Không thể kể hết được những nguyên nhân “đáng ghét” khiến chúng mình bị chấn thương. Những tai nạn xảy đến do những xáo trộn nội tạng, do mất nước; do tác động bên ngoài như va chạm, quật té; hoặc thậm chí chính là yếu tố căng thẳng thần kinh khi tham gia các trận đấu căng thẳng, quyết định v.v…
Chấn thương là việc thường với ngay cả một ngôi sao như Kobe.
1. Các chấn thương liên quan đến cơ bắp
Giãn cơ
Hiện tượng các sợi cơ bị kéo giãn quá mức cho phép. Bạn sẽ thấy đau điếng, nhưng không bị bầm máu, và vẫn có thể cử động nhẹ được. Việc đầu tiên của sơ cứu là chườm nước đá, sau đó thoa nhẹ thuốc mỡ pommade vào vùng bị tổn thương.
Căng cơ
Một vài sơi cơ đã bị đứt. Bạn thực sự đau nhiều và phải ngưng hoạt động. Sau một thời gian xuất hiện vết bầm. Cách trị liệu là: chườm đá trong vòng 2 ngày liên tục. Không được xoa bóp đâu nhé. Việc của bạn là nghỉ ngơi, và sau 15 ngày có thể xoa bóp rồi bắt đầu tái tập luyện nhẹ.
Rách cơ
Số sợi cơ bị đứt nhiều hơn khi căng cơ. Máu bầm xuất hiện nhanh hơn. Đau cũng nhiều hơn, có thể gây ngất xỉu. Chân/tay bị thương không thể cử động được. Bạn phải hoàn toàn bất động, cần đến gặp bác sĩ để chữa trị đúng đắn. Nếu không điều trị thích hợp có thể bị canxi hoá u máu. Sau khi 8 đến 10 tuần, bạn có thể trở lại tập luyện nhưng ở mức độ nhẹ nhàng thôi.
Cơ bị đứt hoàn toàn hay bị tách ra khỏi xương
Sau khi bị chấn thương, một lỗ trũng sẽ xuất hiện do cơ rút lại. Bạn bị mất khả năng cử động hoàn toàn nơi bị đau. Cách trị liệu: hoàn toàn bất động, và gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để may lại cơ hoặc gắn lại nó vào xương.
Bị chấn thương trong những trận đấu căng thẳng là điều đáng tiếc!
2. Các chấn động
Máu bầm
Thường gọi là vết bầm hay cục máu bầm, do máu thoát ra tụ dưới da. Vết thương không sưng, từ màu đỏ chuyển sang xanh và cuối cùng là màu vàng. Vết bầm dần biến mất sau 2 hoặc 3 tuần lễ. Cách chữa rất đơn giản là chườm đồ mát. Sau một thời gian, xoa bóp với mỡ pommade có chất arnica.
Sưng tụ máu
Triệu chứng là máu tập trung tại một điểm, một cục u xuất hiện tiếp đó (do đứt mạch máu). Bạn hãy bình tĩnh, chườm nước đá, dùng tay ấn vào cục u để làm tan việc xuất huyết và chặn dòng chảy, trong một vài trường hợp nghiêm trọng, cần phải đến phẫu thuật để châm chích rút máu.
Chườm đá và băng bó nhẹ vào chỗ chấn thương.
3. Các vấn đề khớp
Trật khớp
Do một động tác không ăn khớp, xương chệch ra khỏi ổ khớp. Chấn thương này sẽ dẫn đến chấn thương dây chằng, và tuỳ từng mức độ nghiêm trọng: chằng bị kéo dài, bị đứt một phần và sưng lên, nặng hơn cả là các dây chằng sẽ bị đứt hẳn hay tách ra khỏi đầu xương. Điều trị cũng không có gì khó khăn đâu, bạn chỉ cần chườm đá, nghỉ ngơi. Nhưng nếu ở mức độ nặng (sưng và đau nhiều) thì teen phải đến bác sĩ để chữa trị chuẩn xác hơn nhé. Một lưu ý nữa là bạn không được luyện tập trong ít nhất là 8-10 ngày đấy!
Những tình huống lật cổ chân rất dễ xảy ra như thế này!
Rã khớp
Đầu xương bung ra khỏi ổ khớp gây giãn hoặc rách các dây chằng và chấn thương cho khoang khớp. Bạn sẽ thấy cực kì đau, sưng vù tại chỗ, bầm tím, mất toàn bộ khả năng vận động chức năng.
Cách sơ cứu: chườm đá hay gạc lạnh (Salonship), băng nhẹ rồi đưa đến bệnh viện. Lưu ý là nghiêm cấm việc cố gắng nắn lại khớp nhé!
Ngoài ra, những tai nạn ảnh hưởng đến xương (như : viêm màng xương, viêm gân, xương bị tổn thương, bị dập xương, gãy xương…) là những tai nạn khá nghiêm trọng và nguy hiểm, các teen đừng chủ quan, cũng đừng có những phương án sơ cứu sai lầm đó! Đến bệnh viện, nghe theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa thực sự là cách chữa bệnh thông minh và chính xác nhất.
Đứt dây chằng trước.