|
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh |
Với cương vị là người đứng đầu Bộ VHTTDL, xin ông cho biết đôi nét về những định hướng của Thể thao Việt Nam trong thời gian tới?
Sau Olympic 2012, thời gian tới Thể thao Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc cần phải điều chỉnh và có những chiến lược phù hợp hơn. Hiện nay, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Tổng cục TDTT xây dựng các kế hoạch định hướng mới với hy vọng cải thiện hơn nữa thành tích của Thể thao Việt Nam tại các sân chơi Thể thao lớn trong khu vực, châu lục và thế giới. Bên cạnh đó, ngành Thể thao cũng đặc biệt chú trọng phát triển sâu rộng phong trào TDTT Quần chúng, nhằm tăng chỉ tiêu về số người dân tập luyện TDTT trên toàn quốc. Theo đó, các cơ sở vật chất phục vụ cho Thể thao thành tích cao và Thể thao Quần chúng sẽ được đầu tư đồng bộ hơn.
Đặc biệt, trong định hướng phát triển đó nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là bám sát vào việc thực hiện và triển khai có hiệu quả những định hướng, chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Công tác xã hội hóa TDTT tiếp tục được thúc đẩy và thực hiện hiệu quả hơn nữa theo đúng chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, muốn có một nền Thể thao phát triển theo hướng chuyên nghiệp thì cần hội tụ rất nhiều yếu tố, có thể kể đến như: Cơ sở vật chất của các cơ sở huấn luyện, đào tạo VĐV cũng như trình độ chuyên môn của những người làm công tác giảng dạy, huấn luyện đều phải đảm bảo theo những quy định chung của quốc tế đối với Thể thao đỉnh cao. Thứ hai là công tác tuyển chọn đầu vào của các VĐV phải được lựa chọn, sàng lọc chính xác và yếu tố thứ ba tôi muốn nhắc đến là khâu đào tạo VĐV trẻ - cần phải được quan tâm đặc biệt và được xem là nền tảng cho sự thành công của Thể thao đỉnh cao.
Thưa ông, có thể nói vài năm trở lại đây Thể thao Việt Nam chưa thật sự thành công tại các đấu trường lớn mang tầm châu lục, thế giới, lẽ nào VĐV, HLV hay hướng phát triển của chúng ta chưa tốt. Vậy ông nghĩ sao về điều này?
Có ý kiến cho rằng các VĐV, HLV của chúng ta trình độ chưa cao hay còn non yếu, theo tôi nói như vậy là chưa chính xác. Tôi cho rằng, người Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để chúng ta tham gia tranh tài đạt thành tích cao ở những sân chơi lớn mang tầm quốc tế và thế giới, nhưng có lẽ trong chặng đường dài mà Thể thao Việt Nam đã đi qua khâu huấn luyện và nhiều điều kiện khác như cơ sở vật chất, kinh phí ... còn gặp nhiều khó khăn nên kết quả mang lại chưa hoàn toàn đạt được như sự kỳ vọng của người hâm mộ.
Xác định được thực tế này, trong thời gian tới Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT sẽ có sự điều chỉnh, phối hợp với các đơn vị trực thuộc tìm ra cách khắc phục và những hướng đi phù hợp nhất từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho đến các công tác triển khai thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể.
Được biết, Ủy ban Olympic sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc vận động tài trợ cho đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các sự kiện Thể thao lớn mang tầm quốc tế, song trên thực tế thời gian qua nhiệm vụ này hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Với cương vị là Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Chủ tịch Uỷ ban Olympic nhiệm kỳ IV, xin ông cho biết những định hướng mới về công tác này trong thời gian tới?
Công tác vận động tài trợ cho đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội Thể thao mang tầm quốc tế luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với Ủy ban Olympic Việt Nam. Trong thời gian tới để nhiệm vụ này mang lại kết quả tốt nhất, Ủy ban Olympic Việt Nam đã thống nhất và quyết định thành lập ban vận động tài trợ do ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó Chủ tịch kiêm TTK Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vietravel làm trưởng ban và nhiều đồng chí đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam cùng đảm nhiệm công tác vận động tài trợ. Đặc biệt, với mong muốn tạo được sự chuyển biến mới so với thời điểm trước về công tác vận động tài trợ, vào thời gian tới Ủy ban Olympic Việt Nam có mời thêm nhiều nhà Doanh Nghiệp lớn, các nhà kinh tế cùng tham gia vào ban vận động này. Hy vọng, sự thay đổi này sẽ tạo được những thành công mới trong công tác xã hội hóa TDTT trên nhiều phương diện.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong công tác vận động tài trợ cho Thể thao Việt Nam thời gian vừa qua là rất đáng biểu dương, lý do khiến chúng ta chưa đạt được kết quả thật sự nổi trội trong công tác xã hội hóa cũng phần nào do thực chất Thể thao Việt Nam mới chỉ bước vào làm công tác xã hội hóa mới vài năm gần đây. Nên những kết quả đạt được như hôm nay, cá nhân tôi cho rằng rất đáng trân trọng.
Trong sự phát triển của Thể thao nước nhà, ông đánh giá như thế nào về công tác truyền thông trong những năm qua?
Bất kể ở lĩnh vực nào cũng thế, đặc biệt là trong lĩnh vực Thể dục Thể thao thì vai trò truyền thông lại càng trở nên vô cùng quan trọng. Truyền thông luôn đồng hành cùng sự phát triển, sự thay đổi từng ngày của Thể thao Việt Nam nhằm tuyên truyền, quảng bá đưa Thể thao đến được gần hơn với quần chúng nhân dân. Một điều khá đặc biệt ở thời gian tới đó chính là sự có mặt của nhiều nhà doanh nghiệp cùng tham gia vào công tác truyền thông để thúc đẩy sự phát triển TDTT. Tiêu biểu có thể kể đến là đồng chí Trần Dũng Trình - Phó TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam được bầu là Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ phụ trách công tác truyền thông của Ủy ban Olympic Việt Nam. Như vậy, chúng tôi hy vọng các thông tin chính thống sẽ được truyền tải ở nhiều kênh và tiếp cận thông tin tới các cơ quan thông tấn báo chí trên toàn quốc.
Một trong những vấn đề trong lĩnh vực TDTT được đông đảo mọi người quan tâm đó chính là công tác phòng chống Doping, với cương vị là người đứng đầu Bộ VHTTDL ông nghĩ gì về điều này?
Hiện nay, Bộ VHTTDL đã thành lập Trung tâm Doping - Y học Thể thao tại Mỹ Đình. Trung tâm này sớm đi vào hoạt động sẽ giúp ích rất nhiều cho sự công bằng, minh bạch trong thi đấu và giảm chi phí do hiện nay hầu hết mẫu kiểm tra doping của VĐV đều phải gửi sang Trung Quốc, Malaysia để kiểm tra. Do vậy, trong thời gian tới đây, các giải đấu quốc gia, quốc tế được tổ chức tại Việt Nam công tác này sẽ được thực hiện nghiêm ngặt nhằm loại bỏ yếu tố Doping trong Thể thao. Một phần mục tiêu của Thể thao Việt Nam hướng đến đó chính là nói "không" với Doping.
Bộ VHTTDL đã có thông báo gửi tới các Liên đoàn, các Trung tâm huấn luyện, các cơ sở đào tạo VĐV phải thực hiện nghiêm túc trong công tác quản lý VĐV, từ văn hóa ứng xử đến lối sống của từng VĐV. Xử lý nghiêm những trường hợp VĐV nào làm trái quy định hay có những lối sống không phù hợp với truyền thống đạo đức người Việt Nam, hay việc vướng phải các tệ nạn xã hội. Bộ yêu cầu phải xử lý nghiêm khắc, để làm gương cho các thế hệ VĐV trẻ sau này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
N. Hương ghi