Với mong muốn đưa Bóng đá - môn thể thao vua của các nước châu Á có bước “đột phá” để nhanh chóng hoà nhập và vươn lên thứ hạng cao trong quỹ đạo phát triển chung của Bóng đá thế giới, Chương trình “Tầm nhìn châu Á” chính thức được hình thành.
Với mục tiêu trên, AFC sẽ hỗ trợ các Liên đoàn Bóng đá quốc gia, thành viên của AFC có bước phát triển toàn diện, từ tổ chức bộ máy đến công tác phát triển Bóng đá phong trào, Bóng đá trẻ và Bóng đá chuyên nghiệp, trong đó chú trọng phát triển Bóng đá thanh, thiếu niên, học sinh các trường học phổ thông. Qua đó, nâng cao vị thế tầm vóc Bóng đá châu Á trên phạm vi toàn thế giới.
Chương trình bao gồm các bước khảo sát, Hội thảo, xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch ngắn, trung và dài hạn. Về các giải pháp gồm một số việc cần làm thiết thực để phát triển Bóng đá cơ sở, trong đó có việc chọn một số nước, một số tỉnh thành trong một quốc gia làm điểm, sau đó nhân rộng ra cả quốc gia và khu vực. Việt Nam được chọn là 1 trong 8 quốc gia (4 của khu vực Đông Nam Á) thực hiện thí điểm Chương trình này. Đây là vinh dự lớn đối với Bóng đá Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những thách thức không nhỏ khi phải biến những ý tưởng trên giấy trở thành hiện thực, biến những lời cam kết thành hành động cụ thể.
Từ “Tầm nhìn châu Á” đến “Tầm nhìn Việt Nam”.
Giai đoạn đầu tiên được bắt đầu vào tháng 9/2004, đoàn cán bộ do Tổng thư ký (TTK) Liên đoàn Bóng đá châu Á - Dato Peter Velappan - Giám đốc dự án Vision Asia của AFC dẫn đầu chuyến thăm và khảo sát tại Liên Đoàn bóng đá Việt Nam. Sau cuộc họp này (11/2004) AFC đã có văn bản đề xuất những mục tiêu cho việc phát triển Bóng đá tại Việt Nam, với tên gọi: “Tầm nhìn Việt Nam”. Không dừng lại ở đó AFC và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã phối hợp tổ chức thành công hai cuộc Hội thảo về phát triển Bóng đá Việt Nam (diễn ra tại Việt Nam và Malaysia) với sự có mặt của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ.
Ông Velappan TTK AFC cho biết: “Đây là một dự án lớn, không thể diễn ra trong quãng thời gian ngắn mà phải được thực hiện trong nhiều năm và đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều. Tôi ví tầm nhìn Việt Nam như là một giấc mơ dài và đẹp. Các quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hãy tin tưởng Bóng đá Việt Nam sẽ bay cao, đừng nghĩ đây là nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên, để "Tầm nhìn Việt Nam" đạt được mục tiêu cần phải có sự phối hợp giữa Uỷ ban TDTT, Bộ Giáo Dục & Đào tạo và chính quyền các địa phương”.
Dự án Long An và những kết quả đạt được
Trong chiến lược tầm nhìn Việt Nam, VFF đã đồng ý và lựa chọn 2 tỉnh: Long An và Nghệ An làm thí điểm và sau đó dùng 2 tỉnh này như mô hình mẫu cho việc thực hiện ở các tỉnh khác. Tại Long An, trường Tiểu học Mai Thị Non (huyện Bến Lức) và trường Tiểu học thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành), nơi bóng đá được giảng dạy trong các tiết học ngoại khóa (3 buổi/tuần) được chọn làm nơi thí điểm đầu tiên.
Theo nhận xét của ông Velappan, Việt Nam thật sự là một đất nước của Bóng đá, khi không thiếu sự đam mê cuồng nhiệt, khát khao chuyển mình và Bóng đá Long An là một ví dụ điển hình nhất. Tuy nhiên, rất cần có sự chuyên nghiệp hoá trong cách điều hành guồng máy chung. Ông cho biết “chúng tôi muốn và sẽ giúp hoàn thiện kết cấu Bóng đá Long An hơn nữa bằng những hỗ trợ thiết thực về công tác: hệ thống tổ chức - thi đấu, quy trình đào tạo Trọng tài, HLV và cả Cầu thủ. Trong thời gian tới, Liên Đoàn Bóng đá Long An, các Hội Bóng đá tại các quận, huyện sẽ hình thành và đi vào hoạt động. Đây là nhân tố quan trọng trong việc tổ chức thực hiện chương trình này."
Kế hoạch ngắn hạn (2006 - 2007) của dự án Long An gồm các nội dung chính như: công tác quản lý Bóng đá, CLB và các giải thi đấu, phát triển Bóng đá trẻ và phong trào, đào tạo HLV và phát triển lực lượng Trọng tài. Tiếp đến là việc thực hiện nội dung Bóng đá trẻ, y học thể thao, quảng bá và truyền thông Bóng đá.
Thực hiện theo dự án trên, tháng 3/2006, Liên đoàn Bóng đá Long An (LĐBĐLA) được thành lập với đầy đủ tư cách pháp nhân (con dấu, tài khoản…), có quy chế hoạt động cũng như việc hình thành các phòng, ban trực thuộc Liên đoàn. Hoạt động của LĐBĐLA trong thời gian qua có nhiều thuận lợi và đạt hiệu quả một số công việc như: phối hợp với Sở TDTT Long An tổ chức các trận Bóng đá U19, U21, giải hạng Nhì, giải hạng Nhất và giải chuyên nghiệp, giải Bóng đá nông dân tỉnh (có 141 đội tham gia), Hội thao kỹ thuật các lớp năng khiếu Bóng đá bán tập trung U9, U11 cơ sở; Tổ chức giải Bóng đá vô địch tỉnh mang dáng dấp chuyên nghiệp (13 đội bóng huyện - thị thi đấu vòng tròn 2 lượt, cho phép 5 cầu thủ ngoài tỉnh thi đấu, giữa giai đoạn được quyền bổ sung cầu thủ...); Tổ chức 3 khoá: cán bộ quản lý, đào tạo HLV, Trọng tài do giảng viên AFC giảng dạy. Ngoài ra, LĐBĐLA còn xây dựng kế hoạch liên tịch hoạt động Bóng đá trong khối trường học, trong thanh, thiếu niên nông thôn; Tổ chức vận động tài trợ trong các doanh nghiệp… và phối hợp tổ chức thành lập được 04 Hội Bóng đá huyện gồm: Bến Lức, Châu Thành, Đức Hoà, Mộc Hoá.
Để có được những kết quả trên là nhờ vào sự lãnh đạo, hỗ trợ của Sở TDTT Long An, ngành TDTT, LĐBĐ châu Á, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, sự ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, nhất là sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo quần chúng hâm mộ Bóng đá. Qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của phong trào Bóng đá trong tỉnh và đảm bảo thực hiện cho việc quản lý, điều hành Bóng đá đi vào nề nếp và ngày càng chuyên nghiệp. Trong những năm tới, hệ thống bộ máy và tổ chức hoạt động của Liên đoàn sẽ được kiện toàn, không ngừng nâng cao về chất, lượng và chương trình Tầm nhìn Việt Nam, Dự án Long An sẽ đạt kết quả tốt hơn.
Vẹn Dũng