Do những yếu tố khách quan và chủ quan mà một số môn thể thao hiện đại khó phát triển tại các tỉnh miền núi, vì vậy bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc là vô cùng cấp thiết. Việc xây dựng thành công chiến lược phát triển cho các môn thể thao của đồng bào dân tộc miền núi không những tạo đà phát triển cho phong trào TDTT quần chúng mà còn góp phần gắn kết các dân tộc lại với nhau, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho. Mặc dù, mới chỉ đang trong giai đoạn hội thảo, đóng góp ý kiến nhưng chiến lược này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo những nhà quản lý, nhà khoa học, các cán bộ hoạt động trong Ngành. Dưới đây là một số ý kiến của các nhà quản lý về vấn đề này.
Kon Tum là một tỉnh miền núi nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, có dân số 46 vạn người, trong đó 53% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời Kon Tum còn là một khu căn cứ cách mạng nên đời sống của đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về tập trung đầu tư, phát triển kinh tế cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó có Tây Nguyên), ngành Thể dục Thể thao cũng từng bước phát triển. Sở TDTT Kon Tum mới thành lập được 6 năm nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban TDTT và Tỉnh uỷ, phong trào TDTT quần chúng của Kon Tum đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là phong trào TDTT cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
Trong những năm qua, TDTT không chỉ nâng cao sức khoẻ cho nhân dân, đẩy mạnh sản xuất mà còn góp phần ổn định chính trị, giữ gìn trật tự trị an trong khu vực. Hơn nữa, Kon Tum còn là điểm "nóng" về vấn đề an ninh quốc gia nên việc thu hút người dân tham gia vào phong trào tập luyện TDTT là vô cùng cần thiết. Đến nay, ngành Thể dục Thể thao mới xây dựng chiến lược phát triển các môn thể thao cho các tỉnh miền núi là hơi chậm so với các ngành khác (như ngành phát thanh, truyền hình, văn hóa...) nhưng như vậy cũng là chưa muộn và theo ý kiến cá nhân tôi đây còn là chiến lược phát triển kinh tế của Tỉnh. Tôi rất mong muốn, đề nghị với lãnh đạo Ngành xúc tiến nhanh việc xây dựng chiến lược phát triển thể thao cho các tỉnh miền núi, như vậy sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con nơi vùng sâu, vùng xa. Chiến lược phát triển này nếu phối hợp tốt với công tác xã hội hoá TDTT sẽ tạo nên một thành công vang dội, đẩy mạnh sự phát triển của phong trào TDTT trên cả nước.
Theo định hướng phát triển từ nay đến 2010, Kon tum tiếp tục phát triển sâu rộng các môn thể thao dân tộc miền núi bằng cách thực hiện tốt chương trình phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn. Đi đôi với công tác này sẽ tiếp tục đề xuất với Tỉnh uỷ về việc hỗ trợ cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện, kinh phí để phát triển phong trào, vì hiện nay, các vùng dân tộc thiểu số còn rất nghèo (VD mỗi năm 1 xã chỉ được hỗ trợ 10 triệu thì chỉ đủ mua bóng, lưới...). Kon Tum sẽ tập trung vào các môn như: Bắn nỏ, Kéo co, Đẩy gậy, Phóng lao, Đi cà kheo...
Chúng tôi rất tán thành chiến lược phát triển thể thao cho các tỉnh miền núi của Ngành vì đó là một hướng đi đúng. Điều đó, sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển của thể thao Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, với Tây Nguyên - một trong những địa bàn có tình hình chính trị không ổn định, trong những năm qua đã xảy ra một vài vụ bạo loạn, biểu tình do sự tác động bên ngoài của các thế lực thù địch cho nên sự ra đời của chiến lược sẽ góp phần ổn định chính trị trong khu vực và an ninh trên địa bàn.
Hưởng ứng chiến lược này, Sở TDTT tỉnh Đắc Nông đã xác định đưa thể thao về cơ sở, về các vùng sâu, vùng xa, về buôn, bon, làng để tổ chức cho các thanh, thiếu niên vùng đồng bào dân tộc miền núi được tập luyện TDTT theo hướng phát triển toàn diện. Bởi TDTT góp phần lôi cuốn họ tránh xa sự cám dỗ của vật chất tầm thường mà những thế lực thù địch dùng làm phương tiện để mua chuộc đồng bào, cũng như tránh xa các tệ nạn xã hội khác (nghiện hút, cờ bạc...). Mặc dù, không có nhiều kinh phí nhưng chúng tôi cũng hỗ trợ cho các địa phương gặp nhiều khó khăn một số các trang thiết bị (bóng, lưới..) để họ có thể tham gia tập luyện tại địa phương.
Việc xây dựng chiến lược phát triển cho các môn thể thao tại các tỉnh miền núi là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, đã có nhiều môn thể thao mang tính truyền thống của các dân tộc được đưa vào thi đấu (Bắn nỏ, Đẩy gậy, Đua ghe ngo...) tạo thêm cơ hội cho người dân được giao lưu, VĐV thi đấu và giành được kết quả nhất định tại các giải đấu quốc gia. Tính đến yếu tố đó, Uỷ ban TDTT đã đưa 6 môn thể thao dân tộc vào chương trình thi đấu chính thức tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V. Đây sẽ là cơ hội tốt để các tỉnh phát triển mạnh hơn nữa về những môn thể thao này, từng bước nâng cao bảng thành tích chung của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, để xây dựng thành công chiến lược, đồng thời nhân rộng và quảng bá những môn thể thao dân tộc tới đông đảo quần chúng nhân dân trong cả nước, nhất thiết phải đưa các môn thể thao này vào chương trình thi đấu và dần dần luật hoá chúng. Đây là giải pháp tối ưu nhất vì có luật, việc tổ chức thi đấu sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn, số lượng các VĐV tham dự sẽ đông hơn và tất yếu mọi người sẽ biết đến nó nhiều hơn.
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cùng với sự phát triển của phong trào TDTT nói chung, TDTT quần chúng của Đắc Lắc nói riêng đã phát triển rất mạnh mẽ cả về lượng cũng như về chất. Trong sự phát triển chung ấy, nổi bật lên là hoạt động thể thao của đồng bào các dân tộc thiếu số.
Mặc dù, chiến lược phát triển thể thao tại các tỉnh miền núi vẫn còn manh nha nhưng đã cho thấy một hướng đi hết sức đúng đắn của Ngành. Chiến lược này, không chỉ tuân thủ theo đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu tiên phát triển cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... mà còn góp phần nâng cao thành tích của phong trào TDTT quần chúng, tạo tiền đề vững chắc cho thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, những môn thể thao của các đồng bào dân tộc miền núi là những môn rất đặc thù và mang tính điển hình (mang đậm bản sắc của vùng, miền) nên sản sinh ra nhiều môn thể thao khác nhau. Chính vì vậy, đòi hỏi phải xây dựng một chiến lược cụ thể và toàn diện về tất cả các môn thể thao này, cũng như phương án đưa vào thi đấu tại các giải trên địa bàn tỉnh, khu vực trong nước.
Thông qua các ý kiến trên cho thấy chiến lược phát triển các môn thể thao tại các tỉnh miền núi là hoàn toàn đúng đắn. Với sự quan tâm, đầu tư từ cơ sở và sự chỉ đạo của Ngành, tin rằng, chiến lược này sẽ sớm được triển khai và thực hiện một cách có hiệu quả.
NTH