Ông Nguyễn Hải Hường, trưởng ban kỷ luật của VFF đã khó nghĩ ở vụ này? Sau gần 6 ngày kể từ thời điểm Quế Ngọc Hải thực hiện cú song phi khiến đồng nghiệp Trần Anh khoa bên phía SHB.ĐN phải ngồi xe lăn, quyết định xử phạt mới được Ban kỷ luật của VFF đưa ra. Trái với tuyên bố về một án kỷ luật cực nặng trước đó của trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi và thậm chí cả trưởng Ban tổ chức V-League Nguyễn Minh Ngọc, quyết định xem ra lại quá nương tình theo kiểu “giơ cao, đánh khẽ”.
Trong ngày mổ băng kỹ thuật, ông Nguyễn Văn Mùi đã cho rằng đây là một hành vi bạo lực, xâm phạm thân thể người khác cần phải bị kỷ luật nghiêm khắc và cầu thủ này sẽ khó tránh khỏi một án phạt nặng. Thế nhưng 3 tháng treo giò (8 trận) liệu có phải là nặng đến mức kinh khủng như ông Mùi “hứa hẹn”? Ấy là còn chưa nói tới việc trung vệ trẻ này còn được “ưu ái” hẹn tới mùa sau mới phải chịu án và còn được thoải mái lên tuyển nếu HLV Toshiya Miura gọi.
Nhiều nguồn tin cho biết, quyết định này đã có vào khuya ngày 17/9, sau khi lãnh đạo của VFF nhận được kết quả kiểm tra chấn thương của Anh Khoa và họp nóng với lãnh đạo của Ban lỷ luật và Ban tổ chức giải. So với dự đoán ban đầu về việc Ngọc Hải sẽ bị treo giò 6-12 tháng cũng như đối chiếu với các án phạt trước đây, án kỷ luật này rõ ràng nhẹ hơn rất nhiều.
Ở quyết định này, VFF rõ ràng đã cho thấy họ bị chi phối quá nhiều về việc Ngọc Hải đang là thành viên ĐTQG và đội trưởng đội U23 Việt Nam. Bên cạnh đó, việc trong vài ngày qua, Ngọc Hải đã thể hiện sự ăn năn khi liên tục nói lời xin lỗi và nhận sai trên các phương tiện truyền thông cũng như việc trực tiếp vào Đà Nẵng gặp gia đình Anh Khoa để xin lỗi, bày tỏ thiện chí trả toàn bộ chi phí điều trị cũng như việc Ngọc Hải chưa từng dính án kỷ luật nghiêm trọng trong quá khứ và có nhiều đóng góp cho các ĐT. Điều đó có thể xem là tình tiết mà VFF căn cứ để giảm nhẹ.
Nhưng rõ ràng cũng chính từ động tác giảm nhẹ ấy đã khiến VFF phải hứng chịu “gạch đá” từ dư luận. Ngay khi thông tin Ngọc Hải chỉ bị treo giò 3 tháng và vẫn có thể được khoác áo ĐTQG trong thời gian chịu án đã khiến người hâm mộ hết xức bức xúc. Lướt qua một số trang mạng và xem các lời comment (bình luận) có thể thấy đa phần bạn đọc đều không đồng tình và tức giận với quyết định quá nhẹ của VFF.
Cái chân của Anh Khoa vẫn chưa biết phải mất bao lâu mới bình phục Có thể kể ra một số ví dụ như độc giả Trương Anh Tuấn (Zing) viết: “Cá nhân tôi chẳng phục mức án kỷ luật này tí nào. Mức án này chẳng khác nào "phạt cho có phạt" trước sự phản ứng của dư luận. Phạt như vậy, sắp tới có cầu thủ nào "ghét" cầu thủ nọ thì "phang" 1 cái vô giò... Kỷ luật à? Treo giò 3 tháng, còn ông kia có thể...treo giày. Còn làm gì có chuyện bị treo giò mà vẫn được khoát áo ĐTQG”. Bạn Ho Thanh (Zing) viết: “Quả thật không thể tin nỗi. Quyết định này chỉ có ở bóng đá Việt Nam...Kỷ luật mà vẫn được đá ở ĐTQG. Triệt hạ đối phương bằng mọi giá, rồi chỉ bằng 2 tiếng xin lỗi...vậy là được giảm án”.
Hay như bạn Giang Dong Hoang (Vnexpress) khẳng định: “Thật xấu hổ, phạt thế này thì răn đe được ai, sao đẩy lùi được bạo lực sân cỏ?”. Trường An (Vnexpress): “Cấm thi đấu ít nhất 1 năm mới làm gương cho các cầu thủ khác được . Án phạt quá nương tay ko chấp nhận được”. Quách Tĩnh: “Mất hết lòng tin vào V-League, án phạt này không khác gì dung túng cho bạo lực. Theo tư tưởng nhân từ, thì phải hiểu rằng nhân từ phải đặt vào đúng chỗ, cái gì nghiêm trọng phải răn đe để không xảy ra trường hợp đó nữa”...
Lác đác cũng có vài ý kiến ủng hộ như bạn Nam Phạm (Zing) viết: “Mình nghĩ án phạt như vậy là hợp lý vì Hải cũng đã có nhiều đóng góp cho đội tuyển quốc gia và U23VN. Trong pha bóng đó thì chỉ là trách nhiệm của 1 hậu vệ máu lửa như Hải thôi. Lý do anh không đỡ và cười lúc bị phạt vì có thể Hải không biết Anh Khoa lại bị nặng đến vậy. Mong sau lần này Hải sẽ suy nghĩ và hành động đẹp hơn”. Bạn Minh Phuong Tran (Vnexpress): “Dù sao thì QNH cũng thành tâm xin lỗi Anh Khoa và gia đình cậu ấy rồi và được tha thứ. Vậy nên, hãy để cho QNH sửa lỗi làm của mình, đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại. Cầu chúc Anh Khoa sớm bình phục và trở lại sân cỏ”. Nhưng những bình luận ngược như thế này đếm không quá 10 đầu ngón tay trong số hơn chục trang bình luận.
Đáng nói là ở án kỷ luật này là việc Ngọc Hải không phải thụ án ngay lập tức. Cho dẫu lý giải rằng V-League chỉ còn 1 vòng đấu nên việc áp dụng là dở dang và bị ngắt quãng. Thế nhưng thực tế là chẳng có gì ngắt quãng bởi các giải đấu khác vẫn có chuyện cộng dồn án kỷ luật, mùa này hết, mùa sau cộng tiếp thời gian tính từ thời điểm kết thúc mùa giải. Việc được thi đấu “nốt” có lẽ cũng chưa từng có tiền lệ.
Đình Đồng đã quá thiệt thòi nếu so với Ngọc Hải Quan trọng hơn nữa là việc trung vệ của SLNA vẫn đủ điều kiện thi đấu cho các ĐTQG trong thời điểm đang thụ án phạt. Không khó nhận thấy VFF đã cố tình né xử trung vệ này trong khoảng thời gian ĐT Việt Nam tập trung để thi đấu với ĐT Iraq và Thái Lan tại vòng loại World Cup 2018 (tháng 10) và tập trung đội U23 thi đấu VCK U23 châu Á (tháng 1). Đây cũng là điều chưa từng thấy và đây cũng không phải là chuyện treo giò theo thẻ phạt, phạm lỗi ở giải nào thì chỉ treo giò giải đó mà còn là vấn đề tư cách của một tuyển thủ, ví như việc hậu vệ Đình Đồng của SLNA trước đây cũng cấm không được “léng phéng” lên bất cứ ĐT nào trong thời gian gần 1 năm bị treo giò. Như thế chẳng hóa Đình Đồng quá thiệt thòi hay sao?
Hành động của Ngọc Hải không đơn thuần chỉ là một pha phạm lỗi nặng mà còn là lỗi hành vi bạo lực, cố tình xâm phạm thân thể người khác như Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi đã nói, hành động cấu thành tội nặng và làm mất hình ảnh của một tuyển thủ quốc gia. Hầu hết ý kiến người hâm mộ cũng đều cho rằng không cần biết trung vệ này đóng góp được nhưng gì cho đội tuyển nhưng đã có tội là phải xử cho nghiêm và đã treo là phải treo ở tất cả các cấp độ. Cú vào bóng đó có thể khiến Anh Khoa mất cả sự nghiệp và tương lai, tiền bạc thì việc treo vài trận cấp độ ĐTQG là chẳng thấm tháp gì.
Càng là tuyển thủ mắc lỗi càng phải xử nặng Bênh cạnh việc xử quá nhẹ Ngọc Hải, việc không có hình thức xử phạt nào với tổ trọng tài điều khiển trận đấu này cũng là điều hết sức vô lý. Một pha phạm lỗi quá nặng trong điều kiện quan sát chẳng quá khó như thế, không có lý gì để ông trọng tài chính Phùng Đình Dũng không nhìn thấy và chỉ rút thẻ vàng. Đáng nói hơn là pha phạm lỗi này còn diễn ra ngay trước mặt trọng tài biên. Chẳng nhẽ ông trọng tài biên này lại không có quyền đưa ra quan điểm của mình với trọng tài chính mà cứ phải chờ được hỏi mới nói. Thế nên đã xử thì phải xử cả trọng tài bởi nếu cứ e ngại cầu thủ như vậy và bắt thiếu công tâm như vậy, làm sao tạo được cái uy tín và sự tôn trọng từ người xem cũng như các đội bóng.
Việc đã đưa ra thì khó rút lại, nhưng đã sai là phải sửa, chẳng ai cười chê, ở quyết định lần này, VFF có lẽ đã quá vị tình, vị nể mà thiếu đi sự công bằng cũng như sự quyết đoán của một cơ quan quyền lực cao nhất trong làng bóng đá Việt Nam. Căn nguyên của nạn bạo lực trong bóng đá là sự thiếu nghiêm minh và nghiêm khắc trong việc xử phạt.
Theo thethaovietnam.vn