|
Liên hoan Võ thuật cổ truyền quốc tế lần
thứ Nhất được tổ chức tại Việt Nam
đã để lại dấu ấn tốt đẹp (Ảnh: BN) |
Cùng với chiều dài lịch sử của đất nước, Võ thuật cổ truyền Việt Nam phong phú và đa dạng đã được hình thành qua kinh nghiệm xương máu từ cuộc chiến đấu kiên cường bảo vệ Tổ quốc. Ngược dòng lịch sử, Võ thuật cổ truyền Việt Nam khởi nguồn từ võ trận khi đất nước phải gồng mình chống giặc ngoại xâm và qua đó tạo nên rất nhiều anh hùng hào kiệt. Võ thuật theo chiều dài lịch sử, có lúc thăng, lúc trầm, lúc thịnh, lúc suy, nhưng chưa bao giờ hiếm những bậc kỳ tài. Vì thế mà không quá khó hiểu khi có rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến Việt Nam hoặc học Võ Việt Nam do các võ sư Việt Nam định cư ở nước ngoài giảng dạy.
Festival Tây Sơn Bình Định - Đại tiệc của Võ thuật Việt Nam
Đất và người Bình Định đã thực sự trở mình để chuẩn bị cho quê hương ngày vào hội, khi biết cách phát huy giá trị của các môn võ truyền thống, lấy đó làm bước đệm để đưa hình ảnh của mình đến với bè bạn quốc tế…
Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 đã được tổ chức từ ngày 1 - 3/8, gắn với kỷ niệm 235 năm (1773 - 2008) nghĩa quân Tây Sơn đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn, mở đầu sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn. Festival là cơ hội phô diễn tinh thần thượng võ và những giá trị văn hóa đặc sắc của miền đất võ trời văn. Với chủ đề “Hội tụ và phát triển”, Bình Định đã gửi lời mời gọi bạn bè trong nước, quốc tế đến với vùng đất võ anh hùng hào kiệt này.
Festival Tây Sơn - Bình Định lần 2 năm 2008 với nhiều hoạt động lớn đã góp phần đánh thức những giá trị văn hoá riêng của vùng đất này. Về với Bình Định còn là về với mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ (đất Quy Nhơn hiện có 2 đài tưởng niệm người anh hùng lớn của dân tộc). Chính vì thế, để mang dấu ấn riêng, các hoạt động của Festival đã tập trung vào việc khai thác và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Bình Định qua các hoạt động chính như: lễ khai mạc; lễ rước Hoàng đế Quang Trung và các văn thần, võ tướng nhập điện tại Bảo tàng Quang Trung; liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền lần thứ II; cuộc thi Hoa hậu Những miền đất võ; đêm hoa đăng trên đầm Thị Nại; liên hoan Tuồng truyền thống toàn quốc; hội Làng nghề truyền thống và ẩm thực; liên hoan Sinh vật cảnh...
Đáng chú ý trong các hoạt động này là Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền lần thứ II - thương hiệu miền đất võ của Bình Định và mang ý nghĩa của một cuộc hành hương, về với một trong những miền đất cội nguồn của Võ cổ truyền Việt Nam. Đã có hơn 40 đoàn Võ thuật đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 1.000 võ sĩ, võ sư và 500 VĐV, HLV của các đoàn trong nước về tham dự liên hoan. Ngoài chương trình biểu diễn Võ thuật của các đoàn trong nước và quốc tế, tại Tuy Phước, Tây Sơn và Tp. Quy Nhơn, BTC còn tổ chức cho các VĐV, võ sư các đoàn về các làng võ truyền thống trong tỉnh, đến thăm các võ sư nổi tiếng của Bình Định. Việc tổ chức đấu võ giữa các lò võ trong tỉnh và trong nước sẽ giới thiệu những nét tinh hoa của Võ cổ truyền nhân loại, đặc biệt là Võ cổ truyền Tây Sơn ở Bình Định trong quá trình kế thừa và phát triển.
Sau "đại tiệc" ngẫm về phong trào trong nước
Quả thật, sau một thời gian chúng ta đón nhận phương châm “đi tắt, đón đầu” để nâng tầm vị thế của mình trên đấu trường quốc tế, và thực tế đã chứng minh hướng đi đó hoàn toàn hợp lý và chính xác khi vị trí của TTVN đang đứng Nhất, Nhì khu vực và cũng có thứ hạng cao ở Châu lục. Tuy vậy, thế và lực đã mạnh, chúng ta vẫn phải cần làm thêm nhiều việc nữa để giữ vững và tiếp tục phát huy thế mạnh đó.
Chính vì vậy, trong thời điểm này, chúng ta phải có ngay cách nhìn khác để đầu tư phát triển các môn Võ thuật cổ truyền dân tộc với đích ngắm là đấu trường quốc tế. Mục tiêu đó hoàn toàn có thể thực hiện được với tiềm lực của chúng ta ngày nay. Philippines có Arnis được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 23, Indonesia có Pencak Silat đã thi đấu nhiều SEA Games gần đây, Thái Lan đang nỗ lực đưa Muay vào chương trình Đại hội bằng nhiều phương thức, vậy tại sao, các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam đã tồn tại và phát triển hàng nghìn năm nay lẽ nào không có vị thế của mình ???
Vovinam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian gần đây để trở thành môn thể thao chính thống tại ASIAN Indoor Games 2009 và nhiều khả năng có trong chương trình thi đấu chính thức của SEA Games 25, còn Võ cổ truyền Việt Nam với bề dày lịch sử thì sao ? Người Việt Nam chúng ta rất có năng khiếu Võ thuật, chính vì thế, việc tiếp thu các môn Võ thuật nước ngoài như: Karatedo, Taekwondo, Judo, Wushu, Silat, Arnis… , cũng hết sức nhanh nhạy.
Trước thực tế ngoài Vovinam đang phát triển mạnh mẽ để trở thành môn thể thao quốc tế, thì Võ cổ truyền Việt Nam đã có nhiều chuyến du đấu và biểu diễn tại các Liên hoan Võ thuật quốc tế, tham gia biểu diễn và giảng dạy tại rất nhiều quốc gia trên thế giới và được đón nhận nhiệt liệt. Do đó, việc phát triển Võ thuật cổ truyền ra quốc tế là điều khả thi và hoàn toàn có thể làm được nếu như chúng ta cố gắng, nỗ lực.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước mắt, ngoài việc ổn định và nâng tầm tại các giải đấu truyền thống hàng năm cũng như trong các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, Võ thuật Việt Nam cần được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục thể chất giống như cách làm của Hàn Quốc và Nhật Bản khi đưa Taekwondo và Judo là môn học chính khóa, để từ đó, ngoài cách giáo dục về những tinh hoa truyền thống của dân tộc cho thế hệ mầm non của đất nước, còn tạo nguồn nhân lực dồi dào để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Bắc Nam