Trung tâm huấn luyện Thể dục Thể thao Thừa Thiên Huế nơi chắp cánh cho những ước mơ.
Nói đến Huế, người ta nghĩ đến ngay dòng sông Hương núi Ngự thơ mộng, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ và các công trình kiến trúc cổ kính của 13 đời vua nhà Nguyễn trị vì đất nước để lại, song hành với những công do trình thiên nhiên ban tặng và con người tạo ra, cùng với những ngành khác, ngành TDTT đã và đang phát triển không ngừng sau những thăng trầm của đất nước. Hình thành sau ngày giải phóng, Ngành TDTT Thừa Thiên Huế đã từng bước phát triển để theo kịp các thành phố lớn có phong trào TDTT mạnh như Hà Nội, Thành phố HCM, Đà Nẵng...
Năm 2005 được coi là năm thành công và có nhiều ý nghĩa đối với ngành TDTT Thừa Thiên Huế. Trong không khí tưng bừng toàn Đảng toàn dân thi đua lập thành thành tích chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII của tỉnh, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, ngành TDDT Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh triển khai công tác tổ chức Đại hội TDTT các cấp tiến tới Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V. Tập trung công tác đạo tạo VĐV thành tích cao tham gia thi đấu tại các giải vô địch quốc gia, đóng góp nguồn VĐV cho các đội tuyển quốc gia của đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 23 và PARA Games III và đã có được thành tích đáng ghi nhận. Công tác đào tạo VĐV đã và đang được đẩy mạnh với những con số càng ngày càng tăng 209 VĐV của 9 môn: Bóng đá, Cờ vua, Điền kinh, Karatedo, Taekwondo, Judo, Bơi lội, Cầu lông, Đá cầu.
Bên cạnh những môn Thể thao thành tích cao, ngành TDTT Thừa Thiên Huế còn chú trọng đến thể thao quần chúng và đã có những bước phát triển mạnh, đồng bộ thông qua cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Phát huy những kết quả đã đạt được qua cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" do Uỷ ban TDTT phát động tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2002, ngành TDTT tỉnh đã tiếp tục triển khai cuộc vận động này trên địa bàn toàn tỉnh từ nông thôn đến thành thị. Cuộc vận động đã thu hút được số lượng tham gia tập luyện TDTT thường xuyên ngày càng tăng và đã trở thành thói quen đối với người dân trên đất Cô đô này. Tính đến nay trên toàn tỉnh đã có 19,1% dân số tham gia tập luyện thường xuyên và số lượng gia đình thể thao đạt 9,7%.
Chủ trương xã hội hóa TDTT của Đảng và Nhà nước đã được Ngành TDTT Thừa Thiên Huế thực hiện một cách có hiệu quả. Các công trình Thể thao ngày càng được xây mới với sự đóng góp tiền của, công sức của người dân. Nhiều giải Thể thao tổ chức ở cơ sở được tài trợ của các doanh nghiệp, ban ngành, cơ quan... Hoạt động Thể thao cấp cơ sở đã đi vào nề nếp. Phong trào TDTT trong cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân được duy trì đều đặn với tiêu chí khỏe để lao động, chiến đấu, học tập và sản xuất. Hàng năm các ngành, cơ quan dưới sự hỗ trợ về chuyên môn của Sở TDTT đã phối hợp tổ chức các giải đấu truyền thống như Cầu lông, Bóng đá, Bóng bàn..., tạo sự đoàn kết trao đổi kinh nghiệm, tránh xa các tệ nạn xã hội do đời sống mang lại.
Để chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc, Ngành TDTT Thừa Thiên Huế đã cơ bản tổ chức thành công Đại hội cấp huyện, xã, phường với sự tham gia hơn 11.000 VĐV, từ đó tiến tới Đại hội TDTT tỉnh vào ngày sinh nhật Bác 19/5/2006.
Năm 2006 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và tỉnh. Đây là năm toàn Đảng, toàn dân hướng tới Đại hội Đảng lần thứ X toàn quốc, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V, kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành TDTT, cũng là năm thực hiện kế hoạch công tác 5 năm 2006-2010. Ngành TDTT Thừa Thiên Huế quyết tâm thực hiện nghị quyết của Đảng bộ lần thứ XIII của tỉnh và tổ chức Đại hội TDTT tỉnh, nâng công tác đào tạo VĐV thành tích cao, chuẩn bị lực lượng VĐV thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai công tác xã hội hóa TDTT, chương trình TDTT xã, phường, thị trấn đến năm 2010 của Uỷ ban TDTT và lồng ghép với những chương trình, đề án khác của ngành.
TT