Có lẽ sẽ chẳng xa lạ gì với những NHM thể thao, đặc biệt là những người yêu thích môn Điền kinh khi nhắc tới cái tên Vũ Bích Hường - một trong số ít VĐV dám thử sức mình ở nội dung chạy vượt rào đầy khó khăn và mới mẻ hồi đó. Thế nhưng hạnh phúc đã mỉm cười với chị bởi chính cái quyết định tưởng chừng sai lầm ấy đã đưa chị đến đỉnh vinh quang và hình ảnh Vũ Bích Hường với lá Quốc kỳ đỏ thắm trên vai khi lần đầu tiên giành HCV ở môn Điền kinh cho Việt Nam tại đấu trường khu vực sẽ còn in đậm trong tâm trí NHM.
Vinh quang là vậy, nhưng ít ai có thể biết được cuộc sống đầy khó khăn của nữ VĐV này ngoài đời thường và những gì chị đã phải trải qua để theo đuổi "cái nghiệp" của mình. Được chứng kiến cảnh chị tất bật với công việc gia đình mới thấy được lòng say mê thể thao và sự hy sinh hết mình của chị. Nếu không "đam mê" thì có lẽ không ai có thể lý giải nổi tại sao Bích Hường lại "chạy" như thế, thậm chí đến bản thân chị cũng không thể hiểu nổi.
Bước ngoặt lớn nhất trong đời Bích Hường là năm 1987 khi 18 tuổi, được sự động viên của các thầy cô giáo, Bích Hường quyết định theo đuổi nội dung chạy vượt rào. Lúc ấy, đây là nội dung còn rất mới và hiếm có người theo đuổi. Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong ở nội dung này, tiêu biểu phải kể đến những cái tên như: Bích Hường, Nguyễn Thị Hoa, Thu Hằng và Đoan Trang. Ngay trong lần thi đấu đầu tiên cự ly 100m rào, Bích Hường đã xuất sắc vượt qua các VĐV khác về nhất với thành tích... còn rất khiêm tốn 15’’75. Nhưng đây cũng chính là KLQG được Bích Hường thiết lập hồi đó.
Những tưởng phải nói lời chia tay với môn thể thao mình đã lựa chọn khi quyết định lên xe hoa. Nhưng sau 2 năm ổn định cuộc sống gia đình, Bích Hường đã quay trở lại đường "pít" với khát khao cháy bỏng được chạy và được cống hiến. Nhưng mọi chuyện không mấy dễ dàng, lần hạ sinh cậu con trai đầu lòng cũng khiến sức khoẻ của chị giảm sút khá nhiều. Vì vậy, sau một thời gian dài, nỗ lực tập luyện chị mới có thể lấy lại phong độ của mình. 5 lần tham dự SEA Games liên tiếp với những thành tích đã đạt được (HCV SEA Games 18 năm 1995 ở Thái Lan; 3 HCB ở các kỳ SEA Games 1997, 1999, 2003; 1 HCĐ SEA Games 2001 và nhiều lần VĐQG...) là minh chứng rõ nét nhất cho ý chí, nghị lực và sự bền bỉ của người phụ nữ đặc biệt này.
Hiện nay, trên cương vị mới - HLV Vũ Bích Hường đã không quản ngại khó khăn trong việc tìm kiếm các VĐV tài năng trẻ cho Điền kinh nước nhà. Sự xuất hiện của chị một cách thường xuyên tại các giải đấu hay "lang thang" tại các trường PTTH, THCS khu vực nội thành và các tỉnh lân cận đã không còn xa lạ với đồng nghiệp, bởi đó là những lúc người VĐV nhiệt huyết này đang cố gắng tìm kiếm và truyền đạt cho các em học sinh những kinh nghiệm, kỹ thuật về môn Điền kinh.
Nếu coi đó là xuất phát điểm thì có lẽ, trong tương lai không xa một trong số những em học sinh mà chị "phát hiện" sẽ tái lập, vượt qua thành tích mà chị đã chiếm giữ bao năm và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển của Điền kinh Việt Nam. Với những gì đã cống hiến cho thể thao nước nhà, bằng bầu nhiệt huyết và tình yêu nghề, chị xứng đáng được coi là bức tượng đài về thành tích và nghị lực sống phi thường cho các lớp VĐV trẻ hôm nay. Xin chúc chị thành công trên cương vị mới!
Xuân Nhi