàn của con người.
Những yếu tố cơ bản cấu thành nên an toàn trong luyện tập, thi đấu và tổ chức các sự kiện TDTT gồm:
Quản trị tốt các vấn đề có liên quan đến định hướng và phát triển TDTT;
Gìn giữ các giá trị cơ bản của thể thao;
Chống lại hiện tượng tiêu cực về dàn xếp kết quả trong thi đấu thể thao, đặc biệt là các giải thể thao đỉnh cao, các giải thể thao chuyên nghiệp;
Bình đẳng trong thể thao;
Cấm sử dụng các chất kích thích trong thi đấu và luyện tập thể thao;
Hệ thống trang thiết bị cơ bản, dụng cụ luyện tập và thi đấu đủ điều kiện đảm bảo để phục vụ luyện tập, thi đấu và tổ chức các sự kiện TDTT;
Hệ thống an ninh và phòng chống cháy nổ, đủ điều kiện để đảm bảo an toàn trong quá trình luyện tập, thi đấu và tổ chức các sự kiện TDTT;
Hệ thống cung cấp điện nước đủ đảm bảo trong quá trình luyện tập, thi đấu và tổ chức sự kiện TDTT;
Hệ thống chăm sóc y tế cơ bản và cứu thương trong các trường hợp tai nạn bất khả kháng…;
Chất lượng nguồn thực phẩm cung cấp trong các hoạt động TDTT;
Kiểm soát cân nặng trong hoạt động TDTT;
Kiểm tra và sàng lọc thể trạng trước, trong và sau thi đấu;
Quá trình khởi động trước khi tham gia hoạt động TDTT;
Giảm thiểu chấn thương trong hoạt động TDTT;
Trách nhiệm của gia đình, người giám sát, HLV trong quá trình xây dựng một môi trường thể thao lành mạnh cho nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên;
Phân biệt giới tính, lạm dụng tình dục và quấy rối tình dục trong hoạt động TDTT;
Phân biệt thể trạng và khả năng của từng cá nhân trong hoạt động TDTT…
Trần Nhu (t/h)