TTHLTTQG Đà Nẵng là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục TDTT, mới được tách ra từ trường Đại học TDTT Đà Nẵng và trở thành một đơn vị độc lập, với chức năng và nhiệm vụ chính của Trung tâm là huấn luyện các VĐV quốc gia và VĐV trẻ miền Nam trung bộ. Sau 15 năm xây dựng và trưởng thành, TTHLTTQG Đà Nẵng đã có nhiều cống hiến, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp TDTT nước nhà. Nhân dịp này, phóng viên Trang tin Thể dục, Thể thao Việt Nam đã có dịp trò chuyện với ông Lê Hồng Sơn - Phó Giám đốc TTHLTTQG Đà Nẵng.
Thưa ông! 15 năm xây dựng và trưởng thành đối với một đơn vị sự nghiệp là quãng thời gian chưa phải là quá dài song cũng không quá ngắn để tạo được những dấu ấn về thành tích, Năm 2008 được biết Trung tâm đã có quyết định tách ra từ trường Đại học TDTT Đà Nẵng. Ông có thể cho biết đôi điều về vấn đề này.
15 năm xây dựng là 15 năm cống hiến cả về nhân lực và tài lực của TTHLTTQG Đà Nẵng đối với ngành thể thao nước nhà, trong quãng thời gian đó đã tạo được nhiều thành quả đáng khích lệ được Đảng, Nhà nước, ngành công nhận. Từ khi có Quyết định tách TTHLTTQG Đà Nẵng và trường Đại học TDTT Đà Nẵng thành hai đơn vị độc lập, đến nay về cơ bản mọi công việc trong TTHLTTQG Đà Nẵng dần đi vào ổn định, các phòng ban được xác lập và đi vào hoạt động có nề nếp. Về địa giới đã được phân làm 2 khu riêng biệt, trang thiết bị phục vụ cho công tác huấn luyện, tập huấn của VĐV được phân bổ tới từng bộ môn cụ thể. Mặc dù chưa thật sự đầy đủ nhưng cũng phần nào đáp ứng đủ nhu cầu luyện tập của VĐV.
Về công tác tổ chức, sau khi hoàn tất việc chia tách 2 đơn vị, các cán bộ được bổ nhiệm về làm việc tại Trung tâm đã ổn định về mặt tư tưởng, công tác đào tạo VĐV vẫn đảm bảo nhiệm vụ quản lý chặt chẽ với kết quả về thành tích của các VĐV trong năm qua đã tạo được nhiều bước đột phá mới ở các giải đấu trong nước và quốc tế. Tiêu biểu là VĐV trẻ Hoàng Quý Phước đã liên tiếp giành được huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế như: Tháng 10/2008, Quý Phước đã xuất sắc giành tới 7 HCV, 2 HCB (thiết lập1 kỷ lục quốc gia ở giải Bơi Vô địch ĐNA các nhóm tuổi trẻ). Còn tại giải VĐQG, Quý Phước cũng giành tới 5 HCV với 3 kỷ lục quốc gia được thiết lập, tới đây sẽ cố gắng đặt mục tiêu để Quý Phước dành được huy chương tại SEA Games 25. Ngoài ra, TTHLTTQG Đà Nẵng đang tiếp tục trang bị thêm các trang thiết bị phục vụ cho công tác huấn luyện được tốt hơn.
Năm 2008 là năm nền kinh tế thế giới cũng như trong nước đã có một số biến động đã ít nhiều có những ảnh hưởng nhất định tới công tác quản lý, huấn luyện VĐV tại trung tâm. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc về vấn đề này?
Trước suy thoái chung về kinh tế trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, TTHLTTQG Đà Nẵng cũng đã gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là yếu tố con người, đơn cử như trong công tác quản lý, hiện nay có một cán bộ viên chức cùng lúc phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Tiếp đến là vấn đề cơ sở vật chất: Một số trang thiết bị không còn đáp ứng tốt cho công tác tập luyện của VĐV, kinh phí cũng giảm hơn so với dự kiến kinh phí dành cho VĐV của Trung tâm, vì vậy Trung tâm đã phải cân đối kinh phí sao cho phù hợp mà vẫn phải đảm bảo điều kiện ăn ở cũng như chất lượng chuyên môn của VĐV. Đứng trước những khó khăn này, trong năm qua, tập thể cán bộ công chức, viên chức, VĐV đang học tập, làm việc tại TTHLTTQG Đà Nẵng đã không ngừng phấn đấu vươn lên khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
....Và bên cạnh những khó khăn, chắc chắn có những thuận lợi thưa ông?
Phải nói rằng nếu không có những thuận lợi thì chắc chắn TTHLTTQG Đà Nẵng sẽ không thể phát triển được như ngày hôm nay. Thuận lợi đầu tiên chính là sự giúp đỡ nhiệt tình của trường Đại học TDTT Đà Nẵng về vấn đề đào tạo, giảng dạy môn học văn hoá cho các VĐV vào buổi tối. Hay sự giúp đỡ về yếu tố con người như: Ban Giám hiệu, giảng viên trong trường đã không ngần ngại khi truyền lại kinh nghiệm quản lý, giảng dạy cho tập thể cán bộ Trung tâm. Từ đó tạo được mối quan hệ bền chặt giữa hai đơn vị, mặc dù với chức năng và nhiệm vụ khác nhau song cùng chung một mục đích đó là tạo ra những tài năng thể thao phát triển toàn diện góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Đồng thời, trong những năm qua lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng như lãnh đạo các Vụ, đơn vị trực thuộc Tổng cục TDTT đã quan tâm, chỉ đạo, xử lý kịp thời những khó khăn của Trung tâm. Tất cả những yếu tố đó đã hun đúc tạo thành sự vững mạnh của Trung tâm trong suốt 15 năm qua.
Từ những kết quả đã đạt được, bước sang năm 2009 với hàng loạt các sự kiện lớn như Indoor Games III, SEA Games 25, TTHLTTQG Đà Nẵng đã có những kế hoạch thực hiện như thế nào thưa ông?
Về mặt tổ chức bộ máy: TTHLTTQG Đà Nẵng đề nghị trong năm 2009 Bộ VH,TT&DL bổ nhiệm thêm cán bộ biên chế cho Trung tâm để công việc được phân bổ đến từng cán bộ ở từng phòng chức năng tránh trường hợp một người phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc. Lên kế hoạch thành lập các tổ chức Đảng, đoàn, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ cho Trung tâm. Khu ăn nghỉ của VĐV, một số phòng chức năng hiện đang bị xuống cấp do vậy sắp tới Trung tâm sẽ có kế hoạch cụ thể trình Tổng cục TDTT, Bộ VH,TT&DL xem xét nâng cấp và tu bổ. Năm 2009 Trung tâm sẽ tăng cường phối hợp với trường Đại học TDTT Đà Nẵng để tăng cường thời lượng học văn hoá cho các VĐV trẻ, đặc biệt các em ở nhóm tuổi học từ lớp 7 - 9. Đồng thời, đặc biệt chú trọng công tác huấn luyện ăn, ở tới các VĐV có trong danh sách của đội tuyển quốc gia tham dự 2 đấu trường lớn là Indoor Games III và SEA Games 25.
Giữa tháng 3 năm nay chúng tôi tiến hành kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm, chính vì vậy mà ngay từ đầu năm Trung tâm đã phát động phong trào thi đua hướng tới ngày lễ kỷ niệm này với nhiều hoạt động có ý nghĩa.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này và xin chúc Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng ngày càng phát triển mạnh mẽ vững bước trong thời kỳ đổi mới.
Nguyệt Hương thực hiện