Khoa học và công nghệ là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của thể thao hiện đại. Trong hành trình phát triển thể thao hiện đại, sự kết nối giữa thể thao và khoa học được nhận thức rõ. Từ những phương pháp đào tạo cho tới những trang thiết bị tập luyện cũng như các công tác y tế, khoa học thể thao đang là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích thi đấu của các vận động viên.
Nếu không bắt kịp xu hướng, việc đến với đấu trường thế giới và Olympic sẽ trở nên bất khả thi.
Quyết tâm nhưng chưa Quyết liệt
Trong những năm gần đây thể thao Việt Nam đã quan tâm đầu tư công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trong thể thao. Viện Khoa học TDTT hàng năm đều có nhiều đề tài cấp bộ được phê duyệt, thực hiện nghiên cứu, đa số bám chặt đề tài Định hướng tuyển chọn VĐV cấp cao, đưa ra nhiều chỉ số chính xác để công tác tuyển chọn các VĐV từ tuyến năng khiếu đã đạt chất lượng chuẩn, thay vì kinh nghiệm hay những chỉ số cơ bản.
Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đào tạo, nâng cao thành tích cho vận động viên vẫn còn nhiều hạn chế.
Nhận rõ về sự quan trọng của khoa học công nghệ trong thể thao, Bộ VHTTDL đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ở cả 3 lĩnh vực Văn hoá, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn 2030. Thể hiện sự quyết tâm đầu tư nhiều hơn nữa về cả nguồn ngân sách, nhân lực cho việc phát triển khoa học công nghệ áp dụng trong thể thao.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có kết quả rõ ràng.
Các địa phương, liên đoàn, hiệp hội vào cuộc chơi “công nghệ” thiếu đi sự định hướng, nên thiếu đồng bộ.
Những địa phương đi đầu xu hướng
Những địa phương đi tiên phong, quyết tâm áp dụng khoa học, công nghệ vào thể thao nhất hiện nay có thể kể đến Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, và đặc biệt là Ninh Bình…
Từ năm 2015, căn cứ vào Chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Bộ VHTTDL, nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực thể thao, lãnh đạo ngành thể thao Ninh Bình đã cấp kinh phí để Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình ứng dụng các phần mềm công nghệ vào công tác huấn luyện và đào tạo tại đơn vị nhằm từng bước nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khoẻ đối với vận động viên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, đào tạo huấn luyện vận động viên, công tác tuyển chọn cũng như trong công tác phòng, chống doping phục vụ công tác thể thao đạt chuẩn quốc tế. Đó là những việc làm cấp thiết nhằm đưa thể thao Ninh Bình tiến xa hơn trên con đường hội nhập.
Cụ thể như trong môn Bóng chuyền, đội Bóng chuyền Tràng An Ninh Bình đã sử dụng các phần mềm chuyên dụng như phần mềm thống kê số liệu các chỉ số: đập bóng, chắn bóng, đỡ bước một, ghi điểm,... của từng vận động viên trong các trận đấu qua đó thống kê được các số liệu chuyên môn mà các huấn luyện viên sẽ dựa vào đó để áp dụng các bài tập giúp hoàn thiện và nâng cao kỹ thuật, chiến thuật cho từng vận động viên trong đội.
Ngoài ra các vận động viên còn được tham gia các cuộc họp kỹ thuật, xem các video hình ảnh, các trận thi đấu có chất lượng chuyên môn cao hay các trận thi đấu của chính bản thân để có thể rút kinh nghiệm thực tế và ngày càng hoàn thiện kỹ thuật, chiến thuật của bản thân.
Qua đó quản lý được đầy đủ thông tin của các vận động viên từ khi tạm tuyển cho tới khi trở thành vận động viên chuyên nghiệp tham gia đội tuyển Quốc gia. Tất cả các thông tin của mỗi vận động viên đều được thường xuyên cập nhật và sử dụng trong công tác huấn luyện đào tạo.
Với việc vận dụng linh hoạt các phương pháp khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác huấn luyện, đào tạo, thành tích thi đấu của đội Bóng chuyền Tràng An có các bước đột phá rõ rệt trong thời gian qua: Năm 2017 đạt HCĐ giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia, giải khuyến khích Cup Hùng Vương; năm 2018 đạt HCB Đại hội TDTT toàn quốc, HCĐ giải Bóng chuyền vô địch quốc gia, vô địch Cup Hùng Vương, á quân giải Bóng chuyền Cúp PV Đạm Cà Mau; năm 2019 đạt HCĐ giải Bóng chuyền vô địch quốc gia, vô địch Cup Hoa Lư; năm 2020 đạt HCĐ giải Bóng chuyền vô địch quốc gia, vô địch Cup Hoa Lư.
Từ những thành tích đã đạt được trong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng khoa học, công nghệ trong công tác huấn luyện, đào tạo không chỉ riêng cho đội Bóng chuyền Tràng An Ninh Bình mà còn cho vận động viên các môn khác.
Mạnh tay hơn, đó là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, lập đoàn khảo sát tới tỉnh Quảng Tây và thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) trao đổi kinh nghiệm, học tập mô hình quản lý, đào tạo thể thao thành tích cao với trọng điểm là Trung tâm tập luyện Giang Nam. Đây là nơi chuyên về huấn luyện, đào tạo 30 môn thể thao thành tích cao cho tỉnh Quảng Tây cũng như đội tuyển quốc gia Trung Quốc. Trung tâm này đã đào tạo được 6 vận động viên Vô địch Olympic (các môn Thể dục, Cử tạ, Bóng bàn, Nhảy cầu…); 66 vận động viên Vô địch Thế giới (các môn Thể dục, Nhảy cầu, Cử tạ, Bóng bàn, Bắn cung, Cầu lông, Lặn, Wushu, Điền kinh, Bơi, Vật …); 58 vận động viên Vô địch châu Á (các môn Nhảy cầu, Bóng bàn, Thể dục nghệ thuật, Bóng nước, Bóng ném, Điền kinh, Bắn cung, Cầu lông, Cử tạ, Wushu…)…
Trung tâm này bao gồm 6 khu vệ tinh gồm: Trung tâm thể thao dưới nước, Trung tâm các môn bóng, Trung tâm thể chất, Trung tâm Thể thao thành tích cao, Trung tâm Điền kinh, Trung tâm Cử tạ trên tổng diện tích khoảng 360.000m2, phục vụ công tác chăm sóc, đào tạo, huấn luyện cho 1.500 vận động viên.
Theo đó, Hà Nội sẽ nhận được sự chuyển giao công nghệ từ công tác tuyển chọn, chế độ dinh dưỡng, công tác khám, điều trị chấn thương cho vận động viên; về công tác phòng chống Doping và chất cấm trong hoạt động TDTT. Các HLV của Trung tâm cũng sẽ sang Hà Nội để làm chuyên gia, huấn luyện cho đội tuyển các môn thể thao.
Hồng Hoa