|
Các thành viên CLB Dưỡng sinh Tp Quy Nhơn tham gia biểu diễn tại Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền năm 2010 (Ảnh: T.Trúc) |
Hiện nay ở thành phố Quy Nhơn có nhiều CLB Dưỡng sinh nhỏ lẻ, nhưng số CLB hoạt động quy củ và có tổ chức không nhiều và CLB dưỡng sinh thành phố Quy Nhơn được coi là một trong số hiếm những CLB tiêu biểu. Kể từ khi chính thức ra đời đến nay, 72 hội viên của CLB Dưỡng sinh thành phố Quy Nhơn đều được tập theo nhạc.
Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ nhiệm CLB cho biết: “Từ 1994 đến 2001, phong trào tập dưỡng sinh ở Quy Nhơn đã hình thành nhưng chưa phát triển, hồi đó chúng tôi chỉ luân phiên nhau hô bằng miệng rất tốn sức, bài tập thì nghèo nàn. Kể từ khi chính thức ra mắt (năm 2001), bằng nguồn quỹ vận động, CLB đã mua máy casset, thu bài tập và nhạc sẵn vào băng và cứ đến giờ là mở ra tập. Gần đây, chúng tôi còn mở rộng sắm thêm micro cho người hướng dẫn, bộ sạc pin nhanh và các thiết bị khác phục vụ cho việc tập luyện”.
Cũng theo bà Hòa, để thu hút số người đến tham gia luyện tập, CLB Dưỡng sinh thành phố Quy Nhơn đã thường xuyên cập nhật các bài tập mới, nhưng chủ đạo vẫn là các bài Thái cực quyền, Thái cực kiếm, Thái cực phiến (quạt) và gậy ngắn. Đây cũng là 4 bài quy định của Liên đoàn Thể dục dưỡng sinh Việt Nam áp dụng cho Người cao tuổi và phụ nữ. Và kể từ khi tập bằng hình thức phát thanh, cộng với việc vận động đông đảo quần chúng, CLB đã thu hút hơn hai trăm người tham gia tập luyện. Riêng những người ở ban chủ nhiệm CLB, đã giảm bớt sự mệt nhọc trong hướng dẫn tập dưỡng sinh. Công tác quản lý, chất lượng các bài tập từ đó cũng được nâng dần lên.
Những năm tiếp theo, CLB Dưỡng sinh thành phố Quy Nhơn đã liên hệ mời 5 hướng dẫn viên từ thành phố Hồ Chí Minh ra Quy Nhơn để tập huấn, sau đó hội viên chủ chốt CLB xuống các phường nội thành hướng dẫn lại, cho thu nhạc theo băng nhằm phát triển phong trào. Kết quả là chỉ sau một năm từ 2007 đến 2008, số lượng người tham gia tập dưỡng sinh đã tăng lên đáng kể, mở rộng tới 10 phường trong nội thành. Không dừng lại ở đó, phong trào tập dưỡng sinh theo nhạc còn được phát triển đến các tuyến huyện, xã như Tây Vinh (Tây Sơn), Nhơn Hòa (An Nhơn), trường tiểu học Hoài Ân…
Không chỉ tăng về lượng, hiệu quả của thể dục dưỡng sinh còn có tác động mạnh mẽ trực tiếp đến những người tham gia tập luyện. Bàn về tác dụng của việc tập dưỡng sinh, TS Phạm Huy Hùng - Trưởng bộ môn Y học cổ truyền - Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Tập luyện dưỡng sinh rất cần đối với mọi người, mọi lứa tuổi, tập luyện không bao giờ muộn. Người cao tuổi càng cần tập dưỡng sinh hơn, bởi đây là môn thể thao dễ thực hiện nhất, không tốn kém, không độc hại. Tập dưỡng sinh hợp lý góp phần tăng lưu thông máu, tăng cung cấp ôxy cho tổ chức, phục hồi hoạt động của hệ xương, cơ, khớp, khôi phục hoạt động của các chức năng và khả năng thích nghi của cơ thể. Mặt khác còn có tác dụng hạn chế một số rối loạn hoặc chứng bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi".
Ngoài ra, dưỡng sinh còn đem lại nguồn vui cho cuộc sống, thêm lạc quan yêu đời, tạo nên sự thoải mái về tinh thần. Sinh hoạt trong các CLB dưỡng sinh có tác dụng động viên trao đổi kinh nghiệm, duy trì sự giao tiếp, hạn chế nỗi cô đơn, củng cố niềm tin là những yếu tố rất quan trọng đối với sức khỏe Người cao tuổi.
Thiết nghĩ, cần có thêm nhiều yếu tố “kích cầu” để thu hút người dân tham gia tập dưỡng sinh, bởi không chỉ đơn thuần là một môn thể dục vào buổi sáng, đó còn là niềm vui của nhiều người khi tuổi đã bước vào giai đoạn “xế chiều”. Nhưng làm thế nào để nhân rộng và phát triển hơn nữa mô hình này, có lẽ là bài toán không dễ có lời giải đáp.
Thiên Trúc