Vấn đề được BTC và BCĐ đặc biệt quan tâm là công tác ăn ở, đi lại của các đoàn cũng như các vấn đề về an ninh, y tế, lễ tân... Nắm bắt được những điểm còn khó khăn trong công tác chuẩn bị tại đơn vị đăng cai, BTC và BCĐ Hội thi đã kịp thời phân bổ và lên kế hoạch bổ sung từng nhiệm vụ cụ thể cho các Tiểu ban, cán bộ chuyên trách nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, góp phần vào thành công chung của Hội thi.
Theo bà Đào Thị Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - Phó trưởng BCĐ, Trưởng BTC Hội thi, về cơ bản, công tác chuẩn bị đã hoàn tất và sẵn sàng cho Lễ Khai mạc. Tuy nhiên, một số những khó khăn về nơi nghỉ của các cán bộ, đoàn VĐV (do Thái Bình ít khách sạn) sẽ được BTC khắc phục trong thời gian sớm nhất.
|
Toàn cảnh cuộc bọp BTC và BCĐ Hội thi tại Thái Bình - đơn vị
đăng cai (Ảnh: Trung Toàn) |
Hội thi Thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc diễn ra theo chu kỳ 2 năm một lần, nhằm tạo cơ hội cho các em học sinh khuyết tật học tập, vui chơi cũng như giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tăng cường sức khoẻ, lạc quan yêu đời để hoà nhập với đời sống xã hội.
Đối tượng Hội thi thể thao học sinh khuyết tật lần thứ IV này là các em học sinh khuyết tật dưới 16 tuổi. Riêng 4 môn Điền kinh, Cờ vua, Cầu lông, Bóng bàn sẽ thi đấu theo 2 lứa tuổi: từ 14 - 16 tuổi và từ 13 tuổi trở xuống đang học tại mọi loại hình trường, trung tâm giáo dục chuyên biệt trên cả nước.
Theo thông tin từ BTC, tính đến thời điểm này đã có 16 đoàn tham dự với trên 600 cán bộ, VĐV (lần thứ Nhất được tổ chức tại Đồng Nai có 12 đội tham dự với hơn 300 VĐV, lãnh đạo đoàn; lần thứ Hai được tổ chức tại Quảng Trị có 15 đoàn tham dự với gần 500 cán bộ, VĐV; lần thứ Ba được tổ chức tại Đắk Lắk có 19 đoàn với trên 600 lãnh đạo đoàn, VĐV) thuộc các Sở Giáo dục – Đào tạo: Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đồng Nai, Thái Nguyên, Quảng Trị, Lâm Đồng, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Long An, Đắk Lắk, Đắk Nông và chủ nhà Thái Bình.
Đến với Hội thi các VĐV sẽ tranh tài ở 22 nội dung với 22 bộ huy chương của 6 môn thi đấu (cả nam và nữ) là: Điền kinh – chạy 60m (nam, nữ), bật xa tại chỗ cho học sinh khiếm thị, khiếm thính; Cờ vua dành cho học sinh khiếm thính (nam, nữ); Bóng đá mini dành cho học sinh khiếm thị, khiếm thính (mỗi đội 5 cầu thủ - nam); Kéo co dành cho học sinh khiếm thính (nam, nữ - mỗi đội 7 người); Cầu lông dành cho học sinh khiếm thính (nam, nữ) và Bóng bàn dành cho học sinh khiếm thính (nam, nữ).
Hội thi được tổ chức thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Đảng, Nhà nước đến các em học sinh khuyết tật trên toàn quốc, góp phần thiết thực vào “Chiến lược phát triển giáo dục” và định hướng chọn giáo dục hoà nhập là hướng chủ yếu cho trẻ khuyết tật ở Việt Nam của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
N. H