Cụ thể, trận đấu giữa Manchester City và Chelsea sẽ được tổ chức ở Dragao, sân nhà của Porto. UEFA sẽ phát cho hai đại diện nước Anh mỗi đội 6.000 vé xem trận chung kết này.
Với sức chứa 50.000 chỗ ngồi, là sân vận động lớn thứ ba ở Bồ Đào Nha, rõ ràng việc chỉ có hơn 1 vạn khán giả xuất hiện trên sân vẫn là một sự hụt hẫng lớn, nhất là với trận đấu được mong đợi nhất mùa như chung kết Champions League. Nhưng dù sao với tình hình dịch bệnh hiện tại, đấy vẫn là một nỗ lực lớn của UEFA cũng như chủ nhà Bồ Đào Nha.
Trước đó, do chung kết năm nay là màn nội chiến giữa các CLB Anh nên FA đã đề nghị với UEFA đưa trận đấu về sân Wembley. Đây được xem là cách giải quyết ổn thỏa nhất trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chiến đấu với dịch bệnh trầm trọng. Anh cũng đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào "danh sách đỏ", hạn chế công dân đến quốc gia này.
Rõ ràng, nếu như thi đấu tại Thổ Nhĩ Kỳ và thành viên hai đội Man City, Chelsea phải cách ly, các kế hoạch cuối mùa giải, rồi liên quan đến sự chuẩn bị của các đội tuyển dự EURO 2020, sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Do đó, UEFA thiên về phương án tổ chức tại Anh hơn.
Nhưng vấn đề lại nảy sinh khi chính phủ Anh cũng không thể chiều ý UEFA. Họ từ chối nới lỏng các quy định phòng dịch đối với các thành viên có mặt ở trận chung kết mà UEFA đề nghị, như nhà tài trợ, khách mời và nhân viên… Anh cũng không thể nâng số lượng khán giả cho phép vào sân theo như mong muốn của UEFA.
Bởi vậy, cuối cùng Bồ Đào Nha đã được chọn. Đây cũng là quốc gia từng “cứu” UEFA khi tổ chức này bí địa điểm đăng cai các trận đấu ở giai đoạn knock-out mùa trước. Trận chung kết giữa Bayern và PSG đá ở sân Da Luiz tại Lisbon, trận bán kết diễn ra tại José Alvalade. Và năm nay, đến lượt Dragao, một sân bóng nổi tiếng khác, đăng cai chung kết Champions League.
Đặng Lai