|
Ông Ngô Văn Nam - Phó Giám đốc kênh VTC3, Trưởng ban tổ chức sản xuất truyền hình game show Trạng Cờ Qúy Tỵ 2013 (Ảnh: Thuỳ Anh) |
Để NHM có thể hiểu rõ hơn về quá trình tổ chức sản xuất truyền hình game show Trạng Cờ Qúy Tỵ 2013, Trang tin Điện tử TDTT Việt Nam – Tổng cục TDTT đã có buổi phỏng vấn ông Ngô Văn Nam - Phó Giám đốc kênh VTC3, Trưởng ban tổ chức sản xuất truyền hình game show Trạng Cờ Qúy Tỵ 2013.
PV: Thưa ông, xuất phát từ đâu mà Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC lại tung ra game show Trạng Cờ Qúy Tỵ ? Tôi có thể ví đó như một món rau xanh trên bàn tiệc đầy sơn hào hải vị của truyền hình thực tế hiện nay?
Nếu chú ý bạn sẽ thấy, ở một quốc gia có nền công nghiệp âm nhạc phát triển, mỗi năm cũng chỉ có từ 1 – 3 chương trình được tổ chức. Trong khi đó ở Việt Nam, chỉ riêng các game show dành cho âm nhạc kể ra cũng phải đến hàng chục, nào là: The voice, Việt Nam Idol, Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam’s Got Talent, Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn… rồi các chương trình khác về thời trang, khiêu vũ, nấu ăn… mà chưa có chương trình nào về thể thao. Chính vì thế, sau một thời gian ấp ủ, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC rất muốn có một chương trình mới, lạ, không “đụng hàng”, khẳng định được năng lực sản xuất bằng format thuần Việt, gắn liền với đời sống của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Ý tưởng được xây dựng từ ván cờ giữa tôi và một người bạn vào những ngày đầu Xuân Qúy Tỵ. Trong cái không khí ấm cúng của hoa đào, bánh trưng, chúng tôi đã cùng uống trà, thi đấu và luận bàn về cờ, giác ngộ những tinh hoa, ảo diệu của môn thể thao trí tuệ này.
Là một môn thể thao dân giã, đi sâu vào từng ngõ ngách đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Bạn có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào và ở mọi độ tuổi khác nhau; họ chơi Cờ Tướng một cách say mê, vui vẻ và đầy sảng khoái. Nếu ví game show Trạng Cờ Qúy Tỵ 2013 là một món rau xanh trên bàn tiệc đầy sơn hào hải vị của truyền hình thời điểm này cũng có cái đúng. Bởi, không chỉ chi phí dành cho việc mua bản quyền format đã không mất, mà nhiều hạng mục đi kèm (đạo cụ, âm nhạc, trang phục, hóa trang…) cũng không đáng là bao so với các game show khác. Cùng với đó, thí sinh của cuộc thi đều là những gương mặt mới trình làng, chưa từng xuất hiện ở một game show nào cũng là điều khiến khán giả hết sức thú vị.
Sau 8 lần phát sóng, sự đón nhận của công chúng cũng như những phản hồi tích cực mà Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC nhận được cho thấy, Trạng Cờ Qúy Tỵ 2013 đã tạo được dấu ấn riêng, sức hút riêng, khẳng định một điều - chỉ có cách sáng tạo để có được những chương trình chất lượng một cách thực sự, không dựa vào hiệu ứng chiêu trò scandal mới là cách giúp các chương trình không bị đào thải.
PV: Tôi thấy cách bài trí sân khấu, về trang phục, tiên nữ, về bình thuật trực tiếp và đặc biệt là hệ thống tương tác với khán giả qua cách nhắn tin rất thú vị, ông có cảm nhận như thế nào về điều này?
Một hình thức thi đấu cờ không hề mới mà lại có nhiều điểm lạ, độc đáo đã lần đầu tiên xuất hiện tại Trạng Cờ Qúy Tỵ 2013. Bài toán khiến Ban tổ chức đau đầu ngay khi chắp bút viết chương trình chính là sự tĩnh lặng của môn thể thao này. Khác biệt hoàn toàn với các môn thể thao khác, mọi người hò reo, cổ vũ, thi đấu, sự di chuyển của người chơi, các kỹ chiến thuật, bản lĩnh thi đấu… đều được phô bày một cách rõ nét và sinh động thì Cờ Tướng chỉ được thể hiện qua các nước đi. Mọi tính toán, vận động trí óc dù diễn ra một cánh mạnh mẽ nhưng chỉ trong suy nghĩ khó có thể nhận biết qua vẻ bên ngoài. Các kỳ thủ thi đấu trên 1 bàn cờ với 32 quân, không di chuyển, chỉ ngồi một chỗ và đọc khẩu lệnh. Trong cái tĩnh lại có cái động, nhưng cái động ấy lại không thể truyền tải bằng trực giác - Những người làm truyền hình rất sợ điều này.
Vậy, làm thế nào để triệt tiêu cái tĩnh lặng đó mà khiến khán giả không cảm thấy nhàm chán trong 25 phút thi đấu của mỗi kỳ thủ là câu hỏi đặt ra cho chúng tôi. Cuối cùng với sự trợ giúp của nhiều chuyên gia thể thao, các nhà văn học, những người làm truyền hình lâu năm, chúng tôi đã xây dựng được khung cảnh thơ mộng, bắt mắt với chốn bồng lai của sông núi Ninh Bình, của hoa sen ngan ngát hương thơm, trên bến thủy đình du dương tiếng nhạc hội hè đậm chất dân gian Việt Nam, chỉ có hai người đấu cờ, một vị trọng tài và 2 tiên nữ đi quân xinh đẹp.
Cùng với đó, bên cạnh những lời bình chú sắc sảo về chuyên môn, nét văn hóa chơi cờ, lịch sử phát triển Cờ Tướng Việt Nam và những câu chuyện thú vị xung quanh bàn cờ cũng được truyền tải tới người xem một cách thú vị; hệ thống tương tác nhắn tin ủng hộ và dự đoán trúng thưởng đã thu hút đông đảo người xem, tạo hiệu ứng đặc biệt mà từ trước đến nay chưa một giải đấu thể thao nào làm được.
PV: Dưới góc độ truyền hình, ông có cái nhìn như thế nào về công tác tuyên truyền, phát triển thể thao sâu rộng tới quần chúng nhân dân?
Truyền hình nói riêng và truyền thông nói chung là phương tiện quảng bá hình ảnh, là một sức mạnh mềm giúp lan tỏa mạnh mẽ ảnh hưởng của một vấn đề, của một con người, một chương trình hay của một môn thể thao tới toàn thế giới. Điều này tôi không cần nói chắc chắn bạn đã hiểu.
Không phải ai cũng biết chơi Cờ, không phải ai cũng có thể đánh Cầu lông hay Đá bóng đúng kỹ thuật nhưng hầu như mọi người dân Việt Nam đều biết rằng có một môn thể thao như thế tồn tại. Trạng Cờ Qúy Tỵ 2013 chỉ góp phần làm mới môn Cờ Tướng, như phối nhạc cho một bài hát đã xưa để người chơi, người xem cảm nhận được cái hay, cái tinh hoa, uyên thâm của Cờ mà bấy lâu nay ta ít để ý tới.
Một bạn trẻ tại Đồng Nai, Tây Ninh biết đến Kỳ vương đất Bắc – Phạm Quốc Hương, một Bác sỹ tài ba yêu Cờ Tướng – Trần Cẩm Long hay một Ngọc Mai Động, hùng cứ một vùng Hà Nội… Với truyền hình, mọi người biết đến Cờ Tướng, nói đến Cờ Tướng như biết rõ về nó từ lâu. Và đó chính là cái cách mà Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC muốn đem Cờ Tướng đến cho mọi nhà, hướng đến mục tiêu xã hội hóa truyền hình trong lĩnh vực thể dục thể thao.
Trong bối cảnh truyền thông ngày càng bùng nổ, thể thao Việt Nam cũng hội nhập cùng thế giới, việc phát triển thể thao sâu rộng tới đông đảo quần chúng nhân dân là bước đi không thể thiếu trong tiến trình đó. Nhưng việc áp dụng, chuyển đổi linh hoạt nó như thế nào để thể thao ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người, thấy được lợi ích của TDTT là cả một nghệ thuật và không chỉ truyền hình mà tất cả các phương tiện truyền thông khác cũng cần lưu tâm tới.
PV: Câu cuối xin được hỏi, ông thích nhất giai đoạn nào của một ván cờ? Và nếu giành quyền đi Tiên, ông sẽ sử dụng lối chơi nào?
Tôi thích nhất giai đoạn khai cuộc, bởi đó là những nước đi đầu tiên đặt nền móng cho một ván đấu, cũng như quyết định lối chơi, sự bại – thành của bạn trong cả trận. Thông thường, khi được cầm Tiên, tôi hay chơi Thuận Pháo. Và nhân vật lịch sử thường truyền cảm hứng cho tôi chính là Hồ Chủ tịch:
“...Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ
Kiên quyết không ngừng thế tấn công
Lạc nước hai Xe đành bỏ phí
Gặp thời một Tốt cũng thành công...”
Thịnh Hường