Đối thủ của Kim Tuấn ở hạng cân 56 kg môn cử tạ trong ngày thi đấu 13-12 là các vận động viên Malaysia, Indonesia và chủ nhà Myanmar, trong đó lực sĩ Jadi Setiadi (Indonesia) được đánh giá là đáng gờm nhất. Tuy nhiên, ở cả hai lần nâng tạ thuộc nội dung cử giật lần lượt ở các mức 123 kg và 129 kg, đều được Kim Tuấn thực hiện thành công. Thành tích này của Kim Tuấn được ghi nhận là kỷ lục mới của SEA Games tính riêng cho cử giật, đồng thời phá thành tích 128 kg của đàn anh Hoàng Anh Tuấn thiết lập trước đây. Đến lần cử giật thứ ba, Kim Tuấn quyết định đăng ký mức kỷ lục châu Á: 133 kg nhưng bất thành. Mặc dù vậy, thành tích của Kim Tuấn vẫn bỏ xa người xếp sau anh là Jadi Setiadi tới tám kilôgram.
Sang đến nội dung cử đẩy, Kim Tuấn cũng đã giành “vàng” một cách thuyết phục với thành tích lần hai là 156 kg, trong khi nâng tổng số tạ cả hai động tác là 285 kg. Đồng thời Tuấn lập thêm một kỷ lục mới của SEA Games, phá kỷ lục cũ 284 kg của lực sĩ Eko Juli Ivawan (Indonesia). Jadi Setiadi nhận huy chương bạc với tổng thành tích 261 kg, và vận động viên của chủ nhà Pyae Phyo huy chương đồng đạt 246 kg.
Ngay sau chiến thắng giành được, Kim Tuấn không quên bày tỏ sự biết ơn đối với người thầy Huỳnh Hữu Chí và đồng đội Trần Lê Quốc Toàn: “Lập được hai kỷ lục SEA Games và giành huy chương vàng, tôi luôn biết ơn thầy Chí cũng như anh Toàn, người đúng ra thi đấu cùng hạng cân với tôi. Chúng tôi vẫn thường là đối thủ của nhau. Tuy nhiên, thể thức lần này tại SEA Games chỉ cho phép mỗi nước đăng ký một vận động viên ở một hạng cân nên tôi rất cố gắng và quyết tâm thực hiện tốt các động tác thi đấu”.
Thế nhưng, những thành tích vang dội đó không phải ngẫu nhiên mà Tuấn có được. Để có thể có thể bước lên bục vinh quang cao nhất, Tuấn đã trải qua một quá khứ đầy khó khăn. Tuấn sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Mẹ mất sớm vì tai nạn giao thông nên người chị cả Thạch Thị Giáng Hương phải đưa các em vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống. Tuấn chỉ được học hết lớp sáu. Bước ngoặt cuộc đời đến với Tuấn, khi anh cùng với anh trai đi tập cử tạ với mong muốn ban đầu là để thoát nghèo. Nhưng càng tập càng thấy thích và vài tháng sau hai anh em Tuấn được giới thiệu với huấn luyện viên Huỳnh Hữu Chí. Người thầy từng có tám năm làm huấn luyện viên môn bơi này đã nhận cả hai vào đội cử tạ TP Hồ Chí Minh. Nhưng được mấy tháng thì người anh bỏ cuộc, trong khi Thạch Kim Tuấn vẫn kiên trì theo đuổi.
Nhờ có năng khiếu bẩm sinh, “cậu bé mồ côi” gốc Bình Thuận tiến bộ vượt bậc và trở thành niềm hy vọng vàng lớn nhất của cử tạ Việt Nam tại SEA Games 2011. Tuy nhiên, chỉ một chút xao nhãng trong thời gian chuẩn bị mà Tuấn chỉ giành được huy chương đồng. Tuấn giải thích, nguyên nhân là do phải tham gia quá nhiều giải đấu trước đó, cộng thêm áp lực tâm lý đè nặng. Coi đây là bài học cho bản thân sau lần vấp ngã, Tuấn lao vào tập luyện không biết mệt mỏi và những nỗ lực của anh đã được đền đáp. Bằng tài năng của mình, giờ đây, Tuấn đã có thể hỗ trợ về mặt kinh tế cho anh chị và người cha già đang sống ở Bình Thuận. Tính tới thời điểm hiện tại, bên cạnh tấm huy chương vàng tại SEA Games 27, bảng vàng thành tích của Tuấn hiện có: ba HCB trẻ thế giới, một huy chương bạc, hai huy chương bạc giải trẻ châu Á 2009 hạng cân 50kg; một huy chương bạc, hai huy chương đồng trẻ thế giới, ba huy chương vàng trẻ châu Á, HCĐ SEA Games năm 2011 và ba huy chương vàng giải vô địch quốc gia, ba huy chương bạc vô địch châu Á, ba huy chương đồng thế giới trong năm 2013.
Trở về nước cùng đội tuyển hôm 17-12, sau khi mang những tấm huy chương quý giá về khoe với gia đình, Tuấn sẽ tiếp tục trở lại tập luyện để chuẩn bị cho những giải đấu sắp tới. Bên cạnh đó, với khát khao vươn lên không ngừng của chàng trai 19 tuổi, Tuấn lên kế hoạch sẽ đăng ký học tiếp chương trình văn hóa để có thể bù đắp những kiến thức mà cậu đã phải trải qua trong quá khứ.
HOÀI THU