Theo thông lệ 4 năm một lần, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V đang đến gần (sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 24/9/2006). Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, các đơn vị tham gia đã và đang có những kế hoạch cụ thể về mọi mặt như kinh phí, tập huấn, cơ sở vật chất... Phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Trọng Kiểm, Phó giám đốc Sở TDTT kiêm Giám đốc Trung tâm HLTT Tỉnh Thái Bình về công tác chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc - 2006 của Tỉnh.
* Xin ông cho biết Thái Bình sẽ tham dự bao nhiêu môn tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V và hiện nay các môn đã có những động thái như thế nào?
Thái Bình sẽ tham dự 12 môn tại Đại hội TDTT toàn quốc, bao gồm: Điền kinh (việt dã và trong sân), Bóng chuyền (trong nhà và bãi biển), Bơi, Canoeing, Rowing, Lặn, Wushu, Karatedo, Boxing, Teakwondo, Cầu lông và Vật.
Tính đến HCV tại Đại hội, một số tỉnh như Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng... đều cho các VĐV đi tập huấn ở nước ngoài nhưng Thái Bình không đủ điều kiện nên không thể đưa các VĐV ra nước ngoài tập huấn. Để đạt được mục tiêu 6 HCV trở lên, đứng thứ 20/67 tỉnh, thành tại Đại hội, ngay sau Tết nguyên đán, các VĐV đã bước vào tập luyện với tinh thần quyết tâm cao và được hưởng chế độ theo đúng tiêu chuẩn của VĐV quốc gia. Các môn có khả năng giành HCV đều được đưa đi tập huấn trong nước với thời gian 90 ngày (vì Trung tâm TDTT Thái Bình rất thiếu thốn về cơ sở vật chất để phục vụ cho thể thao thành tích cao) như: Điền kinh ở Huế, Wushu, Đua thuyền ở Hà Nội, Vật ở Bắc Ninh...
Tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V, Sở TDTT Thái Bình phấn đấu giành 6 HCV tập trung vào các môn: Đua thuyền, Karatedo, Wushu, Boxing và Điền kinh.
* Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn về công tác chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V của Sở TDTT Thái Bình?
Có thể nói để chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V, Sở TDTT Thái Bình đã nhận được nhiều thuận lợi, thể hiện ở sự quan tâm rất lớn của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và lãnh đạo Sở TDTT Thái Bình. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong tỉnh cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai công tác chuẩn bị Đại hội.
Trong những năm gần đây, cơ sở vật chất của Sở TDTT Thái Bình đã được cải thiện rõ rệt, ngày càng được nâng cấp. Trước đây, số lượng VĐV của Tỉnh còn mỏng và yếu thì nay đã tuyển chọn và triệu tập thêm được nhiều VĐV có năng khiếu thực sự. Ngoài những môn truyền thống như Bóng chuyền, Điền kinh, Bơi lội, Vật thì Thái Bình còn phát triển, đẩy mạnh thêm Karatedo, Boxing, Lặn, Canoeing. Những môn mới này cũng đã dần được khẳng định với nhiều thành tích đáng biểu dương trong năm qua (VD như ở môn Teawondo: Giải trẻ khu vực phía Bắc tham dự 12 VĐV đạt 11 huy chương, trong đó 5 HCB và 6 HCĐ; tại giải trẻ toàn quốc tham dự 4 VĐV đạt 1 HCV và 3 HCĐ). Một thuận lợi nữa, không thể không kể đến đó là chế độ chính sách cho VĐV ngày càng được cải thiện rõ rệt. Năm 2005, Tỉnh đã quyết định đảm bảo chế độ bồi dưỡng cho các VĐV theo tiêu chuẩn 103 và thông tư 14. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, động viên các VĐV, tạo niềm tin và sự yên tâm cho các gia đình khi con cái mình tham gia tập luyện như vậy.
Bên cạnh những thuận lợi, Thể thao Thái Bình vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, trước nhiệm vụ quan trọng trong năm 2006. Khó khăn lớn nhất mà Thể thao Thái Bình đang cố gắng khắc phục chính là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác huấn luyện. Mặc dù, đã được trang bị nhiều nhưng đến nay vẫn còn rất thiếu thốn, điều kiện nơi ăn, ở cho các VĐV vẫn còn rất bất cập (khu nhà ăn, ở cho các VĐVrất chật trội và cũ kỹ, được xây từ những năm của thập kỷ 60) . Ngoài thời gian học tập văn hoá, các VĐV cũng có những nhu cầu sinh hoạt như đọc sách, nghe nhạc, muốn được học nhảy, học múa nhưng đến nay Sở TDTT Thái Bình vẫn chưa thể đáp ứng những yêu cầu đó. Thăm quan một số trung tâm ở nước ngoài như ở Trung Quốc, thấy họ rất đầy đủ về cơ sở vật chất, và cuộc sống của các VĐV rất phong phú bản thân tôi rất mong các VĐV của mình cũng có được điều kiện như vậy, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, khi đất nước còn gặp nhiều khó khăn thì không thể đòi hỏi nhiều, song ta cũng phải đáp ứng tối thiểu những nhu cầu cần thiết ấy. Điều đó, không chỉ góp phần cải thiện đời sống tinh thần cho các VĐV, thông qua các hoạt động vui chơi giải trí để học tập mà còn là một trong những phương pháp huấn luyện. Một hạn chế nữa của Thể thao Thái Bình đó là chưa áp dụng được khoa học kỹ thuật vào trong công tác huấn luyện thể thao. Trình độ năng lực chuyên môn của các HLV còn hạn chế, chưa đủ để đảm bảo cho công tác huấn luyện thể thao thành tích cao thi đấu tại các giải quốc tế.
* Trên cương vị là PGĐ Sở TDTT kiêm Giám đốc Trung tâm HLTT Thái Bình, ông có kiến nghị gì đối với các cấp lãnh đạo để Trung tâm HLTT hoàn thành nhiệm vụ được giao?
Để Trung tâm HLTDTT hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như đạt mục tiêu đặt ra tại Đại hội TDTT toàn quốc, chúng tôi tha thiết mong Sở cho quy hoạch lại Trung tâm HLTDTT, xây dựng nhà 5 tầng với đầy đủ phòng ăn, ở, học, đọc, cho các VĐV. Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo VĐV, tu sửa sàn nhà thi đấu Bóng chuyền, nâng cấp đường chạy của sân vận động và quan trọng nhất, để thực hiện được chỉ tiêu, kế hoạch của Tỉnh và Sở giao trong Đại hội TDTT lần thứ V-2006, đề nghị UBND Tỉnh - HĐND xét duyệt cấp đủ kinh phí bổ sung cho lực lượng VĐV - HLV tham gia Đại hội.
Do số lượng đội ngũ cán bộ của Sở còn yếu nên bên cạnh sự quan tâm về cơ sở vật chất cũng rất mong lãnh đạo ngành chăm lo, tạo điều kiện cho Sở TDTT Thái Bình về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, kiện toàn bộ máy tổ chức. Đặc biệt nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ HLV trực tiếp làm công tác huấn luyện nhằm nâng cao thành tích, đẩy mạnh phát triển thể thao Thái Bình trong tương lai.
* Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
NTH