Song những năm qua, cơ sở đào tạo môn bóng đá nam tại huyện Gia Lâm thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội (viết tắt là "lò" Gia Lâm) đã sản sinh ra nhiều ngôi sao cho bóng đá Thủ đô và đội tuyển quốc gia.
Khi được hỏi về bí quyết tuyển quân và đào tạo cầu thủ trẻ, ông Nguyễn Trọng Hồng, Phó trưởng bộ môn bóng đá Hà Nội, phụ trách “lò” Gia Lâm, khẳng định: “Chúng tôi xác định rèn đạo đức cầu thủ đầu tiên. Các em cần phải học cách làm người, có trách nhiệm với bản thân và tập thể trước khi được đào tạo chuyên môn. Chúng tôi không đặt nặng thành tích tại các giải trẻ mà chú trọng rèn luyện cho cầu thủ những kỹ thuật cơ bản nhất của môn bóng đá”.
Tâm huyết tạo nên thành công
Trung tâm đào tạo thể thao Viettel rộng 18 ha nằm ở gần đoạn cuối của đại lộ Thăng Long thuộc xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh minh họa/vietnamplus.vn.
Theo ông Nguyễn Trọng Hồng, trong lịch sử “lò” Gia Lâm chỉ ghi nhận trường hợp cầu thủ Nguyễn Quang Hải là sớm bộc lộ tài năng bẩm sinh; số còn lại như những Đỗ Hùng Dũng, Đỗ Duy Mạnh, Phạm Đức Huy, Nguyễn Thành Chung... đều xuất phát điểm là những cầu thủ bình thường nhưng nhờ nỗ lực đã vươn tới đỉnh cao sự nghiệp.
“Lò” Gia Lâm hiện đang đào tạo cho hơn 80 cầu thủ ở lứa U.11, U.13 và U.15. Ngoài ông Nguyễn Trọng Hồng là người gắn bó lâu nhất hơn 20 năm, nơi đây còn có những người thầy giàu kinh nghiệm như: Phan Tú Anh, Phùng Bá Quy, Nguyễn Hữu Hưng-phụ trách U.11; Tạ Bạch Sơn, Lê Tuấn Anh-phụ trách U.13; Hoàng Anh Tuấn, Đỗ Phú Anh Tú-phụ trách U.15. Mỗi năm, đơn vị này cung cấp tới 15 cầu thủ cho Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội, nhiều cầu thủ đang là thành viên quan trọng của đội tuyển quốc gia.
Trò chuyện với ông Nguyễn Trọng Hồng, chúng tôi được biết những năm qua, “lò” Gia Lâm gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh năng khiếu. Nhiều em có tố chất tốt thường lựa chọn những trung tâm đào tạo bóng đá danh tiếng, có chế độ đãi ngộ tốt và tương lai hứa hẹn hơn.
Hầu hết những cầu thủ năng khiếu khi đến với “lò” Gia Lâm từng không thi đấu những trung tâm bóng đá khác; đặc biệt có nhiều em từng được đào tạo vài tháng tại PVF, Viettel nhưng bị thải loại. Nhờ quá trình rèn luyện, phấn đấu, các em đã tiến bộ, trở thành nhân tố quan trọng của các đội tuyển quốc gia. "Chúng tôi xác định đào tạo cầu thủ là một quá trình bền bỉ, lâu dài. Tài năng ban đầu là quan trọng, nhưng quá trình rèn luyện, nuôi dưỡng ý chí của cầu thủ mới là yếu tố quyết định”, ông Nguyễn Trọng Hồng khẳng định.
Trong câu chuyện với ông Nguyễn Trọng Hồng, chúng tôi cảm nhận được sự tâm huyết, trách nhiệm của những người thầy tại “lò” Gia Lâm. Họ coi cầu thủ như con của mình, chăm lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ. Họ rèn cho cầu thủ cách yêu quý từng đôi giày, quả bóng và ý chí vươn lên không ngừng. “Lò” Gia Lâm có thể thua nhiều trung tâm đào tạo bóng đá khác về sự đầu tư, chế độ đãi ngộ, song xét về sự hiệu quả thì nơi đây đạt chất lượng hàng đầu cả nước.
Rời “lò” Gia Lâm mà trong lòng tôi suy nghĩ mãi chuyện mỗi khi trời mưa là sân cỏ bị ngập nước, các cầu thủ đành phải tập tạm trên mặt sân bê tông. Mặt cỏ nuôi dưỡng đam mê cầu thủ nơi đây từng được lãnh đạo Trung tâm Thể dục thể thao Gia Lâm (nay là Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm) xin về khi sân Hàng Đẫy cải tạo năm 2003. Khó khăn là vậy nhưng nhờ sự tâm huyết của những người thầy, hằng năm, “lò” Gia Lâm vẫn giới thiệu với bóng đá nước nhà những cầu thủ tài năng. Có tâm huyết, có nỗ lực thì ắt sẽ thành công.
HỮU TRƯỞNG