Văn hoá, thể thao và du lịch là 03 lĩnh vực độc lập nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau, có nhiều điểm tương đồng, có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế nước ta đã, đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển. Để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 185/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Việc sáp nhập 3 ngành Văn hoá, Thể thao và du lịch thành Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch với mô hình tổ chức, quản lý theo một đầu mối thống nhất là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Sự kết hợp giữa các hoạt động thể thao với quảng bá du lịch, phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa và phát triển văn hóa gắn liền với các hoạt động thể thao... được thực hiện một cách có quy mô, bài bản, thống nhất từ trung ương đến cơ sở chắc chắn sẽ là những hướng đi thực sự phù hợp, hiệu quả cho thời kỳ mới, tạo động lực cho từng lĩnh vực nói riêng và cả ba lĩnh vực văn hoá, du lịch và thể thao nói chung cùng tiến nhanh, đáp ứng nhu cầu, tốc độ phát triển của xã hội.
Theo đánh giá chung, trong những năm gần đây, nền thể thao Việt Nam có những bước phát triển nhanh cả về chất và lượng, hoạt động TDTT ngày càng được mở rộng và mang tính xã hội hoá sâu sắc. Chính vì vậy, với đà phát triển như hiện nay, các hoạt động thể thao sẽ càng trở nên hiệu quả hơn nếu có sự hợp sức từ 2 lĩnh vực là du lịch và văn hóa. Bởi ở mỗi lĩnh vực đều có tiềm năng và những thế mạnh riêng, nhưng trên cơ sở gắn kết và liên thông trong phương pháp, phương thức hành động cũng như đối tượng phục vụ là quần chúng nhân dân, nên giữa chúng ngoài sự gắn kết chặt chẽ với nhau còn có chức năng hỗ trợ thúc đẩy nhau cùng phát triển.
Thực tế cho thấy, ở rất nhiều địa phương trên cả nước đã biết vận dụng những thế mạnh về du lịch để phát triển hoạt động TDTT và đạt được những thành tựu đáng biểu dương. Những địa phương có tiềm năng du lịch, thường liên kết với ngành TDTT để tổ chức các sự kiện như: Festival Võ cổ truyền (Bình Định), hay các giải thể thao như: giải bán marathon (20km), tổ chức cho khách nước ngoài Đua thuyền truyền thống và đua xe hơi trên cát (Ninh Thuận)... Các sự kiện trên luôn có sự lồng ghép giữa văn hoá, thể thao và du lịch, tổ chức các sự kiện thể thao không thể không gắn với quảng bá du lịch. Sự liên kết ấy chắc chắn tạo ra hiệu quả trong sự phát triển của từng lĩnh vực, cụ thể như tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế thể thao
Trên cơ sở những thành tích đã đạt được, năm 2008 ngành TDTT đã đặt ra các mục tiêu: tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, hướng tới xây dựng một xã hội tập luyện TD,TT; Chương trình phát triển TD, TT ở xã phường thị trấn, các hoạt động phối hợp liên tịch với các bộ, ngành, đoàn thể trong việc phát triển phong trào TDTT, đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất trong đối tượng thanh thiếu niên, học sinh; tăng cường công tác phát hiện tài năng, tập trung đào tạo lực lượng VĐV kế cận; tiếp tục đầu tư dự án Khu liên hợp thể thao quốc gia trên cả nước; phấn đấu có từ 15 đến 20 VĐV vượt qua vòng loại giành quyền tham dự VCK và có huy chương tại Olympic Bắc kinh 2008...
Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng để có thể hoàn thành những nhiệm vụ trên, đặc biệt để phát huy cao nhất, hiệu quả nhất sức mạnh tổng hợp của 03 lĩnh vực trên quả là điều không dễ dàng; song với lợi thế của một Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, các chủ trương chính sách phát triển ngành sẽ có điều kiện được chỉ đạo, triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ tạo sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch phát triển toàn diện bền vững thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị mà Đảng, chính phủ và nhân dân giao phó, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp nguồn thu lớn cho nền kinh tế quốc dân.
HKT