Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, thời tiết có thể ảnh hưởng và thay đổi cách chúng ta tham gia các môn thể thao ví dụ như nắng nóng khắc nghiệt đòi hỏi những người tham gia thể thao phải nhận thức được thời điểm và mức độ an toàn và nguy hiểm khi họ tập thể dục ngoài trời. Tất cả những điều này muốn nói rằng thể thao, dù với tư cách là khán giả hay người tham gia, đều có thể dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu và cần sẵn sàng ứng phó và thích ứng với những thay đổi này.
Thực tế, các nghiên cứu cho thấy, các tổ chức thể thao thường bỏ sót một số khía cạnh nhất định trong đánh giá tác động môi trường của họ. Các tổ chức này thường có cái nhìn hạn hẹp và thường bỏ qua các yếu tố môi trường khá lớn như việc vận chuyển tạo ra carbon của các đội và người hâm mộ, tiêu thụ thực phẩm và sản xuất chất thải. Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng những người tập thể thao bị hạn chế trong việc tham gia vào các sáng kiến về môi trường. Điều này có thể là do thiếu sự hỗ trợ từ quản lý cấp trên cũng như không chắc chắn về cách người hâm mộ sẽ phản ứng như thế nào.
Chúng tôi nhận thấy rằng các chiến dịch bảo vệ môi trường với mục tiêu cụ thể có thể giáo dục khán giả và người tham gia thể thao bằng việc tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm lượng chất thải để giảm thiểu tác động cá nhân khi tham dự một sự kiện thể thao. Không chỉ có những thay đổi về hành vi tại sự kiện, các kết quả khảo sát cho thấy rằng những người hâm mộ thể thao có thể thay đổi hành vi hàng ngày của họ và thậm chí ủng hộ những chính sách bảo vệ môi trường trong cộng đồng địa phương để bắt chước những gì họ đã trải qua tại một số sự kiện thể thao nhất định.
Các cơ quan quản lý và tổ chức thể thao cũng nên đánh giá các tác động môi trường để từ đó thực hiện các bước nhỏ trong việc tạo ra chính sách và chương trình hành động của mình.
Ví dụ như khoa Điền kinh của Đại học Bang Ohio đã thực hiện quản lý chất thải toàn diện, không chỉ phối hợp chặt chẽ trong sân vận động mà còn trong cộng đồng xung quanh để không có rác thải ở Sân vận động Ohio. Các tổ chức khác như Philadelphia Eagles và Seattle Sounders tiến hành bù đắp lượng khí thải carbon của họ thông qua các chương trình bù đắp lượng carbon của người hâm mộ. Các tổ chức và cơ sở thể thao đang sử dụng năng lượng tái tạo bằng cách trang bị các tấm pin mặt trời như tại Sân vận động Levi, sân nhà của đội San Francisco...
Tại Việt Nam biến đổi khí hậu đang ngày càng thể hiện tác động tiêu cực của nó tới thể thao. Ứng phó nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối là hành động cấp bách phải có sự tham gia của tất cả mọi người. Trong lĩnh vực thể dục thể thao mỗi người cần điều chỉnh hành vi của mình góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, hạn chế tới mức thấp nhất có thể các hoạt động gây phát thải khí nhà kính làm ô nhiễm môi trường hoặc các hoạt động khai thác, sử dụng đất, chặt phá rừng bừa bãi… để bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và mục tiêu cuối cùng chính là bảo vệ sức khỏe con người và phát triển thể thao một cách bền vững./.
Đỗ Ngọc Minh (t/h)