Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo thể thao các cấp của các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, FIFA, UNESCO, Liên đoàn Thể thao Người khuyết tật ASEAN (APSF), Tổ chức chống Doping thế giới (WADA)…
Tại Hội nghị, đại diện cho Việt Nam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã có bài phát biểu quan trọng bằng tiếng Anh, trong đó khẳng định, sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN ngày càng khẳng định sức mạnh của tình đoàn kết, năng lực tự cường và khả năng thích ứng linh hoạt với các thách thức; chủ động tạo dựng các diễn đàn để các quốc gia trong và ngoài khu vực cùng trao đổi, thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới. Sự hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 với 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội đã hiện thực hóa mục tiêu của ASEAN hình thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội và có vai trò quan trọng ở khu vực.
“Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trong thời gian qua đã tập trung nhiều vào khía cạnh con người, các hoạt động giao lưu thể thao, kết nối văn hóa, giáo dục, các giá trị và bản sắc chung của khu vực đã được truyền tải tới người dân ASEAN, góp phần tăng cường nhận thức về cộng đồng ASEAN”m Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu.
Thứ trưởng cũng đánh giá, các chương trình, kế hoạch hợp tác trong Kế hoạch hành động thể thao ASEAN giai đoạn 2021-2025 đã thể hiện mục tiêu hướng đến một Cộng đồng ASEAN năng động, nơi mà các môn thể thao phát triển một cách toàn vẹn đồng thời đóng vai trò thiết yếu, ưu tiên phát triển văn hóa-xã hội và thúc đẩy hòa bình.
Với ưu tiên hàng đầu hiện nay tập trung vào xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vững mạnh, thống nhất và gắn kết; Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên và Ban Thư ký ASEAN trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN, thúc đẩy tăng cường và phát triển nền thể thao khu vực.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng nhấn mạnh, Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN lần thứ 6 diễn ra trong bối cảnh vô cùng khó khăn bởi đại dịch Covid-19, cuộc sống và sinh mạng người dân bị đe dọa, đời sống kinh tế - xã hội bị đảo lộn, những tiến bộ xã hội và thành quả kinh tế tích lũy được hàng thập kỷ có nguy cơ bị cuốn trôi và các quốc gia cần nhiều năm nữa để khắc phục và vượt qua những tổn thất này. Đứng trước những khó khăn thách thức to lớn đó, tại Hội nghị này, các nhà lãnh đạo thể thao ASEAN chúng ta cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, biện pháp để duy trì tổ chức hoạt động thể thao cộng đồng, nâng cao sức khỏe chống lại đại dịch Covid-19, đồng thời đưa ra định hướng tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao an toàn trong tình hình Covid-19 hiện nay.
Cũng theo Thứ trưởng, tại Việt Nam, sau gần 5 tháng phải trì hoãn do sự bùng phát của làn sóng thứ tư đại dịch Covid-19 với bến thể Delta, đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 đang được khẩn trương triển khai với tinh thần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về chuyên môn, đồng thời cũng đưa ra các phương án đảm bảo an toàn nhất cho toàn bộ các thành viên tham dự Đại hội trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
“Việt Nam sẵn sàng chào đón đoàn Thể thao của 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đến tham dự SEA Games 31 vào trung tuần tháng 5 năm 2022, hứa hẹn một kỳ SEA Games hội tụ toàn thể những tinh hoa xuất sắc nhất của thể thao Đông Nam Á, đồng thời kết nối các hoạt động giao lưu nhân dân hướng tới việc thiết lập một nền tảng vững chắc cho các vận động viên khu vực Đông Nam Á chuẩn bị cho Asian Games và Olympic Games”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, các Bộ trưởng ASEAN về thể thao cũng đã thông báo về tình hình của thể thao các nước, nhất là việc phải đối phó với dịch bệnh Covid-19. Các nước cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tổ chức thành công SEA Games 31, như một minh chứng thể hiện cho sức vươn lên mạnh mẽ của thể thao nói riêng và các nước trong khu vực nói chung, vượt qua đại dịch.
Tại các Hội nghị, đại diện các quốc gia cập nhật và báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch hợp tác trong thời giai đoạn 2016-2020; các chương trình hợp tác về thể thao trong thời gian tới nhằm hướng đến việc phát triển hơn nữa thể thao trong khu vực ASEAN cũng như xây dựng Cộng đồng ASEAN năng động, nơi mà các môn thể thao phát triển một cách toàn vẹn đồng thời đóng vai trò thiết yếu, ưu tiên phát triển văn hóa-xã hội và thúc đẩy hòa bình…
Các đại biểu cũng thảo luận các chủ đề là sự đóng góp của Thể thao đối với kết quả phát triển và hòa bình; Thúc đẩy lối sống lành mạnh thông qua việc tham gia tập luyện thể thao và các hoạt động thể chất; Phát triển năng lực chuyên môn, tính toàn vẹn trong thể thao và khoa học thể thao; Thúc đẩy nhận thức về ASEAN thông qua các hoạt động thể thao, du lịch thể thao và công nghiệp thể thao. Các nội dung và lĩnh vực thảo luận là căn cứ để xây dựng Kế hoạch hành động về thể thao của ASEAN giai đoạn 2021-2025 và thực hiện chương trình hợp tác với các đối tác với Nhật Bản, FIFA, WADA….
Hội nghị đã chứng kiến Lễ ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội các qốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức phòng chống Doping thế giới (WADA) theo hình thức trực tuyến. Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao sẽ xem xét thống nhất đưa ra tuyên bố chung và đệ trình các văn bản lên Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 40 gồm kế hoạch hành động ASEAN về thể thao giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch hợp tác thường niên ASEAN-FIFA 2021-2022; Biên bản ghi nhớ giứa ASEAN và WADA (ASEAN-WADA MoU; Tuyên bố chung của các Bộ trưởng thể thao ASEAN về tạo dựng nền tảng vững chức cho các vận động viên ASEAN tại SEA Games hướng đến ASIAN Games và Olympic Games.
Chiều nay, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương tiếp tục chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Thể thao các nước ASEAN và Nhật Bản. Theo chương trình, tại Hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận, bàn bạc về sự hợp tác của ASEAN và Nhật Bản trong lĩnh vực TDTT.
THU SÂM; ảnh:QUÝ LƯỢNG