Người xưa có câu: “Thắng không kiêu, bại không nản”. Càng ngẫm nghĩ càng thấy hay, thấy thấm thía cho trận thua vừa qua của đội tuyển bóng đá nữ. Việt Nam có quyền tự hào mình là những người tiên phong về bóng đá nữ trong khu vực, khi lần đầu tiên xỏ giày ra sân chơi bóng (với các nam cầu thủ) từ... năm 1933. Chúng ta hào hứng với chiến thắng đầu tiên trong lần hội nhập không chính thức ở giải tiền SEA Games 1997 tổ chức tại Malaysia, rồi cay đắng nhìn hai đối thủ Thái Lan và Myanmar bước lên bục cao nhất nhận huy chương vàng SEA Games trong cùng năm ấy. Vui buồn có đủ.
Sau 2 năm im hơi lặng tiếng vì quốc gia đăng cai SEA Games 1999 Brunei không thích chuyện nữ đá bóng, các cô gái của chúng ta đã nhuộm vàng chiếc huy chương SEA Games của mình bằng chiến thắng vang dội tại SEA Games 21 ở Malaysia. Quả thật, Malaysia rất “có duyên” với các cô gái đá bóng của chúng ta. Công bằng so sánh, chiếc huy chương vàng SEA Games tại Malaysia quí giá hơn khi chúng ta tiếp tục đoạt lại nó 2 năm sau trên sân nhà.
Đó là sự khởi đầu cần thiết cho một bước phát triển tốt đẹp. Ở giữa các khoảng thời gian vui ngất trời đó, chúng ta có đôi ba lần xuất ngoại dự các giải đấu chất lượng cao hơn như Asian Games Busan 2002, hay giải vô địch nữ châu Á tại Bangkok… Dù thất bại nhưng đó là những thất bại cần thiết cho chúng ta soi rọi lại đúng khả năng của mình và tìm một hướng đi mới thích hợp hơn.
Rất tiếc, bóng đá nữ Việt Nam sau những lần đoạt vàng tại 2 kỳ SEA Games 21 và 22 đã không có những kế hoạch, chiến lược nào khả thi để giúp các nữ cầu thủ của chúng ta vươn cao hơn, đi xa hơn “thung lũng” Đông Nam Á. Người làm bóng đá nữ thuộc loại “tay ngang”, nhưng tỏ ra nghiêm túc nhất là ông Willfeld Rainer khi dẫn dắt đội nữ Việt Nam sang Bangkok dự giải châu Á.
Tại giải này, đội đã chơi những trận cầu rất hay, ngang tài, cân sức với nhiều đối thủ mạnh trong khu vực, dù thua về mặt tỉ số. Về nước những ý kiến của ông Rainer về bóng đá nữ đã không được coi trọng và ông bị xếp vào loại “không thích hợp cho bóng đá nữ”, tiếp tục ngồi chơi xơi nước, làm các công việc ghi hình, thống kê tư liệu giúp các HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Ông Rainer làm việc theo chương trình hợp tác, hỗ trợ về văn hóa, thể thao của Chính phủ Đức với Việt Nam. Điều đó có nghĩa Liên đoàn bóng đá Việt Nam không phải trả lương tháng cho ông Rainer, ngoài những chi phí về đi lại, ăn ở. Đáng tiếc, ông không được lưu dụng và âm thầm về nước.
Trong trận thua vừa qua của đội nữ Việt Nam vẫn tiềm tàng một cơ hội xây dựng lại đội ngũ, lập một kế hoạch hành động cụ thể, hữu dụng cho bước phát triển sau này. Người viết còn nhớ như in trong tài liệu cũ có câu nói nổi tiếng của danh vợt Bjorn Borg: “Nhà vô địch sau một loạt chiến thắng cũng rất cần một thất bại để nhìn lại mình”. Thật chí lý đối với đội tuyển nữ Việt Nam, với làng bóng nữ nước nhà
(Theo SGGP net)