|
Đoàn kiểm tra Trung ương đã đánh giá cao việc trển khai thực hiện Chỉ thị 17 - CT/TW tại Phú Yên (Ảnh: Trần Vỹ) |
Phát triển phong trào TDTT quần chúng ở cơ sở nhất thiết phải có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Đó là một trong những bài học kinh nghiệm của Phú Yên, đồng thời cũng là nhận định chung của đoàn kiểm tra Trung ương gồm ông Lê Anh Thơ – Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng – Tổng cục TDTT, Bộ VHTT&DL, ông Phạm Thành Cẩm – Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội – Ban Tuyên giáo Trung ương và đại diện cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương T26 tại Đà Nẵng trong buổi làm việc với lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, các ban ngành, đoàn thể tỉnh Phú Yên qua 07 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư về “phát triển thể dục thể thao đến năm 2010” ở Phú Yên vừa qua.
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể đối với việc phát triển TDTT theo đúng tinh thần Chỉ thị 17-CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên đã ban hành các văn bản: Kế hoạch số 25-KH/TU, Hướng dẫn số 49-HD/TG, Chương trình số 711/UBND; đồng thời, mở Hội nghị các cấp quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị cho các đối tượng là cán bộ chủ chốt các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể. Theo đó, 100% huyện, thị, thành uỷ, các đảng uỷ trực thuộc tỉnh; 80 % cơ sở xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh tiến hành xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chương trình của UBND tỉnh về phát triển TDTT đến năm 2010 ở cấp mình.
Kết quả sau khi quán triệt, nhận thức của nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân đã có sự chuyển biến mới, tích cực, đặc biệt là đã có sự quan tâm, chú trọng hơn đối với công tác TDTT, xem việc đầu tư để phát triển TDTT là nhằm mục tiêu nâng cao thể lực, bồi dưỡng ý chí, phát huy nhân tố con người đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sự phát triển về TDTT được thể hiện ở cả phong trào TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Cụ thể, hoạt động TDTT quần chúng đã có sự khởi sắc và phát triển đều khắp trên địa bàn tỉnh, ý thức tự giác rèn luyện thân thể của nhân dân được nâng lên, nếu như số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên năm 2003 chỉ chiếm 14,3% dân số, đến nay đã lên đến là 21,7% và số gia đình luyện tập thể thao đạt tỷ lệ 14% số hộ; phong trào như đi bộ, tắm biển, leo núi, thể dục dưỡng sinh… thu hút tất cả các đối tượng tham gia và đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Bên cạnh đó, các CLB, điểm tập TDTT ngày càng được mở rộng và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng trên 220 CLB, điểm tập TDTT hoạt động thường xuyên. Phong trào TDTT trong các đối tượng: lực lượng vũ trang, cán bộ công nhân viên chức, thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, người cao tuổi... đã dần đi vào nền nếp, phát triển ổn định, bản thân từng người đều ý thức được tầm quan trọng của công tác TDTT, nên tự giác chọn cho mình một môn thể thao để tập luyện. Hệ thống thi đấu các giải thể thao từng bước được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, ngoài các môn thể thao hiện đại, các môn thể thao dân tộc truyền thống như: Đua thuyền, Lắc thúng, Cờ tướng, Võ cổ truyền, Vovinam, Bắn nỏ, Đi cà kheo, Đẩy gậy, Kéo co, Vật… đã được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức hàng năm của tỉnh. Hội thao miền núi của tỉnh (2 năm/lần) là nơi hội tụ của phong trào TDTT ba huyện miền núi: Sông Hinh, Đồng Xuân và Sơn Hòa, qua đó cũng đã tuyển chọn nhiều VĐV xuất sắc tham gia các giải khu vực và toàn quốc.
Cùng với đó, Thể thao thành tích cao cũng có bước chuyển biến mạnh mẽ. Hàng năm các đội tuyển tỉnh tham gia thi đấu từ 30 - 37 giải khu vực và toàn quốc. Kết quả, qua 7 năm (từ 2003-2009) đã đạt được 49 HCV, 108 HCB, 210 HCĐ. Trong đó, thành tích nổi bậc nhất là đội Bóng đá thiếu niên (U13) đã 2 lần giành HCĐ toàn quốc và 01HCV toàn quốc (năm 2008). Thành tích đó đã giúp đội Bóng của tỉnh vinh dự là đại diện cho Bóng đá U13 Việt Nam tham dự giải Bóng đá quốc tế mở rộng tại Malaysia. Ngoài ra, môn Võ Cổ truyền giành 1 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2006, môn Taekwondo giành được 4 huy chương quốc tế (1HCB, 1HCĐ giải trẻ Châu Á năm 2005, 1 HCB giải trẻ Đông Nam Á năm 2007, 1 HCV giải trẻ Đông Nam Á năm 2009). Tiêu biểu có 2 HLV (Taekwondo, Boxing) và trên 20 lượt VĐV (Taekwondo, Điền kinh, Boxing) được tập trung vào đội tuyển quốc gia.
Đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT đã được tăng cường về số lượng và chất lượng đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao (cấp tỉnh hiện có 74 cán bộ TDTT, trong đó về trình độ có 1 Thạc sỹ, 49 Đại học, 2 Cao đẳng, 4 Trung cấp. Ở cấp huyện có từ 1-2 cán bộ, riêng Thành phố Tuy Hòa có 4 cán bộ phụ trách TDTT). Số HLV thể thao hiện có 82 người và 230 người là cộng tác viên TDTT ở các cấp. Đối với cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách TDTT nên cán bộ văn hoá thể thao của xã kiêm nhiệm. Hàng năm, ngành TDTT thường xuyên có kế hoạch mở các lớp đào tạo HDV, Trọng tài cơ sở để đáp ứng cho phong trào TDTT tỉnh nhà.
Công tác xã hội hoá TDTT đã có sự quan tâm đầu tư của nhiều đơn vị tổ chức: Hầu hết các giải thể thao nằm trong hệ thống thi đấu của tỉnh đều gắn liền với các thương hiệu của các doanh nghiệp trong tỉnh như: giải Vô địch Bóng đá - Cúp Bia Sài gòn PY, giải Vô địch Cầu lông - Cúp Xổ số kiến thiết tỉnh; giải Vô địch Bóng chuyền - Cúp VNPT; giải Vô địch Bóng bàn - Cúp Pygemaco; giải Bóng đá nhi đồng - Cúp PVTV; giải Bóng chuyền bãi biển - Cúp Pymepharco; giải Cờ tướng, Bi da - Thuận Thảo... Tổng kinh phí huy động được trong năm 2003 là 495 triệu đồng, đến năm 2009 số kinh phí huy động được là 615 triệu đồng.
Cơ sở vật chất, sân bãi đã được đầu tư xây dựng và quy hoạch đất cho các công trình TDTT: 9/9 huyện, thị, thành phố và 90% xã, phường, thị trấn đều đã có quy hoạch đất đai dành cho các công trình hoạt động TDTT. Toàn tỉnh hiện có 3 công trình TDTT cấp tỉnh; 25 công trình cấp huyện và 131 công trình TDTT cấp xã, phường, thị trấn. Có 4 Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện được thành lập tại các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Phú Hòa và Tuy An.
Trần Vỹ