Nỗi ô nhục của ĐT Pháp
Vòng loại World Cup 1994, ĐT Pháp nằm ở bảng 6 cùng các đội Thụy Điển, Phần Lan, Israel, Áo và Bulgaria. Thời điểm ấy, Les Blues đang sở hữu một thế hệ được đánh giá là vàng ròng, mạnh nhất kể từ khi Michel Platini giải nghệ.
Trong tay nhà cầm quân Gerard Houllier trẻ tuổi và tài ba (lúc ấy mới 46 tuổi) là dàn cầu thủ cực kỳ chất lượng, mạnh và đều cả 3 tuyến. Trên hàng công, thủ quân Jean-Pierre Papin không chỉ là điểm tựa tinh thần mà còn là ngòi pháo luôn sẵn sàng kích nổ; ngôi sao được đánh giá cao như Cristiano Ronaldo bây giờ đồng thời cũng là một huyền thoại của M.U – Eric Cantona, Cầu thủ xuất sắc nhất nước Pháp 1993 - David Ginola. Phía hậu phương cũng toàn những cái tên trứ danh: trung vệ Laurent Blanc, đôi cánh Marcel Desailly và Emmanuel Petit. Các tuyến được kết lối với nhau bằng mắt xích mang tên Didier Deschamps – vị HLV đương nhiệm của tuyển Pháp, kẻ phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong thất bại vừa qua.
Với một đội hình đồng đều và vượt trội như thế, Pháp dễ dàng dẫn đầu bảng trước 2 lượt trận cuối cùng. Lúc này, người hâm mộ đã bắt đầu đổ đi đặt vé máy bay đến Mỹ, nơi diễn ra ngày hội bóng đá năm 1994, tìm các mối quen để chỉ cần có lịch thi đấu là sẵn sàng mua vé sớm và rẻ. Cơ sở để người Pháp tự tin đến vậy là bởi ở 2 trận được-đánh-giá là thủ tục ấy, “Gà trống Gaulois” chỉ phải gặp đội bét bảng Israel và hạ màn với Bulgaria, tất cả đều trên sân nhà. Chừng ấy đã đảm bảo chiếc vé trực tiếp cho ĐT Pháp chưa? Dĩ nhiên là rồi, thừa mứa là đằng khác. Chính tâm lý chủ quan ấy đã hại người Pháp theo cái cách không thể cay đắng hơn, để giờ đây khi nhắc về nó, người ta chỉ có thể miêu tả bằng cụm từ: “Nỗi ô nhục của ĐT Pháp”.
2 trận sân nhà, 1 điểm không xong
Trận đầu tiên ngày 13/10/1993, Pháp tự tin sẽ hoàn thành sớm mục tiêu khi tiếp Israel tại Công viên các Hoàng tử. Đôi chút khó khăn, đội chủ nhà bị Ronen Harazi bên phía đối thủ chọc thủng lưới trước. Tuy nhiên trước khi hiệp 1 kết thúc, Les Blues nhanh chóng thiết lập lại trật tự bằng các pha lập công của Sauzee và Ginola. Kể từ đó, thầy trò Houllier chắc mẩm đến chuyến du hí trên đất Mỹ để rồi vào các phút 83 và 90, họ bị đối thủ tát cho 2 cái đau điếng và chuốc lấy thất bại đầu tiên. Xứ lục lăng bắt đầu mường tượng đến thảm kịch có thể xảy ra. Nhưng rất nhanh họ gạt ý nghĩ ấy ra khỏi đầu, làm sao có chuyện World Cup thiếu những Cantona, Ginola hay Papin…
Những chuyên gia bắt đầu mổ xẻ rồi đưa ra lời cảnh báo cho thầy trò Houllier về những khả năng xấu. Chỉ cần 1 điểm trước kẻ chiếu dưới Bulgaria, ĐT Pháp sẽ loại chính đối thủ để giành vé bay thẳng đến xứ cờ hoa hè năm, nếu giành chiến thắng thì còn giữ được ngôi đầu bảng nữa. Nhưng nếu thất bại, họ - ƯCV nặng ký cho chức vô địch hè năm sau, những người gánh vác trọng trách mang chiếc Cúp vàng World Cup về cho nước Pháp lần đầu tiên lịch sử, sẽ trở thành khán giả bất đắc dĩ.
Thế rồi ngày 17/10/1993 định mệnh cũng đến. Parc des Princes được phủ ngợp trong gần 5 vạn người, cờ hoa phủ rợp bầu trời Paris, dàn thanh la não bạt do cả trăm tay quân nhạc hùng hậu trong một lễ chào cờ lớn hiếm thấy ở một trận bóng đá hét vang như để chuẩn bị cho chiến thắng của đội nhà. Không ai chuẩn bị cho sự thất bại. Đắng cay từ ấy mà ra…
Gerard Houllier tung ra một đội hình giàu sức tấn công với bộ đôi Cantona – Papin nơi tuyến đầu. Nhà cầm quân 46 tuổi quyết định cất Ginola lên ghế dự bị và lẽ ra ông phải cất đến hết trận, tiếc rằng lịch sử không có chỗ cho 2 từ giá như. Dù một CĐV đã cố giấu chú gà trống – biểu tượng của đoàn quân áo Lam, mang vào rồi thả xuống sân cầu mong phước lành cho cả nước Pháp, thì nó cũng không đủ quyền năng để ngăn ngừa thảm họa.
Pháp vs Bulgaria ở VL World Cup 1994
Trên thực tế, đội chủ nhà vẫn nhập cuộc tự tin, làm chủ hoàn toàn thế trận, tấn công vũ bão và vẫn có bàn dẫn trước. Phút 32, Eric Cantona dập tắt chút sợ hãi cuối cùng trong lòng khán giả nhà bằng pha lập công đúng với thương hiệu, khiến cầu trường vỡ òa trong niềm hân hoan. Tuy nhiên, hệ thống phòng ngự của sơ đồ 1-3-1-2-1-2 mà Houllier bố trí bộc lộ những sơ hở chết người. Chỉ 5 phút sau, Bulgaria gỡ hòa và duy trì thế quân bình đến gần hết thời gian của trận đấu.
Lịch sử bóng đá Pháp lẽ ra đã không có vết nhơ ấy nếu người thường sắm vai anh hùng của họ, David Ginola không có một pha bóng ngớ ngẩn. Khi trận đấu chỉ còn được tính bằng giây, hàng chục triệu người của quốc gia này chỉ mong Ginola đưa bóng ra góc sân để trọng tài chính Mottram người Scotland thổi hồi còi mãn cuộc. Tồi tệ thay, gã sao kia lại tung quả tạt mạnh như mất trí mà sau này chính HLV Houllier miêu tả lại: “Chỉ còn 30 giây cuối nữa thôi nhưng chúng tôi đã bị đâm sau lưng. Trọng tài chính đã ngậm còi trong miệng định thổi. Vì thế, lẽ ra anh ta (Ginola) phải cố giữ bóng thì thật tệ, anh ta câu bóng một cách bất cẩn và coi thường tất cả. Và họ đã tận dụng cơ hội ấy để nhấn chìm chuyến phiêu lưu của chúng tôi”.
Thiên đàng đã ở trước mắt, người Pháp lại tự đẩy mình ngã xuống địa ngục. Sau cú tạt bóng vô trách nhiệm của Ginola, các cầu thủ Bulgaria tổ chức phản công cực nhanh và lại là Emil Kostadinov, người đã ghi bàn thắng gỡ hòa trước đó, tung cú sút búa bổ hạ gục thủ thành Lama. Cùng lúc đó, cuộc đấu chấm dứt. Parc des Princes bàng hoàng. Những bóng áo lam đổ gục xuống sân. Những giọt nước mắt vỡ òa không hiểu vì sao. Houllier vò đầu bứt tai còn Platini trên khán đài ngán ngẩm, trân trân nhìn đối thủ ăn mừng. Trong khoảnh khắc ấy, cả một dân tộc tham vọng gần như chết lặng. Phải, ĐT Pháp chính thức bị loại, một cách nghiệt ngã!
Trảm! Trảm hết, trảm sạch
Sau thảm họa Parc des Princes, người Pháp thậm chí đã phải thay đổi sân nhà và không trở lại nơi này nữa. Còn những tác nhân trực tiếp, dù liên quan theo cách nào đi chăng nữa, đều bị trảm không tiếc tay. Houllier xuống làm HLV đội U18, thế hệ vàng mang trong mình đầy những kì vọng và sự ngạo mạn kia, dần bị thay thế bằng một đội ngũ trẻ trung hơn, giàu ý chí, sự nhiệt huyết và khôn ngoan hơn.
Đến World Cup 1998 – giải đấu được tổ chức ngay tại quê nhà, ĐT Pháp trình làng lứa trụ cột mới với những Zinedine Zidane, Thierry Henry, Lilian Thuram… Bộ ba huyền thoại Cantona – Papin – Ginola hoàn toàn đứng ngoài trong chiến tích vô địch thế giới lần đầu tiên chỉ 4 năm sau đó. Thế hệ vàng chính thức trôi vào dĩ vãng, trong nỗi đau không thể nào quên.
Nguồn: Dược Sơn - Bóng đá Toàn cầu