Những năm trước, phong trào Thể dục thể thao miền núi chưa được quan tâm đúng mức. Thời gian gần đây, cùng với chất lượng đời sống đang được nâng cao rõ rệt, thể thao miền núi đã có những bước phát triển không ngờ.
Nhiều lễ hội quy mô lớn được tổ chức thành công với các hoạt động thể thao như: Đua thuyền, thi kéo co, ném còn, bắn nỏ, đấu pao, đua ngựa, múa Rồng, múa Lân và các trò chơi thể thao dân gian khác. Các giải đấu của đồng bào miền núi cũng thu hút nhiều cán bộ nhân dân người Kinh đăng ký tham gia. Có người lần đầu tiên cầm cây nỏ, cây gậy, thi đấu mặc dù thua nhưng vẫn vui. Cũng từ những giải đấu này, ngành TDTT đã chọn được những cá nhân, tập thể có thành tích tốt, có năng khiếu về TDTT, bồi dưỡng thành nhân tài cho tỉnh, cho đất nước.
Điều đáng mừng là phong trào TDTT đối với đồng bào dân tộc luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành. Dự kiến, sắp tới sẽ xây dựng nhà thể thao đa năng và đang lập dự án xây dựng sân bóng đá của huyện có ghế ngồi, mặt cỏ đúng tiêu chuẩn. Khi các hạng mục xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, sẽ tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi trong việc luyện tập, đào tạo VĐV ở tất cả các loại hình, môn thi đấu thể thao.
Điều đáng quý là dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con vẫn rất say mê thể thao, không câu nệ điều kiện sân bãi, địa hình xa xôi, thời tiết khắc nghiệt. Trong thi đấu không có chuyện gian lận, xong giải là tay bắt mặt mừng, Thể thao đã làm cho mọi người gắn kết với nhau, thắt chặt tình đồng bào, đồng chí. Tinh thần thể thao cao thượng, thiện chí đã giúp thanh niên tránh xa các tệ nạn xã hội cờ bạc, mại dâm, ma túy. Khôi phục, phát triển các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống. Vui chơi, luyện tập TDTT đã phần nào giảm tình trạng "nhàn cư vi bất thiện" trong giới thanh niên.
Tuy nhiên, thể thao miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn mà đặc biệt là vấn đề kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất quá thiếu thốn. Toàn bộ kinh phí dành cho thể thao các vùng dân tộc còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp với sự phát triển của phong trào, nhu cầu tập luyện của đồng bào. Một trong những khó khăn chủ yếu là đội ngũ cán bộ chuyên trách, huấn luyện viên, hướng dẫn viên TDTT còn rất mỏng.
Để phát huy và nhân rộng những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, lãnh đạo ngành TDTT sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong các hoạt động TDTT các vùng dân tộc miền núi, vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và toàn xã hội đóng góp về cơ sở vật chất; đồng thời, tích cực phát triển các loại hình hoạt động dưới hình thức câu lạc bộ, hội thể thao, đội thể thao, gia đình thể thao…làm cho hoạt động TDTT vùng dân tộc từ chỗ mang tính tự phát trở thành tự giác.
Thu Hương