Thomas Flath đi thẳng vào vấn đề: “Các bạn đừng chăm chú quá vào mấy ĐTQG các lứa tuổi vội. Đó là cách làm theo kiểu mì ăn liền”.
* Vậy theo ông, nên bắt đầu từ đâu?
- Tôi đã nghe kỹ và xem chi tiết báo cáo về phát triển bóng đá trẻ do VFF trình bày. Tôi phát hiện ra rằng Bộ GD-ĐT, nơi phối hợp với VFF trong các chương trình này, vẫn chưa thật mặn mà.
Các giải bóng đá trẻ, thậm chí cả Hội khỏe Phù Đổng của các bạn là dành cho các cầu thủ năng khiếu chứ không có chỗ cho cầu thủ học sinh.
Tại sao VFF không tính một phương án nhỏ: phối hợp với một vài trường học trực thuộc Bộ GD-ĐT, đề nghị họ đưa bóng đá vào thời khóa biểu bổ sung của học sinh cấp I, cấp II. Nếu bắt đầu từ đó thành công, các phương án kế tiếp sẽ được ủng hộ.
* Ông nghĩ thế nào về cách tập trung các ĐTQG lứa tuổi ở VN hiện nay?
- Các đội tuyển cách xa nhau về lứa tuổi. Khoảng cách giữa các đội tuyển từ U-11 rồi U-14, U-17, U-20... ba năm là không hợp lý.
Bóng đá trẻ quan trọng là tính liên tục. Mô hình hai năm một đội tuyển rất phù hợp với bóng đá các quốc gia đang phát triển như VN.
Làm việc này phải có hệ thống chứ không nên tính chuyện tập trung một tháng, hai tháng rồi giải tán. Vì tập trung như thế này nhiều khi lại phải làm lại từ đầu ở những lần tập trung sau.
Tôi cũng cho rằng số trận thi đấu cho các đội bóng trẻ hiện nay ở VN còn ít. Hãy tính cách tạo điều kiện thi đấu cho họ bằng cách tập luyện suốt cả tuần, dù ở CLB hay đội tuyển và cứ cuối tuần là thi đấu.
Phó thủ tướng Vũ Khoan tiếp đoàn “Tầm nhìn châu Á”
Chiều 15-9, các thành viên chương trình “Tầm nhìn châu Á” của AFC đã có cuộc gặp với Phó thủ tướng Vũ Khoan. Tông thư ký AFC Velappan bày tỏ: “Mục tiêu của “Tầm nhìn châu Á” là đưa VN lọt vào top 10-12 bóng đá châu Á trong vòng năm năm tới. Vì vậy cần sự hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ và hạn chế tiêu cực”.
Ông Velappan chứng minh rằng cá độ bất hợp pháp có thể làm nhà nước thất thu hàng triệu USD mỗi năm. Vì vậy, nếu xổ số bóng đá sớm được chính phủ thông qua thì sẽ kiểm soát được một phần nạn dịch này ở châu Á.
|