Cùng với những thành tựu chung của công cuộc đổi mới, phong trào TDTT quần chúng nói chung và hoạt động thể dục thể thao ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) nói riêng đã có những chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng và thành quả đạt được: Nhu cầu tập luyện thể dục thể thao ở cơ sở, đặc biệt là người dân ở các vùng kinh tế phát triển ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê từ năm 2000 đến năm 2003 số người tập luyện thể dục thể thao ở mỗi làng, bản, xã, phường, thị trấn tăng 5.4%. Hoạt động thể dục thể thao trường học cũng phát triển vượt bậc. Các giờ học thể dục được đặc biệt quan tâm, ngoài ra các hoạt động thể thao vào các dịp hè cũng phát triển góp phần vào việc tăng cường sức khỏe, quản lý, giáo dục các em tránh xa các tệ nạn xã hội. Đội ngũ huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên thể thao đã bước đầu được hình thành.
Hình thức tập luyện cũng ngày càng đa dạng: các câu lạc bộ thể thao phát triển mạnh (câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời, câu lạc bộ các môn thể thao....), mô hình "gia đình thể thao" và "Cụm văn hóa - thể thao", liên thông, liên xã xuất hiện ngày càng nhiều. Các hoạt động này đã dần đi vào nề nếp là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân.
Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phong trào được trú trọng đầu tư và nâng cao đáng kể. Quỹ đất dành cho lĩnh vực TDTT ngày càng tăng (năm 2000 quỹ đất dành cho lĩnh vực này chỉ có 8.733 ha đến năm 2003 đã tăng lên 10.167 ha; Có khoảng 60-70% xã, phường, thị trấn đã dành đất cho thể thao, trong đó 30 % xã, phường có "Khu thể thao" (sân bóng, hồ bơi, nhà tập). Điều này thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp cơ sở đối với lĩnh vực TDTT.
Cùng với việc phát triển các công tác trên, các hoạt động thi đấu thể thao cũng phát triển, đến nay các hoạt động này đã được tổ chức thường niên, hình thức phong phú đa dạng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức được vai trò của thể dục thể thao trong đời sống; một số cấp ủy Đảng và chính quyền chưa ý thức được ý nghĩa của phong trào TDTT quần chúng, công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý TDTT còn hạn chế và chưa nhất quán; Tổ chức bộ máy TDTT ở xã, phường, thị trấn, chưa thống nhất và thiếu đồng bộ (20% số xã, phường, thị trấn là Ban văn hóa xã hội, 12% là câu lạc bộ thể dục thể thao, 10% là Hội đồng thể dục thể thao, 8% là ban thể dục thể thao, 19.5% là Đoàn thanh niên, 17.6% là công tác viên chỉ đạo hoạt động...).
Làm sao để duy trì và phát triển phong trào thể thao quần chúng trong thời gian tới? Cần tăng cường công tác chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo đến từng đơn vị cơ sở; mở rộng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân thông qua các hệ thống truyền thông như truyền hình, báo, đài và thậm chí hệ thống thông tin ở địa phương. Mở rộng bộ máy cơ chế hoạt động của các tổ chức thể dục thể thao; nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên, hướng dẫn viên thể dục thể thao; kiện toàn hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện thể dục thể thao. Phối hợp với các đoàn thể, tổ chức có liên quan triển khai các đề án, chính sách nhằm phát triển phong trào TDTT quần chúng. Đồng thời, tiếp tục phát động các phong trào đã và đang hoạt động hiệu quả như:"Khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc", "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương bác Hồ vĩ đại", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".... Tăng cường các chế độ đãi ngộ khuyến khích người dân tham gia tập thể dục thể thao đặc biệt là ở những vùng thể dục thể thao kém phát triển như vùng sâu, vùng xa....
Thể dục thể thao quần chúng phát triển nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển hài hòa các yếu tố về thể chất và tinh thần của con người, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời là cơ sở, điều kiện phát triển TTTTC, một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của thể thao nước nhà trong những năm tới. Vì vậy, phát triển thể dục thể thao quần chúng là một trong những công việc thiết yếu của ngành Thể dục thể thao nói riêng và của toàn xã hội nói chung.
TN