Theo dự kiến vào ngày 1/7 tới, Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP HCM và gia đình VĐV Nguyễn Diệp Phương Trâm sẽ gặp nhau lần cuối để thương thảo về quyết định thanh lý hợp đồng.
Trong thời gian gần đây câu chuyện về tương lai của VĐV bơi lội Nguyễn Diệp Phương Trâm - người được mệnh danh là "Ánh Viên phiên bản 2" thu hút sự chú ý lớn của giới thể thao trong nước nói chung và những người làm chuyên môn của bơi lội Việt Nam nói riêng. Hiện tại, gia đình Phương Trâm đã làm đơn đề nghị thanh lý hợp đồng nhưng cho rằng số tiền đền bù 961 triệu đồng là không hợp lý nên thuê luật sư làm việc cụ thể với Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu.
Tương lai Nguyễn Diệp Phương Trâm được quyết định vào ngày mai (1/7) Trao đổi với báo chí về chi phí đền bù hợp đồng trị giá 961 triệu đồng của Phương Trâm, PGĐ Sở VH & TT TP.HCM, Mai Bá Hùng cho biết “Chi phí đền bù đào tạo của Phương Trâm là tính theo quy định của nhà nước. Phương Trâm đã tập ở đây được được 5 năm, từ tháng 6/2010 đến 5/2015 khi bắt đầu vào lớp năng khiếu. Với mỗi thời kỳ đào tạo sẽ phải thay đổi hợp đồng và gia đình Trâm lấy cơ sở pháp lý là trên hợp đồng mới nhất chỉ có 6 tháng để tính tiền đền bù. Thế nên, họ đề nghị chỉ muốn trả 6 tháng chứ không trả theo chương trình đào tạo nên 2 quan điểm mâu thuẫn”.
“Chúng tôi phải tính đúng để khi có đơn vị vào kiểm tra thì có câu trả lời. Phải tính đúng vì còn các lứa sau nữa, nếu không các đơn vị khác thấy Thành phố đầu tư đào tạo VĐV nhưng cứ móc nối với gia đình làm chuyện không đúng…”
Đại diện của Sở VH & TT TP.HCM cũng nhấn mạnh “Nếu Phương Trâm du học Mỹ không thành hoặc bỏ về giữa chừng thì TP HCM sẵn sàng nhận em trở lại, còn chuyển sang đơn vị khác thì phải bồi thường phí đào tạo”.
Ông Hùng còn cho biết quan điểm của Sở VH & TT TP.HCM khi xử lý vụ việc là tránh tình trạng sau này các tài năng phải mất nhiều công sức, tiền bạc đào tạo nhưng khi bắt đầu có thành tích lại bị các đơn vị khác chèo kéo. Sở VH & TT TP.HCM chống lại các chuyệnmua bán, đi đêm vì cách làm kiểu giật dây sẽ phá vỡ hệ thống đào tạo VĐV. Kiểu làm đó là “hớt ngọn”, hậu quả để lại rất tai hại. Thể thao chuyên nghiệp cần phát triển lành mạnh.
Đây không phải là lần đầu tiên Thể thao TP HCM đối mặt nguy cơ mất đi một tài năng, trong quá khứ Thể thao TP HCM đã mất đi những VĐV giỏi như Trương Thanh Hằng ở bộ môn Điền kinh hay Đài Trang ở bộ môn quần vợt. Do đó ông Hùng khẳng định trong trường hợp của Trâm, nếu bên nào thích thì tới trao đổi thẳng thắn với đơn vị TP HCM, mọi chuyện sẽ dễ dàng…
Phương Trâm sinh năm 2001, là VĐV trẻ tuổi nhất của thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 2015 vừa qua, cô giành quyền vào chung kết nội dung 50 m bơi bướm và 50 m tự do. Phương Trâm đã giành 6 HCV, 1 HCĐ tại giải vô địch quốc gia. Trước đó một năm, VĐV này đoạt 5 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ ở giải vô địch các nhóm tuổi Đông Nam Á, đồng thời phá 3 kỷ lục. Thành tích này giúp cô được bầu là VĐV hay nhất giải.
Trong khi đó, phát biểu với báo chí gần đây Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trần Đức Phấn khẳng định “Phương Trâm là một trong 50 VĐV được đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam cho tương lai. Việc kiện cáo giữa VĐV với địa phương sẽ không ảnh hưởng đến các quyết định triệu tập của Tổng cục TDTT. Thậm chí, nếu TP.HCM cấm Phương Trâm thi đấu cho đơn vị khác khi hợp đồng chưa được thanh lý thì cũng không cấm được em tập luyện và thi đấu cho tuyển quốc gia”.
theo thethaovietnam.vn