|
Ông Trần Đức Phấn - TTK Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (Ảnh: Thế Thiện) |
*Xin ông cho biết, kể từ sau Đại hội khóa V đến nay, bộ máy tổ chức cũng như quy chế hoạt động của Liên đoàn đã được cải tiến ra sao?
TTK Trần Đức Phấn: Đến nay công tác tổ chức và nhân sự của Liên đoàn đã được kiện toàn. Liên đoàn đã có sự phân công công việc cho Ban thường vụ, ủy viên Ban chấp hành, bổ nhiệm chức danh Phó Tổng thư ký là ông Nguyễn Huỳnh Điệp (UVBCHLĐBCVN, TTK LĐBCTPHCM), các Trưởng, Phó Ban; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng và kế toán trưởng... Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng và trình Chủ tịch Liên đoàn ký ban hành Quy chế họat động của Ban chấp hành; Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy chế làm việc của Văn phòng điều hành. Trong đó, Liên đoàn đã hoàn tất bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ LĐBCVN được Bộ Nội vụ phê duyệt trước đây; xây dựng bản quy định về chức năng, nhiệm vụ của các Ban thuộc Văn phòng điều hành.
* Ông có thể cho biết đôi nét về công tác tiếp thị, tài trợ và truyền thông?
TTK Trần Đức Phấn: Hiện Liên đoàn đã ký 02 hợp đồng với PV Oil cho giải VĐQG, và với PTSC cho các ĐTQG; hợp đồng tổ chức thi đấu giải Siêu Cúp PV – Đạm Phú Mỹ, hợp đồng với các địa phương đăng cai tổ chức giải VĐQG. Ngoài ra, các hợp đồng khác đang thương thảo và sẽ ký trong thời gian tới với các phía đối tác mới như: PVC, Molcasa, Nước khoáng Tiền Hải, Động Lực, Lyning...
Chúng tôi cũng đã làm việc với Công ty truyền thông Dầu khí về công tác tài trợ cho giải Vô địch nữ Châu Á vào tháng 9 – 2009 tại Hà Nội và ký hợp đồng với Tập đoàn Thăng Long để thực hiện quyền lợi cho các Nhà tài trợ với tư cách là Công ty truyền thông của Liên đoàn.
* Ông đánh giá như thế nào về hệ thống thi đấu lâu nay và sắp tới nó sẽ được cải tiến theo hướng nào cho phù hợp với xu thế phát triển của Bóng chuyền Việt Nam?
TTK Trần Đức Phấn: Sau Đại hội LĐBCVN nhiệm kỳ V vào giữa tháng 12/2008, hệ thống thi đấu Bóng chuyền hiện vẫn chưa thay đổi so với trước, bởi trước khi đại hội diễn ra, Tổng cục TDTT đã ban hành lịch thi đấu năm 2009. Do vậy, chúng tôi đã dự thảo hệ thống thi đấu mới theo hướng tăng mạnh số giải thi đấu trong nước và các giải quốc tế tại Việt Nam để các đội bóng lớn, nhỏ đều có cơ hội thi đấu, cọ xát nhiều hơn. Dự kiến, hệ thống thi đấu này sẽ được đưa ra thảo luận để đi đến thống nhất tại cuộc Hội thảo Bóng chuyền toàn quốc năm 2009, sẽ diễn tại Trung tâm Thể thao Quốc phòng II – Quân khu 7 (TPHCM).
* Thế còn “lượng” và “chất” của đội ngũ giám sát, Trọng tài?.
TTK Trần Đức Phấn: Để củng cố về mặt tổ chức, cuộc họp Thường vụ BCH Liên đoàn vào đầu tháng 7 tại Hà Nội đã thống nhất nhiều vấn đề hệ trọng, trong đó có việc thành lập 02 Hội đồng: Huấn luyện viên và Trọng tài Bóng chuyền quốc gia. Các Hội đồng sẽ có nhiệm vụ tư vấn cho các Ban chuyên trách của Liên đoàn về công tác Huấn luyện, đào tạo, Thi đấu, Trọng tài.
Và ngay trong lớp tập huấn giám sát, Trọng tài do LĐBCVN tổ chức bên lề VCK giải VĐQG PV Oil 2009 (từ 23 - 25/7), chúng tôi đã thông qua dự thảo Quy chế Hội đồng Trọng tài Bóng chuyền quốc gia và đề cử danh sách gồm 12 người có đủ năng lực chuyên môn, uy tín, đạo đức nghề nghiệp để bầu chọn ra 5 người vào Hội đồng.
Ngoài 4 Trọng tài Bóng chuyền quốc tế, 19 Trọng tài cấp quốc gia và khoảng trên 50 Trọng tài cấp 1 trở xuống, LĐBCVN đã có kế hoạch đào tạo mới để đủ sức đảm đương nhiệm vụ, đặc biệt đã cử 02 Trọng tài cấp quốc gia tham dự khóa đào tạo Trọng tài dự bị quốc tế tại Thái Lan từ 22 - 30/5. Kết quả cả hai đã đạt yêu cầu của khoá học.
* Sau gần 5 năm thực hiện "Quy định chuyển nhượng VĐV Bóng chuyền", LĐBCVN rút ra được điều gì trong việc hoàn thiện bản quy định này? và việc sửa đổi sẽ dựa trên nguyên tắc nào?
TTK Trần Đức Phấn: Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban chấp hành LĐBCVN nhiệm kỳ V cần phải tập trung giải quyết. Hiện chúng tôi cũng đã dự thảo xong và đây cũng là một trong những nội dung sẽ được đưa vào chương trình thảo luận tại Hội thảo Bóng chuyền toàn quốc năm 2009. LĐBCVN sẽ không thể tự đưa ra các quy định trái với pháp luật và các quy chế, quy định hiện hành của ngành. Tuy nhiên, một mặt chúng tôi sẽ tham khảo các vấn đề đã được thực tế kiểm nghệm của các Liên đoàn khác có nhiều kinh nghiệm như LĐBĐVN chẳng hạn, mặt khác là tìm hướng đi thích hợp cho BCVN trong khuôn khổ luật định. Biết đâu những kết quả bước đầu này sẽ là bài học kinh nghiệm giúp cho Tổng cục TDTT điều chỉnh, bổ sung Quy chế đã ban hành năm 1997 cho phù hợp với thức tế phát triển của TTVN trong giai đoạn mới.
* Theo nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ V, công tác đào tạo VĐV trẻ sẽ được đặc biệt chú trọng. Ông có thể phác họa vài mô hình?
TTK Trần Đức Phấn: Chúng tôi luôn xác định việc đào tạo lực lượng trẻ là mối quan tâm hàng đầu trong giai đoạn hiện nay nếu muốn không tụt hậu xa so với Bóng chuyền khu vực và quốc tế. Để thực hiện được điều đó, Liên đoàn đã và đang kết hợp với các Trung tâm HLTTQG: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số địa phương khác để mở các lớp huấn luyện cầu thủ Bóng chuyền trẻ trong nhà và bãi biển. Trên cơ sở đó sẽ sàng lọc và có kế hoạch tập trung đội tuyển trẻ quốc gia, mời chuyên gia huấn luyện, cử đi thi đấu quốc tế để từng bước nâng chất cho tuyến kế thừa của BCVN.
* SEA Games 25 đang đến gần, các ĐTQG Bóng chuyền trong nhà và BCBB đã có sự chuẩn bị như thế nào cho sự kiện này?
TTK Trần Đức Phấn: Ngay sau vòng II giải VĐQG PV Oil, các đội tuyển dự kiến sẽ tập trung từ ngày 05/8 - 30/12. Cụ thể, Bóng chuyền trong nhà tập huấn tại Hà Nội, Bóng chuyền bãi biển tại TPHCM. Và tại SEA Games lần này, Bóng chuyền Việt Nam cũng sẽ nỗ lực hết sức để giành thành tích cao nhất có thể.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Thanh Tùng