Điền kinh là môn thể thao xuất hiện tại các kỳ đại hội thể thao tầm cỡ thế giới, châu lục đến khu vực và được coi là môn thể thao nữ hoàng. Tại khu vực Đông Nam Á, đấu trường SEA Games là đại hội thể thao lớn và uy tín nhất. Điền kinh cũng đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc theo thời gian.
Dưới đây là 3 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá mạnh nhất ở môn điền kinh tại đấu trường SEA Games.
1. Thái Lan
Thái Lan dẫn đầu danh sách này không chỉ là quốc gia mạnh nhất về điền kinh, mà còn toàn diện về cả nền thể thao. Bắt đầu tính từ đại hội thể thao Đông Nam Á đầu tiên mang tên SEAP Games 1959 cho đến kỳ SEA Games gần nhất (lần thứ 30 tại Philippines năm 2019), Thái Lan đã dẫn đầu bảng xếp hạng toàn đoàn lẫn môn điền kinh nhiều nhất.
Để thống kê mang tính khái quát và cụ thể nhất, chúng tôi bắt đầu tính từ kỳ SEA Games đầu tiên của thế kỷ 21 tại Malaysia năm 2001. Ở kỳ SEA Games lần thứ 21 này, Thái Lan tiếp tục nối dài chuỗi thống trị ở bảng vàng điền kinh. Các VĐV xứ chùa vàng giành tới 41 huy chương, trong đó có tới 22 HCV, 8 HCB, 11 HCĐ để xếp trên hai quốc gia khác là Philippines (8, 11, 4) và Malaysia (8, 5, 9).
Năm đó, điền kinh Việt Nam mới chỉ xếp hạng 5/7 quốc gia đoạt huy chương với thành tích chỉ vỏn vẹn 3 HCV, 4 HCB và 10 HCĐ.
Kể từ SEA Games 2001 đến tận SEA Games 2015 (Singapore), Thái Lan đã dẫn đầu toàn đoàn về môn điền kinh một cách tuyệt đối.
2. Việt Nam
Kể từ 3 HCV tại kỳ SEA Games 2001, điền kinh Việt Nam bắt đầu có sự bứt phá mạnh mẽ. Ở SEA Games 22 tổ chức tại Hà Nội năm 2003, điền kinh Việt Nam đã giành được 8 HCV, 15 HCB, 8 HCĐ để xếp nhì toàn đoàn, chỉ kém Thái Lan (13, 14, 12).
Ở những kỳ SEA Games sau đó, điền kinh Việt Nam thường giành 8-10 HCV để duy trì vị trí thứ hai toàn đoàn sau Thái Lan.
Nhưng bắt đầu từ SEA Games 2017 tại Malaysia, điền kinh Việt Nam đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục để xếp nhất toàn đoàn trong hai kỳ SEA Games liên tiếp.
Tại Malaysia, điền kinh Việt Nam giành 17 HCV, 11 HCB, 6 HCĐ để lần đầu tiên vượt mặt Thái Lan, quốc gia giành 9 HCV, 13 HCB, 11 HCĐ. Điền kinh Việt Nam sở hữu các VĐV tài năng và giành nhiều HCV như: Lê Tú Chinh (100m, 200m nữ), Nguyễn Thị Oanh (1500m, 5000m nữ), Dương Văn Thái (800m, 1500m nam)…
Còn ở kỳ SEA Games gần nhất lần thứ 30 tại Philippines cuối năm 2019, điền kinh Việt Nam một lần nữa vô đối với 16 HCV, 12 HCB, 10 HCĐ để xếp trên Thái Lan (12, 11, 12).
Tại SEA Games 31 sắp tới tổ chức ở Hà Nội vào tháng 5/2022, điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 17 HCV trở lên để bảo vệ ngôi nhất toàn đoàn.
3. Philippines
Điền kinh Philippines gần đây nổi lên là một thế lực mới với chủ trương nhập tịch hàng loạt VĐV gốc Mỹ. Sở trường của điền kinh Philippines là những nội dung: nhảy sào (nam, nữ), chạy 400m rào nam, chạy 200m nữ, chạy 110m rào nam, ném lao nam hay 10 môn phối hợp nam.
Philippines thường xếp hạng 3-5 toàn đoàn ở môn điền kinh các kỳ SEA Games gần đây và số lượng HCV dao động từ 8-11 tấm.
Cùng với Malaysia và Indonesia, điền kinh Philippines thay nhau hoán đổi các vị trí 3-5 toàn đoàn. Ở vài kỳ SEA Games gần đây, Thái Lan cũng bắt đầu nhập tịch nhiều VĐV điền kinh ngoại có sở trường ở các nội dung như: 1500m, 5000m nam hay marathon nam… để cạnh tranh thứ hạng với các quốc gia còn lại.
Ở kỳ SEA Games 31 tại Việt Nam năm tới, điền kinh vẫn là môn chủ lực với nhiều nội dung nhất (47) và hứa hẹn là cuộc cạnh tranh khốc liệt của các đoàn kể trên.
SEA Games 31 diễn ra từ 12-23/5/2022 với 40 môn thể thao, 525 nội dung, được tổ chức chủ yếu tại Hà Nội và 11 tỉnh lân cận. Điền kinh diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) với 47 bộ huy chương, ít hơn một nội dung so với SEA Games 30.