Chủ trương, kế hoạch tuyển chọn VĐV trẻ đầu tư trọng điểm hướng đến sân chơi ASIAD 18 và Olympic của Tổng cục TDTT được xem là một trong những nhiệm vụ tiên quyết của ngành Thể thao Việt Nam trong những năm tiếp theo. Phóng viên Trang tin điện tử TDTT Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Chí Quân – Giám đốc TTHLTTG Cần Thơ để hiểu thêm về quá trình Trung tâm HLTTQG Cần Thơ đã và đang tích cực triển khai thực hiện chủ trương này.
Trước chủ trương và kế hoạch tuyển chọn VĐV trẻ đầu tư trọng điểm nhằm phục vụ cho những kế hoạch dài hơi của ngành, TTHLTTQG Cần Thơ đã có những động thái gì thưa ông?
Có thể khẳng định rằng, đây là một trong những chủ trương lớn nằm trong chiến lược phát triển Thể thao thành tích cao của ngành Thể thao. Điều này sẽ tạo nên “cú híc” nhằm thay đổi diện mạo của Thể thao Việt Nam trong tương lai.
Để hướng ứng và thực hiện một cách hiệu quả nhất, Trung tâm HLTTQG Cần Thơ đã tiến hành tổ chức các đợt tuyển chọn VĐV trẻ của 13 tỉnh, thành thuộc khu vực ĐBSCL. Trung tâm đã bắt đầu khởi động chương trình tuyển chọn từ ngày 28 – 30/05 với 9 môn Thể thao, trong đó có những môn nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic và cũng có những môn thế mạnh của vùng ĐBSCL gồm: Bắn cung, Cử tạ, Điền kinh, Billiards, Bóng chuyền bãi biển nữ, Cầu mây nữ, Boxing nữ, Xe đạp địa hình (nam, nữ) và Đua thuyền Canoeing.
Mặc dù, thời gian tuyển chọn khá ngắn (3 ngày) nhưng kết quả thu lại rất tốt, đảm bảo đúng kế hoạch ban đầu đề ra.
Ông có thể cho biết rõ hơn về chương trình tuyển chọn này, thưa ông?
Trong đợt tuyển chọn có hơn 1.000 em tham dự với tuổi đời còn rất trẻ từ 8 – 12 tuổi. Hầu hết các cháu hiện đang tập luyện và sinh hoạt trong các CLB TDTT tại địa phương nằm trong khu vực ĐBSCL.
Một điều đặc biệt, trong đợt tuyển chọn này là Hội đồng tuyển chọn không đặt yếu tố thành tích lên hàng đầu mà thay vào đó là các tiêu chuẩn cơ bản về hình thái, tình trạng sức khỏe và một số nội dung tương ứng với đặc trưng của từng môn (kỹ thuật, vận động…) của từng em.
Con số trúng tuyển lần đầu sẽ được Hội đồng tuyển chọn cân nhắc nhưng sẽ không quá 200 VĐV. Sau đó, các thí sinh sẽ được Trung tâm HLTTQG Cần Thơ triệu tập, tập huấn thử nghiệm trong vòng 1 tháng tại Trung tâm HLTTQG Cần Thơ để tìm ra những gương mặt VĐV ưu tú nhất chính thức đưa vào chương trình đào tạo VĐV trọng điểm.
Chương trình tuyển chọn được tiến hành theo từng môn và dự kiến mỗi môn sẽ tổ chức tuyển chọn trong vòng từ 2 – 3 năm. Mỗi năm, sẽ có 2 đợt tuyển cũng tương ứng với 2 đợt đào thải VĐV (các VĐV sau thời gian tập luyện không đảm bảo chuyên môn sẽ được gửi trở về địa phương), đợt 1 bắt đầu từ cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 khi các VĐV kết thúc chương trình học văn hóa của năm học và đợt 2 vào tháng 8 trước khi các cháu chính thức bước vào năm học mới.
Được biết, kinh phí dành cho đào tạo các VĐV trọng điểm hiện vẫn chưa có, vậy kinh phí dành cho cuộc sàng lọc tiếp theo này sẽ được lấy từ đâu?
Toàn bộ kinh phí trong khoảng thời gian này sẽ do địa phương – nơi có VĐV trúng tuyển chịu trách nhiệm. Đây chính là chủ trương nhà nước và địa phương cùng làm đang được ngành ủng hộ và khuyến khích. Với quan điểm cá nhân, tôi đánh giá rất cao về chủ trương này, nhằm giảm áp lực cũng như kinh phí cho khối cơ quan quản lý cấp trung ương và mọi người sẽ chủ động hơn trong công tác phát hiện tài năng và huấn luyện VĐV của mỗi địa phương, từ đó sẽ mang lại hiệu quả cao.
Để đảm bảo sự công tâm cũng như độ chính xác của các đợt tuyển chọn VĐV trẻ, Trung tâm HLTTQG Cần Thơ đã có những cách làm nào mới?
Về điều này, Trung tâm HLTTQG Cần Thơ đã thành lập Hội đồng tuyển chọn, các thành viên trong Hội đồng đều là những chuyên gia có chuyên môn tốt và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực TDTT. Đặc biệt, ở một số môn Thể thao Oympic như: Cử tạ, Điền kinh … Trung tâm có mời thêm các chuyên gia huấn luyện từ đội tuyển quốc gia – Trung tâm HLTTQG Tp. Hồ Chí Minh tham gia hỗ trợ công tác tuyển chọn.
Công tác tuyển chọn được Trung tâm HLTTQG Cần Thơ tổ chức khoa học và thực thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Tổng cục TDTT đặt ra trong việc tìm kiếm tài năng trẻ cho Thể thao Việt Nam.
Qua đợt tuyển chọn này, ông có đánh giá gì về chất lượng các VĐV dự tuyển, cũng như công tác phát triển Thể thao thành tích cao tại khu vực ĐBSCL.
Một điều đáng mừng là đợt tuyển chọn này đã thu hút đông đảo các VĐV trẻ đến từ khắp các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, với không khí sôi nổi, dường như những ngày tuyển chọn trở thành ngày Hội thể thao vậy. Điều đó, góp phần khẳng định Thể thao luôn được quần chúng nhân dân quan tâm.
Các thí sinh dự tuyển ở vòng này đã được địa phương chọn lọc kỹ mới cử đi dự tuyển, do đó chất lượng tuyển chọn VĐV khá cao. Hội đồng tuyển chọn đã phát hiện ra nhiều thí sinh có chỉ số hình thể và tố chất tốt, nếu được đào tạo, huấn luyện và đầu tư phù hợp chắc chắn trong số đó sẽ có những em tỏa sáng tại các sân chơi mang tầm châu lục, thế giới.
ĐBSCL là khu vực có tiềm năng rất lớn về TDTT, tuy nhiên một số môn Thể thao của Olympic ở nhiều tỉnh chưa được coi trọng và đầu tư phát triển mạnh. Chính vì vậy, việc tổ chức chương trình tuyển chọn VĐV trẻ cần đầu tư trọng điểm là việc làm thiết yếu, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở khu vực ĐBSCL hiện nay.
Mặc dù, thể thao thành tích cao của ĐBSCL trong những năm qua đã tạo được những dấu ấn về thành tích, song những thành tích đó đều ghi nhận từ những môn Thể thao thế mạnh của vùng như Đua thuyền, Xe đạp... sự phát triển có thể nói là chưa đồng đều và sát với định hướng phát triển thành tích cao của ngành.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
N. Hương ghi