Thể thao là một loại hình trò chơi, do con người sáng tạo ra. Trò chơi là một phương tiện của giải trí. Trò chơi vừa là hiện tượng xã hội, vừa thể hiện trình độ phát triển của con người.
Từ xã hội sơ khai của cộng đồng nguyên thuỷ, xã hội phát triển đến một trình độ nhất định thì trò chơi mới xuất hiện. Trò chơi có tính liên kết cộng đồng, có tính phân công giả lập như ở bên ngoài xã hội. Chẳng hạn như môn Cờ Tướng, môn thể thao trí tuệ, thì bàn cờ đã thể hiện một xã hội thu nhỏ, có sự phân đẳng cấp qua Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt. Tướng, Sĩ chỉ hoạt động trong "cung cấm", Xe đi thẳng, ngang; Pháo thì phải có "ngòi" mới nổ được... Như vậy, Cờ Tướng chỉ có thể xuất hiện khi xã hội phát triển đến trình độ có cơ cấu, tổ chức chặt chẽ và xã hội ấy được phản ánh rất trung thực trong trò chơi. Bóng đá, một loại hình thể thao được mệnh danh là "Vua" của các trò chơi cũng thể hiện rất rõ sự phân công xã hội. Đội bóng là một cộng đồng thu nhỏ, đề cao tính tập thể, để liên kết các cá nhân tạo ra sức mạnh. Khi chơi, đội hình được tổ chức chặt chẽ, có phân tuyến, có tấn công, phòng thủ, có sự chỉ huy, bao quát của đội trưởng, huấn luyện viên... Bóng đá đã thể hiện và mô phỏng những trận đánh, mà bên chiến thắng phải là bên có tổ chức tốt, có sức mạnh và chiến thuật thông minh.
Trò chơi thể hiện những khát vọng xã hội của con người, đó là sự bình đẳng, dân chủ và tự do. Khi vào trò chơi là con người đã bước vào không gia mới, nơi đó các bên tham gia chơi hoàn toàn bình đẳng, không có sự phân biệt về đẳng cấp xã hội, trình độ học vấn, giới tính, tuổi tác, tôn giáo tín ngưỡng... Tính dân chủ được phát huy, con người tự do phát huy những năng lực, thể chất, tinh thần. Những phẩm chất như thông minh, khéo léo, sức mạnh, cao thượng được đề cao. Chỉ có trong trò chơi con người mới thoát khỏi những ràng buộc, trách nhiệm của các quan hệ xã hội. Trong không gian trò chơi con người được hoàn toàn tự do.
Các trò chơi là sản phẩm văn hoá, thể hiện trí thông minh và sự sáng tạo của con người. Lịch sử trò chơi gắn liền với lịch sử sáng tạo, thể hiện trình độ phát triển trí thông minh của con người theo thời gian. Từ những trò chơi dân gian đơn gian, có tính cơ học đến những trò chơi có sự tham gia của khoa học - công nghệ là một quá trình phát triển lâu dài trong lịch sử. Hàng trăm loại hình thể thao có khả năng đáp ứng nhu cầu giải trí của con người nhưng con người vẫn sẽ còn tiếp tục sáng tạo ra những môn thể thao mới.
Thể thao và xã hội có tính gắn kết chặt chẽ, không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí xã hội thông thường, mà thể thao còn có khả năng điều hoà các quan hệ xã hội, gắn kết cộng đồng, dân tộc. Bóng đá và một số loại hình thể thao đã làm được chức năng này. Chiến thắng của đội tuyển Bóng đã quốc gia Việt Nam tại giải AFF Cup đã làm ngây ngất hàng triệu trái tim Việt Nam, gắn kết mọi người vào một niềm vui chung, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Ở nhiều nước, các cầu thủ kiệt xuất được tôn vinh như anh hùng dân tộc như: Maradona (Argentina), Sevtrenko (Ukrraina), Pele (Braxin)... Đó chính là sức mạnh đặc biệt của thể thao.
Xã hội phát triển đến trình độ chuyên môn hoá nhất định nào đó thì xuất hiện thể thao chuyên nghiệp. Đó là những nhóm người đặc tuyển được đào tạo để đi thi đấu và thể thao trở thành nghề nghiệp của họ. Thành tích cao là mục tiêu của thể thao chuyên nghiệp.
Nền thể thao chuyên nghiệp của bất cứ quốc gia nào cũng được xây dựng trên nền móng của thể thao quần chúng. Các phong trào thể thao quần chúng càng phát triển rộng khắp bao nhiêu thì càng có nhiều nguồn nhân lực và nhân tài cung cấp cho thể thao chuyên nghiệp bấy nhiêu. Thể thao chuyên nghiệp cũng tác động và góp phần nâng chất lượng thể thao quần chúng.
Sự phát triển của thể thao quần chúng có ý nghĩa và vai trò to lớn trong đời sống xã hội, được thể hiện ở các khía cạnh: Góp phần bảo đảm sức khoẻ cho cá nhân và cộng đồng xã hội thông qua các loại hình thể thao có tính phổ cập cao; Đáp ứng nhu cầu giải trí cho mọi tâng lớp nhân dân, góp phần điều hoà và làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội, hạn chế, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực và các căng thẳng xã hội; Thể dục thể thao quần chúng trở thành phong trào thì góp phần nâng cao chất lượng phong trào có tính định hướng cao của Nhà nước như: Phong trào "Toàn dân đoàn kêt xây dựng đời sống văn hoá cơ sở", xây dựng "Khu phố văn hoá", "Làng văn hoá", "Cơ quan văn hoá"...
Để xây dựng một nền thể thao quốc gia phát triển thì phải chú ý đến cả thể thao chuyên nghiệp và thể dục thể thao quần chúng. Thể dục thể thao quần chúng muốn phát triển bền vững cần xác định sự đồng bộ về chủ trương, đường lối thông qua chính sách vĩ mô để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển phong trào, sự đầu tư của nhà nước và sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt chính quyền cấp cơ sở như phường, xã thông tua việc xây dựng hệ thống các thiết chế thể thao; đào tạo cán bộ quản lý phong trào, đội ngũ huấn luyện viên và đặc biệt thu hút nguồn lực xã hội thông qua việc xã hội hoá Thể dục thể thao quần chúng.
Văn Cương