Trước một đối thủ “chiếu dưới”, có thể thấy rõ đấu pháp thiên về tấn công (sơ đồ 3-5-2) của tuyển Việt Nam khi bố trí cặp tiền đạo Công Phượng - Tiến Linh trong đội hình xuất phát. Cùng với sự trở lại của Tiến Linh, việc thủ môn Tấn Trường và hậu vệ Tấn Tài (thế chỗ Văn Thanh) trở lại trong đội hình xuất phát cũng rất đáng chú ý.
Trong bối cảnh đã phải hứng chịu nhiều sự chỉ trích, Tiến Linh đã không phụ niềm tin của thầy Park, đồng thời cũng giải toả “cơn khát” bàn thắng của bản thân anh với tình huống mở tỷ số ở ngay phút thứ 4. Một bàn thắng hoàn hảo, từ đường chuyền chính xác của Quang Hải ở giữa sân tới pha băng lên và dứt điểm trong thế đối mặt thủ môn đội bạn của Tiến Linh.
Những tưởng việc có bàn thắng sớm sẽ giúp tuyển Việt Nam thêm phần hưng phấn để dồn ép thế trận, nhưng tình thế lại không như vậy. Có vẻ các học trò của thầy Park không muốn lặp lại “bài học” ở trận gặp Indonesia (ép sân liên tục nhưng không hiệu quả khi đối phương quá tập trung phòng ngự số đông). Thay vào đó, tuyển Việt Nam chủ động chơi chậm chắc khi tuyển Campuchia dâng cao đội hình hơn, đồng thời chờ đợi cơ hội khi hàng thủ của đối phương không còn bố trí đông người. Và người hâm mộ đã không phải chờ lâu để được chiêm ngưỡng bàn thắng thứ 2, một cú sút xa như trái phá tràn đầy sự tự tin và cảm hứng của Tiến Linh làm bó tay thủ thành Kimhuy. Sự trở lại của Linh rất đúng lúc, vì nó cũng đồng nghĩa với việc tuyển Việt Nam đã có lại mũi trung phong tốt nhất hiện tại cho hàng tấn công trước khi bước vào vòng bán kết.
Tình thế bảng đấu trước lượt cuối cùng khiến người hâm mộ không chỉ cổ vũ đội nhà ở trận đấu này mà còn hồi hộp “hóng” theo cả diễn biến đầy kịch tính của trận đấu diễn ra cùng giờ giữa Malaysia và Indonesia (có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng đứng đầu bảng của tuyển Việt Nam). Bảng xếp hạng tạm thời liên tục có thay đổi: Đầu tiên, Việt Nam vượt lên khi mở tỷ số trước Campuchia, trong khi Indonesia bị Malaysia dẫn bàn; rồi tiếp tục dẫn đầu khi Indonesia gỡ hoà, trước khi lùi xuống vị trí thứ 2 (sau khi Indonesia dẫn ngược 2-1) khi hiệp 1 khép lại. Diễn biến này khiến hiệp đấu thứ 2 càng thú vị hơn bởi cuộc đua “song mã” tới ngôi nhất bảng, một cuộc rượt đuổi tỷ số, nhưng diễn ra tại… 2 sân khác nhau.
Trong tình thế cần có thêm bàn thắng, tuyển Việt Nam, tựa như một chiếc lò xo đã được dồn nén hết mức, lập tức đẩy cao đội hình từ đầu hiệp 2, liên tục ép sân đội bạn với những tình huống phối hợp tấn công ở nhịp độ cao. Hai bàn thắng liên tiếp của Tiến Dũng và Quang Hải đến ngay sau khi Indonesia vừa ghi thêm bàn thắng vào lưới Malaysia ở SVĐQG Singapore. Thật đáng tiếc rằng sau đó, khi Campuchia rút các trụ cột rời sân thì tuyển Việt Nam lại không giữ nhịp tấn công để có thêm bàn thắng, để rồi ở SVĐQG Singapore, Indonesia ghi thêm bàn thắng và đòi lại ngôi nhất bảng nhờ hơn chỉ số phụ (số bàn thắng). Điều này đồng nghĩa với việc tuyển Việt Nam sẽ gặp Thái Lan, đội nhất bảng A.
Có thể thấy, dù đã ghi được 10 bàn thắng và chưa để lọt lưới bàn nào sau 4 trận đấu ở vòng bảng, nhưng để có được kết quả tối ưu trên hành trình bảo vệ ngôi vô địch, tuyển Việt Nam vẫn cần tận dụng tốt hơn nữa những tình huống có thể ghi bàn, đồng thời cần hạn chế hơn những sai lầm trong phòng ngự, bao gồm cả những pha chuyền sai. Cần nhấn mạnh điều này, vì tuyển Thái Lan cho thấy là một đối thủ nguy hiểm và thật sự đáng gờm ở giải năm nay!