Tiếp đích với thời gian 35,56 giây ở nội dung 50 m tự do môn bơi lội (hạng S5), Võ Thanh Tùng mang về cho Ðoàn Thể thao khuyết tật Việt Nam tấm HCV đầu tiên tại Ðại hội Thể thao khuyết tật châu Á (Asian Para Games) 2010. Một thành tích tuyệt vời, một phần thưởng xứng đáng cho nghị lực và sức vươn lên phi thường của chàng trai An Giang.
Bao nhiêu cay cực đã nối nhau đổ xuống cuộc đời Võ Thanh Tùng, kể từ sau cơn bạo bệnh mà anh phải chịu đựng. Khi mới hai tuổi đời, chân bé Tùng đã teo tóp không thể hồi phục sau trận sốt dài, bất chấp mọi nỗ lực chữa chạy của gia đình. Và những bước chập chững tập đi của Tùng, vào lúc gần sáu tuổi, với những thiết bị hỗ trợ mộc mạc bằng gỗ mà người cha hì hụi đóng cho con, thấm đẫm bao nhiêu nước mắt của những người thân trong gia đình.
Võ Thanh Tùng sinh ngày 26-7-1985, tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, trong một gia đình làm nghề rèn. Cảnh nhà không khá giả, nên từ nhỏ, dù không được khỏe mạnh, Thanh Tùng vẫn phải phụ cha lao động. Ðến năm học lớp tám, do cuộc sống khó khăn, cả nhà phải lên ghe phiêu dạt đi làm thuê khắp nơi. Ham học, nhưng cậu bé ấy chỉ có thể thèm thuồng nhìn chúng bạn cùng lứa cắp sách đến trường, cho tới khi nhận được lòng hảo tâm của một thầy hiệu trưởng tốt bụng giúp Thanh Tùng có thể tới trường miễn phí.
Cuộc đời Võ Thanh Tùng đã có thể cứ trôi qua một cách bình lặng, với những nỗ lực âm thầm để hòa nhập cùng cuộc sống. Hết lớp 12, Thanh Tùng theo học trung cấp điện tử, và rồi cũng tìm được việc làm, với mức thu nhập ít ỏi. Học thêm lớp kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại di động ở TP Hồ Chí Minh, Tùng tiến thêm một bước dài trong việc lo liệu cuộc sống cho mình, có được một công việc thích hợp hơn khi trở về Cần Thơ. Thời gian rảnh cuối mỗi chiều, Tùng đến hồ bơi Quân khu 9, chỉ dạy cho các em thiếu nhi. 'Khi bơi, cánh tay chịu lực nhiều'. Những tháng ngày kham khổ giúp cha bên bễ lò rèn đã bất ngờ mang đến cho Tùng một lợi thế, trở thành bàn đạp cho những cuộc chinh phục sau này.
Cha Võ Thanh Tùng, ông Võ Văn Quang, chính là bệ đỡ vững chắc cho từng bước tiến của người con trai. Từ những bước chập chững tập đi của con, ông 'đã mừng đến nỗi xuống tóc, van vái ông bà cho cháu có thể tự đi đứng lo thân, sau này cha mẹ qua đời cũng không đến nỗi khổ sở'. Ðến khi Tùng có thể tự đi được mà không cần những chiếc 'tó' (giá đỡ) mà ông đóng, có thể giúp cha mẹ đi cắm câu, hái bông súng, có thể phụ ông làm việc, ông lại hướng con đến một chân trời mới. Không cầm lòng nhìn con cứ co mình ở góc nhà mỗi mùa nước nổi, nhìn các bạn bơi lội nô đùa, ông Quang dắt Tùng ra tắm sông, tập cho con từng động tác. Nhanh chóng thích nghi với nước, Tùng cũng nhanh chóng yêu thích môn bơi, thậm chí sẵn sàng 'trốn nhà đi tắm sông', chấp nhận bị rầy la, thậm chí 'ăn đòn' nếu cha mẹ biết.
Một bước ngoặt đích thực đã tới vào năm 2005, khi Thanh Tùng tham gia thi đấu cho phong trào thể thao người khuyết tật thành phố Cần Thơ. Gần như ngay lập thức thể hiện được năng lực của mình, Tùng đạt nhiều thành tích cao và không lâu sau đã có mặt trong danh sách triệu tập đội tuyển quốc gia. Niềm tự hào bản thân được đánh thức và lại được chắp cánh bởi vinh dự cùng trách nhiệm đối với Tổ quốc đã giúp Tùng vươn đến những đỉnh cao vượt trên tầm cỡ quốc gia. Tại Ðại hội Thể thao người khuyết tật Ðông - Nam Á năm 2009, Võ Thanh Tùng xuất sắc phá hai kỷ lục khu vực ở các cự ly 50 và 100 m tự do, đoạt hai HCV, một HCB.
Và bây giờ là tấm HCV châu lục. Một phần thưởng xứng đáng, tuyệt đối xứng đáng cho những ngày trầm mình tập luyện dưới trời mưa tầm tã, những giai đoạn phải xin nghỉ làm, chấp nhận thu nhập bấp bênh để dồn sức cho thi đấu, rồi lại quay cuồng tìm công việc mới.
Ngay sau khi lập công, Võ Thanh Tùng đã được các nhà hảo tâm thưởng 'nóng' 20 triệu đồng, và mức đãi ngộ dành cho anh chắc sẽ còn được nâng lên. Song, có lẽ không gì quý báu bằng sự thanh thản của cha mẹ anh, những người đã chứng kiến con mình được hun đúc, rèn luyện và trưởng thành từ ngọn lửa của bễ lò rèn. 'Tui biết Tùng đã cố gắng luyện tập rất nhiều, và thành tích nó nhận được thể hiện quyết tâm như Bác Hồ đã dạy: Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền' - ông Quang đã từng hể hả bộc bạch như thế.
theo nhandan.com.vn