|
Toàn cảnh buổi họp (Ảnh: Y Trang) |
Tính đến ngày 10/9, Ban tổ chức Đại hội đã tổ chức thành công 35 môn và phân môn trên tổng số 41 môn (62 phân môn) trong chương trình Đại hội tại các tỉnh, thành phố. Trong đó, có 29 môn và phân môn do Vụ TTTTC quản lý chuyên môn, 6 môn và phân môn do Vụ TDTT quần chúng quản lý về chuyên môn (tính cả môn Vovinam sắp tới sẽ diễn ra tại Cần Thơ). Hầu hết, các môn thể thao đều tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng cho các đoàn tham dự.
Điển hình như ở môn Karatedo vừa diễn ra tại Quảng Nam. Ngay từ đầu BTC môn thi đã xác định nhân sự là vấn đề hết sức quan trọng nên đã rất thận trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này như chuyển các hồ sơ chuyển nhượng VĐV tới bộ phận Pháp chế để xác định. Không những vậy, BTC cũng đã thực hiện nghiêm túc trong một số công tác khác như: loại 8 VĐV sau khi cân; mời trọng tài quốc tế (4 trọng tài của Nhật Bản) điều hành thi đấu nhằm tăng tính khách quan, đảm bảo công bằng cho các VĐV tham dự. Để đăng cai môn thể thao này, đơn vị chủ nhà đã chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện cp sở vật chất, trang thiết bị thi đấu cũng như các điều kiện khác. Tỉnh đã thành lập các Tiểu ban thuộc BTC địa phương như BTC cấp quốc gia. Trưởng bộ môn Karatedo - ông Vũ Sơn Hà đánh giá: "Quảng Nam là địa phương đầu tiên mà tôi nhận thấy đã chuẩn bị và tổ chức tốt nhất trong các đơn vị tại những lần tổ chức giải. Tỉnh đã trang bị đầy đủ trang thiết bị thi đấu như: cân điện tử mới, 2 thảm thi đấu mới đủ tiêu chuẩn quốc tế, chỉ có một ít sai sót nhỏ không đáng kể".
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức của một số môn thi vừa qua vẫn còn có những hạn chế, thiếu xót cần được khắc phục, đặc biệt là vấn đề nhân sự. Nổi lên là một số trường hợp chuyển nhượng VĐV. Đây là vấn đề quan trọng, thường gây nhiều tranh cãi trong các đoàn tham dự. Ở giải Boxing diễn ra tại Đăk Lắk, sau khi tiếp nhận hồ sơ, BTC đã phát hiện 7 trường hợp chưa hợp lệ và xin ý kiến chỉ đạo, giải quyết. Cuối cùng, 7 VĐV đó đã xin rút khỏi danh sách tham dự giải do chưa hoàn thiện hồ sơ theo Điều lệ chuyên môn và Điều lệ chung của Đại hội.
Rút kinh nghiệm sau các giải đã tổ chức trước đó, để Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI-2010 được thành công trọn vẹn, ngày 7/9/2010 Ban tổ chức Đại hội đã có công văn số 33/BTC-TBCMKT gửi các địa phương, ngành, Ban tổ chức các môn về việc đề nghị phối hợp nhằm chấn chỉnh công tác tổ chức các môn còn lại. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn cũng đã chỉ đạo Tiểu ban Chuyên môn Kỹ thuật soạn công văn gửi các địa phương tham dự các môn thi sắp tới của chương trình Đại hội TDTT toàn quốc với nội dung đề nghị phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ của VĐV trước khi giải diễn ra 1-2 ngày. Sau những ngày này sẽ chốt lại danh sách cuối cùng và không thay đổi.
Để tích cực chuẩn bị một cách hiệu quả cho Đại hội TDTT toàn quốc, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn yêu cầu Tiểu ban chuyên môn chuẩn bị họp với BTC Đại hội của Đà Nẵng (khoảng từ ngày 15-20/10), đồng thời trong thời gian tới Tiểu ban sẽ tiến hành họp thường xuyên 1 tháng 1 lần.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn nhấn mạnh: Tiểu ban Chuyên môn kỹ thuật là xương sống của BTC Đại hội, đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công chung của Đại hội. Qua đó, có thể đánh giá phong trào phát triển thể thao ở từng môn trên toàn quốc. Do vậy, Tiểu ban cần cố gắng xây dựng đội ngũ tổ chức điều hành một cách khách quan có thể bằng cách sử dụng lực lượng tốt nhất nếu thiếu thì huy động lực lượng từ Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng, mở các lớp bồi dưỡng trọng tài; đồng thời chủ động phối hợp với đơn vị đăng cai đặc biệt với Đà Nẵng - nơi diễn ra vòng chung kết Đại hội chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị... Tất cả vì sự thành công chung của Đại hội.
HX