Tăng cường hoạt động thể thao quần chúng
Trong những năm qua, thể thao quần chúng thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Phong trào thể thao phát triển sâu, rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện thể thao. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương bác Hồ vĩ đại” được các tầng lớp nhân dân tự nguyện tham gia. Nhiều giải thể thao quần chúng được các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tổ chức với nhiều môn thể thao truyền thống của dân tộc, các trò chơi dân gian như: Vật dân tộc, Đẩy gậy, Bắn nỏ, Ném còn, Bơi chải, Cờ người, Kéo co, Chọi gà, Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng bàn, Cờ tướng… thu hút được hàng chục vạn lượt người tham gia.
Hàng năm, ngành TDTT Hà Nội phối hợp với các ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố như: Hội nông dân, Liên đoàn lao động, Công đoàn viên chức, Ban đại diện người cao tuổi tổ chức các hoạt động thể thao nhằm phát triển phong trào TDTT cho các đối tượng trên. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức các giải thể thao học sinh, sinh viên. Riêng trong năm học 2011 – 2012 đã thu hút 7800 lượt VĐV là học sinh, sinh viên tham gia tranh tài tại Hội khỏe phù đổng thành phố Hà Nội.
Năm 2013, Đại hội TDTT cấp cơ sở đã tạo nên nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút hàng ngàn người dân tham gia. Tính đến 31/5/2013, 100% các quận, huyện, thị xã (577 xã, phường, thị trấn) trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc tổ chức Đại hội TDTT cấp cơ sở, đạt 100%. Sở cũng đã phối hợp Báo Hà Nội mới và các đơn vị liên quan tổ chức “Lễ phát động giải chạy Báo Hà Nội mới mở rộng lần thứ 40 – Vì hòa bình năm 2013” huy động 5.400 người tham dự. Sau đó 29 quận, huyện tổ chức chạy kiểm tra tiêu chuẩn phổ thông với sự tham gia của 284.962 người thuộc 1.478 đơn vị.
Phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục phát triển sâu, rộng thể thao quần chúng, hướng đến năm 2020, thể thao Hà Nội phấn đấu đạt số người tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt tỉ lệ: 36% dân số; Số gia đình luyện tập thể dục thể thao đạt tỉ lệ: 28% số hộ dân và 100% xã phường thị trấn đạt các tiêu chuẩn tại quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã tại Thông tư số: 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010.
Thể thao thành tích cao: xây dựng nhiều chế độ đãi ngộ cho VĐV
Để không ngừng nâng cao thành tích của thể thao thủ đô, giữ vững vị trí dẫn đầu, trong những năm qua, Sở VHTTDL thành phố Hà Nội đã và đang tiến hành nhiều biện pháp, chế độ đãi ngộ giúp các vận động viên đỉnh cao của Thủ đô đạt phong độ, giành thành tích thi đấu cao nhất tại các giải đấu trong nước và quốc tế. Với việc xác định đúng đắn và khoa học hướng đi tắt, đón đầu những xu hướng phát triển của thể thao, thể thao thành tích cao Hà Nội đã, đang và sẽ góp nhiều thành tích trong bảng huy chương của thể thao nước nhà.
Chỉ tính riêng trong năm 2011, thể thao Hà Nội đã giành tới 2.877 huy chương ở các đấu trường trong nước, khu vực và quốc tế, giữ vững vị trí top đầu của thể thao Việt Nam. Trong đó, nổi bật là việc các vận động viên Thủ đô đã xuất sắc đóng góp 36 HCV, 31 HCB, 31 HCĐ trên tổng số 96 HCV, 92 HCB và 100 HCĐ của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 26.
Năm 2012, thể thao thành tích cao Hà Nội tiếp tục mang về 1.908 huy chương ở các đấu trường trong nước và quốc tế, tiếp tục giữ vững vị trí top đầu của thể thao Việt Nam. Các VĐV Hà Nội đã xuất sắc đóng góp 109 HCV, 111 HCB và 79 HCĐ của các giải đấu khu vực, châu lục, thế giới.
Nhiều gương mặt VĐV của thủ đô Hà Nội đã trở thành những VĐV nòng cốt trong đội tuyển quốc gia, đóng góp nhiều huy chương trong bảng thành tích của thể thao Việt Nam trên đấu trường thể thao quốc tế, như: Nguyễn Thị Thúy Hiền, Đàm Thanh Xuân (Wushu), Chu Hoàng Diệu Linh, Đình Toàn, Minh Tú (Taekwondo), Đỗ Thị Ngân Thương, Nguyễn Hà Thanh (TDDC), …
Cùng với nỗ lực xây dựng, chuẩn bị chu đáo cho lực lượng vận động viên, Hà Nội còn đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình thể thao cơ bản như sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu nhằm đảm bảo nhu cầu tập luyện; xây dựng, phát triển các trường, lớp năng khiếu tại các quận, huyện, thị xã. Hạ tầng cơ sở thể thao phát triển cũng giúp ngành thể thao thủ đô có khả năng tổ chức nhiều sự kiện thể thao quốc tế quan trọng. Đặc biệt, năm 2019, Hà Nội cũng sẽ là địa phương đăng cai chính, nơi tập trung phần lớn các môn thi đấu tại Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 – 2019.
Năm 2013, Hà Nội đặt mục tiêu giữ vai trò top đầu của thể thao Việt Nam, đạt trên 1.500 huy chương các loại, đóng góp trên 30% VĐV và tổng số huy chương của đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 27 sắp tới. Hà Nội sẽ thu hút các VĐV tài năng bằng một cơ chế ưu đãi như cho thuê nhà chung cư, mua nhà ưu đãi; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng các cơ chế chính sách nhằm khai thác có hiệu quả các cơ sở thể thao. Điều chỉnh một số quy hoạch để kêu gọi các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho phát triển thể thao. |
Về công tác đào tạo VĐV, Hà Nội sẽ tiến hành đổi mới phương thức đào tạo từ khâu tuyển dụng, nuôi dưỡng đến huấn luyện nhằm đảm bảo cho thể thao đỉnh cao của thành phố vừa lớn mạnh về số lượng vừa nâng cao về chất lượng. Trước mắt, ngay trong những ngày đầu năm 2013, thành phố đã tích cực chuẩn bị lực lượng VĐV trẻ tài năng tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, ASIAD 17 vào năm 2014, Olympic năm 2016 và xa hơn là đấu trường ASIAD 19 năm 2018 khi Việt Nam là chủ nhà.
Hướng đến năm 2020, thể thao thành tích cao Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành các hạng mục phục vụ đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019 (ASIAD 18 năm 2019) tại Hà Nội với làng Á vận hội đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các vận động viên Hà Nội là nòng cốt của các đội tuyển Quốc gia tại các kỳ đại hội thể dục thể thao khu vực, châu lục và thế giới; đóng góp thành tích chủ yếu để đưa Việt Nam trở thành một trong 15 nước dẫn đầu về thể dục thể thao tại Châu Á.
Vận động viên Hà Nội phấn đấu: Giữ vững thành tích hàng đầu tại các kỳ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc; nâng cao thành tích tại các kỳ SEA Games; đạt huy chương Vàng tại các kỳ ASIAD; nhiều vận động viên được tham dự và đạt huy chương tại các kỳ Olympic.
KC