Xin ông cho biết một số hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4)?
Trong một số hoạt động kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) năm nay, ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là chương trình giao lưu nghệ thuật “Một trái tim – một thế giới” lần thứ X diễn ra vào ngày 13/4 vừa qua. Chương trình được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2.
Diễn ra mỗi năm một lần, chương trình "Một trái tim - Một thế giới" là cơ hội để tất cả được gặp gỡ, chia sẻ, động viên những hoàn cảnh khuyết tật, trẻ mồ côi còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đây cũng là dịp để bày tỏ sự tri ân tới những tấm lòng nhân ái của các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước, đã đồng hành, ủng hộ các số phận vượt qua nỗi đau, thiệt thòi để vươn lên hòa nhập với xã hội.
Hướng tới Asean Para Games lần thứ VII, xin ông cho biết khái quát tình hình công tác chuẩn bị của Hiệp hội Paralympic Việt Nam?
Asean Para Games VII sẽ được diễn ra trong những tháng đầu năm 2014. Như vậy, chúng ta chỉ còn gần 1 năm để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Người Khuyết tật lớn nhất khu vực. Đối với Hiệp hội Paralympic Việt Nam thì công tác chuẩn bị Đại hội năm nay gần như tương tự các năm trước. Theo kế hoạch, tháng 7 tới đây giải Thể thao Người khuyết tật toàn quốc sẽ được diễn ra tại Hà Nội. Thông qua giải đấu sẽ rà soát lại lực lượng, trình độ VĐV đội tuyển, lựa chọn thêm những gương mặt VĐV có thành tích xuất sắc, bổ sung vào đội tuyển. Tiếp đó, những VĐV này sẽ được tập trung tập huấn tại 2 Trung tâm HLTTQG là Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội trong thời gian 1 tháng trước khi tham dự Đại hội.
Dự kiến, Thể thao Người khuyết tật Việt Nam sẽ tham dự Đại hội với 120 VĐV ở 7 môn: Điền kinh, Bóng bàn, Cầu lông, Cử tạ, Cờ Vua, Bơi và Quần vợt.
Ông có thể chia sẻ những khó khăn trong quá trình chuẩn bị Đại hội?
Trước hết phải cảm ơn Tổng cục TDTT đã luôn ủng hộ mọi chủ trương, chính sách của Hiệp hội. Còn về khó khăn, có lẽ do ảnh hưởng chung từ nền kinh tế thế giới nên các VĐV còn ít cơ hội được tham dự, giao lưu các sự kiện trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề này không ảnh hưởng nhiều bởi các VĐV vẫn luôn nỗ lực, hăng say luyện tập cùng những HLV giỏi và tâm huyết.
Vậy Thể thao Người khuyết tật Việt Nam có đặt mục tiêu gì ở kỳ Asean Para Games lần thứ VII và ông có nhận xét thế nào về các nước cạnh tranh?
Hướng tới kỳ Asean Para Games lần thứ VII, mục tiêu của Thể thao Người khuyết tật Việt Nam vẫn sẽ là nằm trong tốp 3. Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng bởi sự góp mặt của những VĐV đạt tầm cỡ châu Á như: Nguyễn Thị Hải, Trịnh Công Luận (Điền kinh), Võ Thanh Tùng, Bích Như (Bơi), Hoàng Tuyết Loan, Lê Văn Công, Nguyễn Thị Hồng (Cử tạ)...
Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của TTNKT Việt Nam là Thái Lan bởi quốc gia này được đánh giá có sự phát triển Thể thao Người khuyết tật mạnh mẽ nhất trong khu vực.
Là người gắn bó lâu năm với Thể thao Người khuyết tật Việt Nam, ông có nhắn gửi gì tới Người khuyết tật Việt Nam nói chung và Thể thao Người khuyết tật nói riêng?
Gắn bó với Thể thao Người khuyết tật Việt Nam từ những năm 98-99, tôi không gì mong hơn sự nghiệp phát triển của Thể thao Người khuyết tật Việt Nam. Việt Nam cần hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn, qua đó thắt chặt tình đoàn kết, sự hiểu biết, cùng nhau hợp tác vì một thế giới ngày càng phát triển và phồn vinh. Nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, an lành tới toàn thể đại gia đình Người khuyết tật Việt Nam, luôn phát huy sức mạnh ý chí, nghị lực, giữ vững niềm tin để hướng tới tương lai tốt đẹp.
Xin chân thành cám ơn ông!
Minh Đăng