|
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: TT) |
Ngày 7/5/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo tiến sỹ. Theo Thông tư, các cơ sở đào tạo có trách nhiệm, nhiệm vụ thực hiện toàn bộ lộ trình đào tạo tiến sỹ. Theo lộ trình đó, từ ngày 15/5/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giao cho các cơ sở đào tạo thực hiện nhiệm vụ này. Do vậy, các cơ sở đào tạo (Viện Khoa học TDTT là cơ sở đào tạo tiến sỹ của ngành TDTT) sẽ phải ban hành quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ và thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể khác. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ mới này, sáng nay (25/6/2010), tại Viện Khoa học TDTT, ông Lê Quý Phượng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Viện trưởng Viện Khoa học TDTT cùng các Phó Giám đốc Viện Khoa học TDTT và tổ công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sau khi Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT có hiệu lực, Viện Khoa học TDTT đã xây dựng và ban hành Quy chế đào tào trình độ tiến sỹ. Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở đào tạo sẽ thực hiện tất cả các khâu từ tuyển sinh, đào tạo, phê duyệt đề cương luận án... đến việc thực hiện quy trình người phản biện, chấm luận án, lưu giữ hồ sơ... Các nhiệm vụ trong lộ trình đào tạo này sẽ được thể hiện một cách đầy đủ, chi tiết tại Quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên Quy chế vẫn còn một số điểm chưa đúng, chưa cụ thể, chưa chi tiết cần phải chỉnh sửa. Đây cũng chính là nội dung chính của buổi họp sáng ngày hôm nay.
Một số Điều thể hiện trong Quy chế được được cụ thể, rõ ràng và phù hợp như: Điều kiện dự tuyển (Điều 5) cần nêu rõ đối với thí sinh tuyển sinh theo đúng chuyên ngành, thí sinh tuyển sinh theo những ngành phù hợp, ngành gần (nếu có) phải quy định rõ là những ngành gì, điều kiện học bổ sung như thế nào; Điều kiện ngoại ngữ của đối tượng dự thi phải cụ thể là ở trình độ gì. Điều 14 - Các chương trình đào tạo tiến sỹ phải chỉ rõ học phần cần bổ sung, học ở đâu, quản lý thí sinh như thế nào trong thời gian học bổ sung và yêu cầu ra sao... Ở các Điều 16, 17, 18, 20, 25, 26 cũng gặp những vấn đề tương tự, cần chỉnh sửa, bổ sung cho cụ thể và chính xác.
Về cơ bản, Quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ của Viện Khoa học TDTT ban hành đã bám sát các Điều, Khoản trong quy chế đào tạo tiến sỹ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đã ban hành đúng thời điểm quy định. Tuy nhiên, một số điểm còn chưa phù hợp sẽ tiếp tục được chỉnh sửa và thông qua Quyết định bổ sung sau khi Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung một số điều (hiện đang trong giai đoạn xin ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung). Quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ của cơ sở đào tạo sẽ là cơ sở để các nhà trường, cơ sở, đối tượng dự thi thực hiện, còn Quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sẽ là cơ sở khung làm cơ sở để các cơ sở đào tạo xây dựng Quy chế chi tiết cho phù hợp với ngành mình đào tạo.
Một điểm mới trong kỳ tuyển sinh tháng 9/2010 do Viện Khoa học TDTT tổ chức là hình thức tuyển sinh sẽ là xét tuyển thay cho thi tuyển như các năm trước. Theo quy chế của Viện khoa học TDTT ban hành thì sẽ xét thông qua hồ sơ dự tuyển, kết quả học tập ở trình độ thạc sỹ, trình độ ngoại ngữ, thành tích nghiên cứu khoa học đã có, kinh nghiệm hoạt động chuyên môn, chất lượng bài luận về dự định nghiên cứu, ý kiến nhận xét đánh giá và ủng hộ thí sinh trong thư giới thiệu... xét phần trình bày của thí sinh trước tiểu ban chuyên môn. Tuy nhiên, cách thức, nội dung xét tuyển có thể thực hiện theo nhiều cách khác nhau. Nhưng nếu lượng hoá các yếu tố đó (thậm chí cụ thể hơn các yếu tố) thông qua thang điểm là một cách làm được đánh giá là hiệu quả nhất, vừa đảm bảo rõ ràng, tránh áp lực đối với Hội đồng thi vừa đảm bảo công bằng trong đối tượng dự thi.
Nguyễn Siêm