Quang Trung
Được biết đến là miền đất võ nổi tiếng của cả nước, các hoạt động TDTT luôn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia, tiêu biểu là cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", phong trào "Khoẻ để bảo vệ và xây dựng đất nước". Điều đó đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng của Bình Định không ngừng phát triển, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 24,35% dân số, tăng 0,25% so với cùng kỳ năm 2007; số gia đình thể thao chiếm 17,3%; công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học được duy trì thường xuyên, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo chương trình nội khoá cũng như các hoạt động ngoại khoá. Phong trào TDTT trong cán bộ, CNVC tại các cơ quan, đơn vị, trường học được tổ chức với nhiều hình thức phong phú và hấp dẫn, tập trung chủ yếu ở một số môn như: Cầu lông, Bóng bàn, Cờ tướng, Bóng chuyền, Bóng đá...
Song song với những hoạt động TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của Bình Định cũng có những bước chuyển biến đáng kể. VĐV các đội tuyển của Bình Định đã tham gia thi đấu gần 50 giải thể thao trong nước cũng như khu vực, giành 48 HCV, 53 HCB, 59 HCĐ. Trong đó phải kể đến sự đóng góp của đội tuyển Võ cổ truyền Bình Định với 14 HCV, 8 HCB và 4 HCĐ, xếp vị trí thứ 2 toàn đoàn tại giải Vô địch Võ thuật cổ truyền toàn quốc. Năm 2008, Bình Định đã đăng cai tổ chức thành công nhiều giải thể thao có quy mô lớn, đặc biệt là Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền lần thứ II, với sự tham dự gần 500 võ sỹ đến từ 109 đoàn võ thuật trên thế giới. Sự thành công của Liên hoan không chỉ dừng lại ở công tác tổ chức, mà quan trọng hơn đó là việc tìm ra hướng đi mới cho Võ thuật Việt Nam, nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc dân tộc của nền võ thuật cổ truyền Việt Nam theo đúng tinh thần thượng võ - điều mà những người làm công tác quản lý, các võ sư và những người yêu thích võ thuật Việt Nam luôn trăn trở.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, ngành TDTT Bình Định vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: việc đầu tư cho các môn thể thao còn dàn trải; nguồn kinh phí dành cho TDTT còn ở mức thấp so với nhiều địa phương, nên chế độ đãi ngộ đối với VĐV tài năng cũng bị hạn chế; các môn thể thao không được phát triển đồng đều mà chỉ tập trung ở một số môn như: Cầu lông, Bóng bàn, Bóng chuyền...
Năm 2009, với những thời cơ và thách thức mới, ngành TDTT Bình Định đã đề ra một số giải pháp, trong đó tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, từng bước xây dựng và triển khai nhiều đề án TDTT phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Bằng những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, sự nỗ lực của toàn ngành và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, hy vọng TDTT Bình Định sẽ tạo được dấu ấn riêng, tương xứng với tiềm năng vốn có của một mảnh đất nổi tiếng về võ thuật.