SEAP Games và những ký ức hào hùng
Trước khi có tên chính thức là SEA Games (South - East Asian Games), sự kiện diễn ra 2 năm một lần này có tên là Đại hội thể thao Bán đảo Đông Nam Á (South - East Asian Peninsular Games - SEAP Games). Ngày 22/5/1958, một phái đoàn gồm những nước thuộc bán đảo Đông Nam Á tham dự Đại hội thể thao châu Á (Asian Games 3) ở Tokyo (Nhật Bản) đã có cuộc họp và đi đến thống nhất thành lập một tổ chức thể thao của riêng khu vực này. SEAP Games ra đời từ ý tưởng của ông Laung Sukhumnaipradit, người sau này từng được bổ nhiệm là phó chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan. Những quốc gia đồng sáng lập lúc đó gồm Thái Lan, Burma (giờ là Myanmar), Malaya (giờ là Malaysia), Lào, Việt Nam và Campuchia.
SEAP Games 1 được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) từ 12-17/12/1959 với sự tham dự của 527 VĐV thuộc các quốc gia Thái Lan, Burma (Myanmar), Malaysia, Singapore, Việt Nam và Lào, tranh tài ở 12 môn thể thao.
Việt Nam, nước chủ nhà của SEA Games 22 năm 2003 - Ảnh: Đức Cường
Tới năm 1975, SEAP Games 8 tiếp tục được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan (lần đăng cai thứ ba). Hai quốc gia là Indonesia và Philippines quan tâm đến Đại hội, đúng thời điểm Liên đoàn SEAP Games quyết định tạo ra một cú đột phá.
SEA Games ra đời
SEAP Games chính thức được đổi tên là SEA Games từ năm 1977. Lúc này, Đại hội có thêm hai thành viên mới là Indonesia và Philippines. SEA Games 1 diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) với ngôi Nhất toàn đoàn thuộc về Indonesia. Đặc biệt hơn, cũng ở ngay lần đầu tham dự SEA Games, Philippines cũng giành vị trí thứ Ba toàn đoàn (sau Thái Lan).
Tiếp đó, SEA Games thu nạp thêm Brunei kể từ Đại hội lần thứ 10 (Jakarta, Indonesia 1979). Quốc gia cuối cùng tham gia SEA Games chính là Đông Timor, tại SEA Games 22 năm 2003 tại Việt Nam.
Những kỷ lục đáng nhớ
Tính từ năm 1959, mới chỉ có kỳ Đại hội SEAP Games 3 tổ chức tại Campuchia bị hủy bỏ. Chính vì lý do này, mặc dù là thành viên sáng lập của phong trào SEAP Games, nhưng Campuchia vẫn chưa một lần đăng cai Đại hội này.
Thái Lan trở thành chủ nhà của một kỳ SEA Games có nhiều môn thể thao nhất. Với danh sách tổng cộng 44 môn thể thao từng xuất hiện tại SEAP Games và SEA Games, SEA Games 24 năm 2007 tại Nakhon Ratchasima (Thái Lan) là kỳ Đại hội có nhiều môn thi nhất, với 42 môn.
Tính tổng số huy chương trong cả các kỳ SEAP Games và SEA Games, Thái Lan đang dẫn đầu bảng với 1.692 HCV, 1.379 HCB, 1.359 HCĐ (tổng 4.430). Xếp thứ Nhì là Indonesia (1.377, 1.209, 1.178 - tổng 3.764) còn xếp Ba là Malaysia (900, 937, 1.243 - tổng 3.080)… Việt Nam xếp hạng 6 với 446, 424, 526 (tổng 1.396).
Thái Lan cũng là quốc gia xếp Nhất toàn đoàn nhiều nhất trong lịch sử SEAP Games (1959-1975) với 6 lần (2 lần Á quân), Myanmar 2 lần (Á quân một lần, hạng 3 một lần).
Còn tính từ kỳ SEA Games 1 (1977), Indonesia đang nắm giữ chức Quán quân về lần Nhất toàn đoàn. Quốc gia này 9 lần Nhất toàn đoàn, 2 lần Á quân, 3 lần hạng Ba. Kế đến là Thái Lan với 4 lần Nhất toàn đoàn, 9 lần Á quân, 3 lần hạng Ba. Malaysia, Philippines và Việt Nam đều đã một lần Nhất toàn đoàn. Việt Nam giành được ngôi vị này ở lần đầu tiên đăng cai SEA Games 22 năm 2003.
Thái Lan đang là quốc gia đăng cai nhiều kỳ SEAP Games và SEA Games nhất với 6 lần (1959, 1967, 1975, 1985, 1995, 2007). Còn Malaysia xếp Nhì với 5 lần (1965, 1971, 1977, 1989, 2001). Philippines xếp tiếp theo với 3 lần (1981, 1991, 2005); Indonesia (1979, 1987, 1997); Singapore (1973, 1983, 1993). Hai lần đăng cai có Myanmar (1961, 1969) còn một lần là Brunei (1999), Việt Nam (2003) và Lào (2009).
Theo luân phiên thì những kỳ SEA Games tiếp theo sẽ được đăng cai tại những quốc gia sau:
2011: Indonesia.
2013: Singapore.
2015: Malaysia.
2017: Brunei.
2019: Philippines.
2021: Campuchia.
2023: Việt Nam.