Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều vận động viên khi theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp, chính là công việc, nghề nghiệp của họ sau khi giải nghệ.
Trong trường hợp VĐV giải nghệ đấy là một người được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức, trình độ, cũng như định hướng và lựa chọn được công việc sẽ làm sau khi giải nghệ, họ sẽ cảm thấy khả thoải mái, không gặp phải quá nhiều áp lực. Còn trong trường hợp VĐV phải giải nghệ do chấn thương trong tập luyện, thi đấu, do không đủ điều kiện và trình độ để theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp, thể thao nhà nghề, giải nghệ khi tuổi còn đang rất trẻ thì việc quay trở lại cuộc sống, có một công việc ổn định, phù hợp với khả năng và trình độ là điều vô cùng khó khăn.
Theo các nghiên cứu khoa học, khái niệm giải nghệ của các VĐV thể thao thường bị “đánh đồng” với khái niệm “về hưu” của các nghề nghiệp khác, tuy nhiên, trên thực tế đây là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Điểm khác nhau cơ bản đầu tiên đấy là độ tuổi về hưu của các nghề nghiệp thuần túy được xác định rõ ràng, với độ tuổi dành cho nữ là khoảng 55 tuổi, và độ tuổi dành cho nam vào khoảng 60 tuổi. Trong khi đấy, độ tuổi giải nghệ của các VĐV thể thao thường khá trẻ, đặc biệt là các VĐV nữ. Các nhà nghiên cứu đưa ra một kết luận sơ bộ rằng, hầu hết các VĐV nữ chuyên nghiệp thường kết thúc sự nghiệp thi đấu của họ khi họ bước vào giai đoạn lập gia đình, sinh con, hoặc đôi khi do việc tăng/giảm trọng lượng không kiểm soát được.
Điểm khác biệt thứ hai của hoạt động nghỉ hưu cơ bản và việc giải nghệ của VĐV chính là người bình thường không dành quá nhiều thời gian cho hoạt động luyện tập thể thao một cách chuyên nghiệp như các VĐV, chính vì vậy họ có thời gian phân phối cho các hoạt động sinh hoạt, giải trí, thư giãn khác. Khi nghỉ hưu, người bình thường có thể cảm thấy rất thoải mái và nhanh chóng làm quen với các hoạt động nhẹ nhàng như chăm sóc cây cảnh, chăm sóc gia đình, trang trí nhà cửa… Tuy nhiên, đối với một VĐV chuyên nghiệp, do tần suất hoạt động trước đây của họ khá nhiều, vậy nên khi bước vào thời gian đầu của giai đoạn “giải nghệ”, việc giảm thiểu cường độ hoạt động khiến cho VĐV dễ rơi vào trạng thái buồn chán, cơ thể tăng cân không kiểm soát.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra được sự khác biệt sau khi giải nghệ của VĐV chuyên nghiệp và VĐV nghiệp dư. Theo Botteril và Broom, Hill và Lowe, Werthner và Orlick… cùng rất nhiều các chuyên gia khác, đối với các VĐV chuyên nghiệp, VĐV nhà nghề, các VĐV đỉnh cao sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu thể thao thường rơi vào trạng thái tinh thần bất ổn, sang chấn tâm lý, và đôi khi là cần một khoảng thời gian để lấy lại cân bằng.
Trong khi đấy, theo nghiên cứu của Blinde và Greendorfer, Otto và Alwin, Kleiber, Greendorfer, Blinde và Samdahl, các VĐV nghiệp dư, các VĐV phong trào, các VĐV thi đấu tại các giải thể thao học đường… sau khi chấm dứt sự nghiệp thi đấu thể thao thường không bị ảnh hưởng tâm lý quá nặng nề. Điều này được lý giải bằng việc các VĐV này có mục tiêu theo đuổi, cách thức đào tạo, sở thích luyện tập và định hướng nghề trong lĩnh vực thể thao khác nhau hoàn toàn. Nếu như các VĐV chuyên nghiệp, VĐV nhà nghề coi thi đấu thể thao là một nghề xác định, thu được một khoản thu nhập hàng tháng hoặc khen thưởng dựa trên thành tích thi đấu, thì đối với các VĐV nghiệp dư, họ thi đấu thể thao chỉ đơn giản là vì họ cảm thấy yêu thích.
Những kỹ năng “mềm” VĐV có được sau khoảng thời gian luyện tập và thi đấu thể thao: Các kỹ năng, tính cách, thói quen VĐV có được trong khoảng thời gian thi đấu và luyện tập thể thao ít nhiều vẫn mang lại những ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp sau này của họ. Sự ngoan cường, kiên định, hết mình trong thi đấu, khéo léo, tư duy chiến lược… có thể được xem là một trong số những kỹ năng “mềm” mà các VĐV sau khi giải nghệ chuyển hướng sang hoạt động kinh doanh phải sử dụng thường xuyên. Trong nghiên cứu của Mayocchi và Hanrahan, một VĐV Khúc côn cầu người Canada sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, chuyển hướng sang mở một nhà hàng nhỏ đã gặt hái được khá nhiều thành công, do anh ta biết cách thương thuyết với các nhà phân phối thực phẩm, khéo léo trong việc sắp xếp nhân sự, cũng như nắm bắt được những thời cơ phát triển và mở rộng thị trường hợp lý.
Còn theo nghiên cứu của Danish, Petitpas và Hale, những kỹ năng “mềm” các VĐV chuyên nghiệp có được sau khi chính thức “giải nghệ” có thể kể đến như:
Kỹ năng tổ chức;
Kỹ năng thích ứng nhanh với môi trường;
Kiên trì, nhẫn nại;
Kỹ năng làm việc dưới áp lực thành tích, kết quả;
Thói quen động viên tinh thần đồng nghiệp…
Và rất nhiều các kỹ năng khác.
Trần Nhu (t/h)