Ông Velappan có mặt tại VN cùng một đoàn tuỳ tùng 19 người để tham dự hội thảo "Tầm nhìn Châu á" dành cho VN (sẽ diễn ra trong 1 tuần, từ 12-17.9).
Ông Velappan giải thích lý do VN là 1 trong 8 nước được chọn trong chương trình "Tầm nhìn Châu Á": “VN có rất nhiều ưu điểm: Nền kinh tế đang phát triển và người VN thì yêu bóng đá đến cuồng nhiệt”.
Lần đầu tiên, một hội thảo có quy mô như vậy được tổ chức cho bóng đá VN. Vậy nó có ý nghĩa gì đối với việc BĐVN gia nhập chương trình "Tầm nhìn Châu Á"?
Đó là một vinh dự bởi đây là hội thảo rất quan trọng. VN phải có cố gắng để trở thành một đội mạnh ở Châu Á trong vòng 5 năm nữa. Do đó, chương trình này phải được coi như một dự án lớn và cần được sự giúp đỡ của Chính phủ, và các bộ ngành.
VN chưa thành công trong việc huy động các nguồn tài chính trong xã hội cho phát triển bóng đá, ông có những kinh nghiệm trong vấn đề này để chia sẻ với LĐBĐVN?
Tôi cho rằng bóng đá VN có rất nhiều lợi thế: Các bạn có sự ủng hộ của chính phủ, của quần chúng, của các câu lạc bộ và của cả các công ty nữa. Các nhà lãnh đạo thể thao VN hãy coi bóng đá là một môn thể thao quốc gia, điều đó sẽ giúp thu hút sự quan tâm và đầu tư hơn nữa cho bóng đá của xã hội. Bởi bản thân bóng đá luôn là một sản phẩm có sức hấp dẫn.
Người VN rất yêu bóng đá, nó khiến người ta hiểu nhau, xích lại gần nhau hơn, nó làm cho những trái tim có thể cùng đập chung một nhịp, là một niềm tự hào dân tộc, chẳng có lý do gì người ta không ủng hộ nó.
Tiêu cực luôn song hành cùng bóng đá. Chương trình này liệu có giúp cải thiện vấn đề này?
Bóng đá phản ánh xã hội. Xã hội có tiêu cực thì bóng đá cũng có tiêu cực. Chương trình "Tầm nhìn Châu Á" mong muốn góp phần giảm bớt những vấn đề tiêu cực trong công tác trọng tài, mua bán độ, chống tham nhũng...
Chương trình "Tầm nhìn Châu Á" sẽ có những đặc điểm khác nhau tuỳ theo điều kiện riêng của mỗi quốc gia. Vậy ở VN, theo ông những yếu tố gì là quan trọng nhất?
Hai điều quan trọng nhất là khả năng lãnh đạo và tổ chức của liên đoàn. Nếu không có yếu tố hàng đầu này thì không thể làm được gì cả.
Ông có nhận xét gì về khả năng quản lý của LĐBĐVN?
Bộ máy lãnh đạo LĐBĐVN cần chuyên nghiệp hơn. Ngày nay bóng đá phải được coi là một nghề, cần đầu tư nghiêm túc cho nó như đầu tư để phát triển các ngành kinh doanh và công nghiệp. Một nền bóng đá phát triển cũng biểu thị sự tiến bộ của đất nước đó.
Người ta chưa có một cái nhìn lạc quan lắm về BĐVN. Có thể 5-10 năm nữa sẽ khác, nhưng hiện giờ thì chưa.
Ông có xem trận VN - Hàn Quốc ở vòng loại World Cup 2006 vừa qua không?
Hàn Quốc ở một đẳng cấp khác, họ là đội thứ tư ở Châu Á. Nhưng tôi hy vọng là trong vòng 5 năm nữa, VN có thể đạt đến trình độ của bóng đá Hàn Quốc. Sao lại không nhỉ?
Theo Lao động