Đồng loạt, từ những ngày giữa tháng 01/2006, tại các huyện Sông Cầu, Đồng Xuân, Sơn Hoà, Phú Hoà và thành phố Tuy Hoà đều tổ chức thi đấu vòng loại Cờ tướng, và chính thức thi đấu chung kết vào các ngày mùng 1, mùng 2 Tết. Nét hấp dẫn lôi cuốn được người xem của môn thi đấu trí tuệ truyền thống này là thi đấu Cờ người của Tuy Hoà. Đây là một hoạt động văn hoá cổ truyền độc đáo chỉ diễn ra trong dịp Tết Nguyên Đán, được khôi phục và phát triển trong những năm gần đây.
Cũng từ ngày mùng 01 cho đến hết ngày 04 Tết, các giải Bóng chuyền mừng Đảng, mừng xuân đã diễn ra sôi nổi tại các huyện trong tỉnh. Điều đáng quan tâm là các giải Bóng chuyền nói trên được các địa phương tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau, nên từ đó đã tạo khí thế vui tươi chung cho nhiều người. Đặc biệt, đối với giải Bóng chuyền của huyện Phú Hoà đã có sự tham gia đầy đủ của 29/29 thôn.
Tiếp đến từ ngày 05 - 07 Tết, (Phú Yên là một vùng đất có rất nhiều sông, hồ, đầm, vịnh...) các địa phương đã liên tiếp tổ chức các cuộc thi truyền thống như Đua thuyền, Đua ghe và Bơi lội, với một số giải Đua thuyền trên sông Ngân Sơn (Tuy An); giải Đua Ghe, Bơi lội trên Hồ Suối Bùn (Sơn Hoà); giải Đua thuyền, Bơi lội trên Hồ Sông Hinh (huyện Sông Hinh); Giải Đua thuyền rồng Sông Đà Tằng (TP Tuy Hoà); Giải Đua thuyền, Bơi lội ở Đầm Ô Loan (Tuy An). Hầu hết các giải Đua thuyền, ghe, Bơi lội đều thu hút rất đông các đơn vị tham gia, nổi bật nhất là giải Đua thuyền rồng Sông Đà Rằng đã có gần 650 VĐV của 18 đội Nam và 11 đội nữ tranh tài nội dung Đua thuyền rồng 24 người...
Đặc biệt, một hoạt động mang tính chất tiêu biểu cả về quy mô và hình thức nhất của những lễ hội, trò chơi dân gian trên sông nước tại Phú Yên trong những dịp xuân về, là lễ hội sông nước Tam Giang của huyện Sông Cầu, lễ hội được tổ chức trong suốt 02 ngày đêm, trong sự kết hợp hài hoà các hoạt động văn hoá, văn nghệ và thể thao. Lễ hội mang đậm một sắc thái riêng, chẳng những phản ảnh nét đặc sắc mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống mà còn gửi gắm tất cả những tâm tư, tình cảm của cả cộng đồng người dân ven biển. Với tiếng trống vang lên khai hội, những nhộn nhịp trong vui múa, hát ca, thư thái trong những trò giải trí... tất cả đều gợi lên niềm tin, sự thiết tha với cuộc sống yên bình.
Cuối cùng, với các hoạt động TDTT tổ chức chào đón xuân tại Phú Yên không thể không kể đến một hoạt động Thể thao truyền thống đặc sắc, thu hút không chỉ sự quan tâm của người dân Phú Yên mà kể cả những người dân của các vùng, các tỉnh bạn, đó là: Hội Đua Ngựa An Xuân, được tổ chức tại Gò Thì Thùng (huyện Tuy An) vào ngày 09 Tết
Mọi người đến xem Đua ngựa không chỉ thích thú chiêm ngưỡng các kỵ sỹ "Đầu trần, chân đất" cùng nhau thi tài trên lưng các chú Mã, mà ngày thường chúng phải giúp cho chủ thồ hàng ngược xuôi để cùng lo cho cuộc sống, mà khi đến nơi này mọi người còn được về thăm lại nơi di tích lịch sử của một thời hào hùng, oanh liệt năm xưa trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng căn cứ cách mạng, nơi các cơ quan chỉ huy đầu não của tỉnh Phú Yên trú đóng.
Được biết, hội Đua ngựa đã có truyền thống tổ chức từ rất lâu, (từ thời Nguyễn Huệ - Tây Sơn tụ nghĩa đuổi giặc ngoại xâm), được nhân dân địa phương và các vùng lân cận của Bình Định tổ chức hàng năm nhân dịp đón xuân về. Những năm trước đây việc tổ chức Đua ngựa chỉ do chính quyền xã Anh Xuân đứng ra tổ chức nên công tác chuẩn bị và quy mô nhỏ hẹp, có rất nhiều hạn chế. Năm 2006 đã được UBND tỉnh Phú Yên trực tiếp chỉ đạo cho ngành VHTT và ngành TDTT tỉnh phối hợp tổ chức hàng năm với quy mô cấp Tỉnh.
Tin tưởng rằng, với muôn sắc màu lễ hội, vì cuộc sống con người, được tất cả mọi người vun đắp, tạo dựng những hoạt động đón xuân ở Phú Yên sẽ mãi ghi vào lòng người để cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng giàu đẹp.
Nguyễn Trần Vỹ