1. Yên Bái
Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 17/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương về phát triển thể dục thể thao đến năm 2010, Thể dục thể thao Yên Bái đã đạt được một số kết quả trên nhiều lĩnh vực, cụ thể như sau:
Về công tác tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện Chỉ thị 17/CT-TW: Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức học tập, quán triệt thực hiện Chỉ thị trong toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng Kế hoạch 32/KH-TU để thực hiện, đưa công tác phát triển thể dục thể thao vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; chỉ đạo ngành Thể dục thể thao và các ngành liên quan xây dựng chương trình hành động để triển khai Kế hoạch; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp việc quán triệt, triển khai Chỉ thị 17 với công tác tuyên truyền, vận động, cổ vũ cho SEA Games 22. Do đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên đã được nâng cao, thấy rõ vai trò, vị trí của công tác thể dục thể thao đối với phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp thể dục thể thao của Tỉnh.
Về công tác thể dục thể thao quần chúng: Phong trào thể dục thể thao quần chúng trong Tỉnh đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; hoạt động thể dục thể thao không chỉ phát triển ở trung tâm Tỉnh mà đã từng bước phát triển ở cả vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người. Đối tượng tham gia ngày càng mở rộng, hình thức hoạt động ngày càng phong phú, gồm cả các môn thể thao dân tộc và thể thao hiện đại. Đến nay, toàn tỉnh đã có 16,7% dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; số gia đình thể thao tăng 2,7%; cả tỉnh có 05 liên đoàn thể thao, gần 300 hướng dẫn viên cơ sở; 379 câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở.
Về thể thao thành tích cao: Tỉnh Yên Bái đã đăng cai thi đấu nhiều giải thể thao khu vực và toàn quốc; đã quan tâm chú trọng, có bước tiến đáng kể về quy mô và chất lượng đào tạo tài năng thể thao, đội ngũ cán bộ giảng dạy. Đội bóng rổ nữ Yên Bái 4 năm liền giành chức vô địch, các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm về thể thao thành tích cao đều đạt và vượt mức. Hàng năm Yên Bái đã đóng góp hàng chục vận động viên tham gia trong các đội dự tuyển và đội tuyển quốc gia.
Về công tác xã hội hóa thể dục thể thao: Ngành Thể dục thể thao đã có chương trình phối hợp với 22 ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội cấp tỉnh về công tác thể dục thể thao trong giai đoạn 2004-2005; nhiều cơ quan, xí nghiệp, cụm dân cư đã tự xây dựng được nhiều sân bãi phục vụ cho nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của cán bộ và nhân dân. Hiện nay, ở các huyện, thị, thành phố đều có sân vận động; các xã, phường, thị trấn đều có điểm tập luyện, vui chơi, văn hóa thể thao tuy nhiên số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Nhìn chung, sau thời gian tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 17, công tác thể dục thể thao ở Yên Bái đã có bước phát triển trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, công tác thể dục thể thao của Tỉnh vẫn còn một số tồn tại như công tác xã hội hóa còn hạn chế, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tập luyện, đội ngũ làm công tác thể dục thể thao còn thiếu. Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị, Tỉnh ủy Yên Bái cũng đề ra một số phương hướng hoạt động trong thời gian tới và có một số đề xuất về cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ các tỉnh miền núi; trao đổi học tập kinh nghiệm.
2.Nghệ An
Triển khai Chỉ thị 17/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Thông tri 16/TT-TU về việc lãnh đạo thực hiện trong hệ thống Đảng, chính quyền, đoàn thể và ngành Thể dục thể thao các cấp; mở hội nghị quán triệt; triển khai Chỉ thị đến phường, xã và cơ sở; tổ chứ đoàn cán bộ và phân công chỉ đạo việc khảo sát đánh giá tình hình thực trạng hoạt động thể dục thể thao và hướng xây dựng đề cương Quy hoạch phát triển đến năm 2010 trên từng địa bàn. Sau gần 3 năm thực hiện, tỉnh Nghệ An đã đạt được một số kết quả trong công tác thể dục thể thao trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể như sau:
Về nhận thức: Các cấp lãnh đạo và nhân dân đã nhận thức được vai trò của hoạt động thể dục thể thao trong đời sống kinh tế-xã hội, từ đó tự giác, tích cực hơn trong tham gia hoạt động thể dục thể thao.
Về thể dục thể thao quần chúng: Các chỉ tiêu được nâng lên đáng kể: số người tập luyện thường xuyên là 24,1%; số gia đình thể thao là 11,9%; có 669 Câu lạc bộ thể dục thể thao; có 20 xã điểm tiên tiến về thể dục thể thao.
Về thể thao thành tích cao: Có 80 lớp năng khiếu nghiệp dư cơ sở; số môn thể thao thành tích cao của tỉnh là 18 môn trong đó có một số môn mới như bóng chuyền bãi biển, bi-sắt, cử tạ, đá cầu...; số vận động viên năng khiếu trẻ tập trung là 355 vận động viên; có 41 vận động viên đạt kiện tướng và 35 vận động viên cấp I; năm 2004, Nghệ An đã đóng góp 42 vận động viên cho các đội tuyển quốc gia.
Về xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao: Công tác phối hợp hoạt động giữa thể dục thể thao với các ngành, đoàn thể, tổ chức trong xã hội có nhiều đổi mới và đạt hiệu quả cao; các giải thi đấu thể thao quần chúng hầu hết đều có sự tham gia tài trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong và ngoài tỉnh; cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao có sự tăng nhanh về số lượng, chất lượng: có 1462 sân tập luyện thể thao các loại, 52 nhà tập luyện thi đấu, 1160 sân bóng đá.
3. Hải Phòng
Ngay sau khi có Chỉ thị 17/CT-TW, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TU, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch 1121/KH-UB để thực hiện Chỉ thị đồng thời mở hội nghị quán triệt cho các ban, ngành, đoàn thể trong toàn thành phố.
Qua 3 năm thực hiện, nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thành phố về công tác thể dục thể thao đã được nâng lên rõ rẹt; trong hành động đã đạt được những kết quả quan trọng:
Về công tác thể dục thể thao quần chúng: Hiện nay ở Hải Phòng, số người tập luyện thường xuyên là 23%. Công tác thể dục thể thao được chú trọng phát triển ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, người khuyết tật, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Về thể thao thành tích cao: Hải Phòng tiếp tục giữ vững là một trong những trung tâm mạnh của cả nước; kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao sẽ có 40 môn trong đó có 15 môn trọng điểm; hoàn thành đề án Viện thực nghiệm Bóng đá trẻ Hải Phòng.
Về cơ sở vật chất: Hải Phòng sử dụng có hiệu quả công trình thể dục thể thao, đặc biệt là các công trình sau SEA Games; đẩy mạnh xã hội hóa việc xây dựng khu liên hợp thể thao hiện đại cấp vùng.
Về công tác xã hội hóa và quản lý Nhà nước: Số lượng gia đình thể thao, câu lạc bộ thể thao, hội, liên đoàn thể thao ngày càng phát triển. Công tác quản lý đã được kiện toàn một bước, mạng lưới cộng tác viên ngày càng phát triển giữ vai trì nòng cốt hướng dẫn phong trào thể dục thể thao cơ sở.
Qua gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 17/CT-TW, Hải Phòng đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm. Cụ thể như: chú trọng công tác tổ chức; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; phát triển thể thao quần chúng phải gắn với truyền thống dân tộc, lễ hội; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao.
4. Hải Dương
Ngay khi Chỉ thị 17/CT-TU được ban hành, Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Chỉ thị số 33/CT - đồng thời tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện. Sở Thể dục thể thao đã chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức học tập Chỉ thị. Tính đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh, 12/12 huyện, thành phố đã xây dựng xong đề án phát triển thể dục thể thao đến năm 2010 của địa phương. Kết quả thực tế đạt được qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 17/CT-TW ở Tỉnh là rất đáng khích lệ, cụ thể là:
Về phong trào thể dục thể thao quần chúng: Tỉnh Hải Dương đạt 17,5% số người tập luyện thường xuyên, 9% gia đình thể thao, 150 câu lạc bộ, điểm, nhóm thể dục thể thao trên 1 huyện, thành phố. Ngành Thể dục thể thao tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động, đặc biệt là phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo trong tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng lần thứ VI; tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VI, giành được 27 huy chương, xếp hạng 12/63 tỉnh, thành toàn quốc. Hoạt động thể dục thể thao trong lực lượng đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức, nông dân, người cao tuổi và người khuyết tật ngày càng mở rộng. Mạng lưới câu lạc bộ, hướng dẫn viên, trọng tài viên luôn được tăng cường.
Về công tác đào tạo vận động viên năng khiếu các môn thể thao: Đạt chỉ tiêu hàng năm là 214 vận động viên đào tạo tại Trường Nghiệp vụ thể dục thể thao. Năm2003-2004, Sở Thể dục thể thao dành gần 1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp đầu tư phát triển 52 lớp năng khiếu thể thao nghiệp dư của 11 môn thể thao với 650 vận động viên ở nhóm tuổi từ 8-12 trên địa bàn toàn tỉnh.
Về công tác xã hội hóa thể dục thể thao: Tỉnh Hải Dương đã ban hành các chính sách khuyến khích, mở rộng các loại hình hoạt động thể dục thể thao quần chúng, tạo dựng cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ thể dục thể thao từ nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân và các tổ chức xã hội.
Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp thể dục thể thao: Hoàn thành nâng câp, cải tạo Nhà thi đấu thể thao với tổng kinh phí được câp 31 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Hải Dương đang thực hiện đề án xây dựng Sân vận động trung tâm của tỉnh với mức kinh phí đầu tư dự kiến trên 138 tỷ đồng. Hầu hết, các cơ sở trong tỉnh đều đã có đất dành cho hoạt động thể dục thể thao.
Về khai thác, sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật sau SEA Games 22: Tỉnh Hải Dương đã triển khai kế hoạch khai thác triệt để công trình, bao gồm từ khai thác các dịch vụ có thu thông qua các hoạt động tập luyện thể dục thể thao thường xuyên của quần chúng và tổ chức thi đấu các giải thể thao cấp tỉnh và toàn quốc. Năm 2004, Nhà thi đấu thể thao Hải Dương đã thu vượt kế hoạch đề ra là 150% với tổng số tiền trên 400 triệu đồng.
5. Bình Định
Sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh Thể dục thể thao và 3 năm thực hiện Chỉ thị 17/CT-TW, Thể dục thể thao Bình Định đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đúng với truyền thống thể dục thể thao lâu đời, tinh thần thượng võ của quê hương Bình Định. Kết quả đó thể hiện ở những mặt sau:
Về thể dục thể thao quần chúng: Hàng năm, Sở Thể dục thể thao Bình Định đã ký liên tịch, phối hợp với các ngành, đoàn thể của tỉnh tổ chức nhiều hoạt động phát triển thể dục thể thao quần chúng; tổ chức hàng trăm giải thể thao, hội thao. Tỷ lệ người tập luyện thể thao thường xuyên, số gia đình thể thao không ngừng tăng (đạt 18,14% vào năm 2004).
Về thể dục thể thao trường học: 100% trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, phổ thông trung học cơ sở; 72% trường tiểu học đảm bảo công tác giáo dục thể chất theo quy định. Toàn tỉnh có 522 giáo viên thể dục thể thao, trong đó trình độ cao đẳng, đại học chiếm 46%, dự kiến đến năm 2007 có trên 90% giáo viên thể dục thể thao có trình độ cao đẳng và đại học. Hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa cũng được chú trọng: 70% số trường học thường xuyên tổ chức hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa.
Về thể thao thành tích cao: Bình Định xác định môn thể thao mũi nhọn của tỉnh là: bóng đá, võ thuật cổ truyền, bóng ném, cờ tướng, cờ vua, bóng bàn, điền kinh. Số vận động viên tập trung thường xuyên tại tỉnh trên 300 người. Đến nay, Bình Định có 18 vận động viên được phong cấp kiện tướng, 02 vận động viên được phong cấp dự bị kiện tướng và 55 vận động viên được phong cấp I quốc gia, 02 vận động viên được phong cấp Quốc tế Đại sư môn Cờ tướng và Kiện tướng FIDE môn cờ vua.
Về cơ sở thể dục thể thao và Liên đoàn thể thao: Đã thành lập Trường Năng khiếu thể thao, Trung tâm thể thao tỉnh. Đến nay, Bình Định đã có 338 Câu lạc bộ thể dục thể thao hoạt động từ 1 đến 3 môn, có trên 1000 cơ sở thể dục thể thao công lập và trên 200 cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập. Bình Định có 4 liên đoàn thể thao và 2 hội thể thao quần chúng.
Về hợp tác quốc tế: Hàng năm đều cử đoàn cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên đi tập huấn nước ngoài, thường xuyên đón các đoàn quốc tế đến thăm quan và học tập võ cổ truyền Bình Định.
Về quản lý nhà nước về thể dục thể thao: Bình Định luôn có sự ổn định bộ máy tổ chức từ tỉnh đến cơ sở. Về tài chính, ngân sách đầu tư cho thể dục thể thao tăng lên từ 5-20%.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thực hiện Pháp lệnh Thể dục thể thao và Chỉ thị 17/CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng về phát triển thể dục thể thao đến năm 2010, những năm qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức triển khai, quán triệt trong toàn ngành nội dung các văn bản trên; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan để đẩy mạnh công tác thể dục thể thao và phong trào Hội khỏe Phù Đổng trong trường học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư hướng dẫn Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao, chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện Pháp lệnh và Chỉ thị 17.
Kết quả bước đầu đạt được là: Về giáo dục thể chất trong nhà trường, hiện nay có 100% các địa phương đã triển khai dạy môn thể dục ở nhà trường các cấp, trong đó phần lớn các trường đã đảm bảo 2 tiết/tuần, đảm bảo đúng chương trình giảng dạy do Bộ quy định kể cả ở các trường ngoài công lập. Về đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học: hàng năm mở các lớp bồi dưỡng thay sách các cấp học phổ thông cho đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên viên, giáo viên về đổi mới nội dung và phương pháp dạy môn thể dục. Ngành đã chỉ đạo tổ chức thi giáo viên giỏi và học sinh giỏi môn thể dục từ cơ sở đến trung ương nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng môn học. Về phong trào thể dục thể thao: hệ thống hộc tập và tổ chức thi đấu thể dục thể thao cho học sinh, sinh viên đã được cải tiến và đi vào nề nếp, các hoạt động từ cơ sở đến toàn ngành được tổ chức định kỳ. Hội khỏe Phù Đổng trong trường phổ thông và hội thao cấp trường được tổ chức hàng năm, Hội khỏe Phù Đổng được tổ chức 4 năm 1 lần với quy mô toàn quốc. Theo thống kê số lượng học sinh tập luyện thường xuyên là 6 triệu chiếm 51,3% và gần 10 triệu học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17 và Pháp lệnh Thể dục thể thao, tăng cường công tác thể dục thể thao trong trường học, ngành Giáo dục và Đào tạo quyết tâm thực hiện đồng bộ các biện pháp về nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và nghiên cứu khoa học thể dục thể thao; phát triển đội ngũ giáo viên thẻ dục thể thao đảm bảo chất lượng và đủ số lượng; đổi mới mục tiêu, phương pháp giảng dạy môn thể dục thể thao theo hướng hiện đại hóa nhằm tiếp cận với trình độ của các nước trong khuc vực và trên thế giới; ổn định hệ thống thi đấu hàng năm trong nhà trường; tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế.